Chưa rõ nét vai trò của di sản trong phát triển du lịch
Tại Kỳ họp thứ 22, HĐND tỉnh Ninh Thuận Khóa XI, các đại biểu đã chất vấn Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch đối với các vấn đề cấp thiết đặt ra đối với công tác quản lý, bảo tồn, phát huy văn hóa vật thể và phi vật thể trên địa bàn. Đó là các vấn đề liên quan đến phát huy vai trò của di sản văn hóa trong phát triển du lịch; giải pháp đẩy mạnh bộ môn nghệ thuật Đờn ca tài tử; bảo tồn hai làng nghề truyền thống của đồng bào Chăm tỉnh Ninh Thuận, đặc biệt là Nghệ thuật làm gốm của người Chăm đã được UNESCO công nhận là di sản văn hóa phi vật thể cần được bảo vệ khẩn cấp, khai thác hiệu quả nghệ thuật làm gốm của người Chăm vào phát triển du lịch; phát huy tối đa tiềm năng, lợi thế to lớn của khu dự trữ sinh quyển thế giới trong công tác bảo tồn nghiên cứu khoa học, bảo vệ môi trường và phát triển du lịch sinh thái gắn với các chương trình hỗ trợ sinh kế bền vững cho người dân sống trong vùng đệm của Vườn Quốc gia Núi Chúa…
Qua giám sát chất vấn, HĐND tỉnh Ninh Thuận đánh giá tích cực những chuyển biến trong công tác lãnh đạo, điều hành và kết quả đạt được trong bảo tồn và phát huy giá trị các di sản, di tích, di sản thiên nhiên, văn hóa trên địa bàn tỉnh gắn với phát triển du lịch, nâng cao đời sống, phát triển kinh tế. Hệ thống di sản văn hóa được quan tâm nghiên cứu đầu tư, bảo tồn; duy trì và phát triển các loại hình nghệ thuật truyền thống, vai trò tham gia của các nghệ nhân trong việc bảo tồn và phát huy giá trị sản văn hóa được phát huy. Các phong tục tập quán, lễ hội truyền thống của các dân tộc trên địa bàn được duy trì, phát huy các giá trị di sản gắn bảo tồn với phát triển kinh tế, nhất là du lịch, đưa du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn.
Bên cạnh những kết quả đạt được, Nghị quyết của HĐND tỉnh về hoạt động chất vấn và trả lời chất vấn tại Kỳ họp thứ 22 thẳng thắn chỉ ra: việc tham mưu chỉ đạo của ngành văn hóa, thể thao và du lịch thời gian qua đối với công tác bảo tồn mới chỉ giải quyết những vấn đề mang tính cấp bách, trước mắt, chưa xây dựng kế hoạch có tính tổng thể, lâu dài; việc chủ động tham mưu, phối hợp tham mưu xây dựng Đề án bảo tồn và phát huy giá trị các di sản (văn hóa vật thể, phi vật thể, di sản thiên nhiên được UNESCO công nhận) như: nghệ thuật làm gốm Chăm, đờn ca tài tử, Vườn Quốc gia Núi Chúa... triển khai còn chậm. Vì vậy, vai trò của di sản trong phát triển du lịch chưa rõ nét; sản phẩm du lịch văn hóa của địa phương chiếm tỷ lệ thấp trong cơ cấu các sản phẩm du lịch của tỉnh. Một số di sản phi vật thể cấp tỉnh ngày càng mai một (Hò bả trạo), do chưa được quan tâm, nghiên cứu, đề xuất giải pháp.
Khuyến khích các hoạt động sáng tác, truyền nghề, vinh danh
Trên cơ sở làm rõ thực tế, nguyên nhân và trách nhiệm, để thực hiện chủ trương giữ gìn, bảo tồn các giá trị văn hóa, đưa văn hóa trở thành động lực quá trình phát triển, HĐND tỉnh Ninh Thuận đề nghị UBND tỉnh chỉ đạo ngành văn hóa, thể thao và du lịch phối hợp các ngành, địa phương tập trung khẩn trương rà soát, đánh giá toàn diện tình hình quản lý, khai thác các di sản (văn hóa vật thể, phi vật thể, thiên nhiên) đã được công nhận (cấp quốc gia, cấp tỉnh) đề xuất giải pháp tổng thể để bảo tồn, phát huy giá trị di sản gắn với phát triển du lịch, nhằm khai thác tiềm năng, lợi thế văn hóa cho phát triển. Hoàn thành phê duyệt các đề án, kế hoạch, chương trình hành động theo quy định pháp luật bảo vệ di sản đối với 3 di sản UNESCO công nhận để triển khai thực hiện.
Cần triển khai toàn diện, cụ thể hóa các nhiệm vụ bảo tồn và phát huy các giá trị di sản văn hóa theo yêu cầu của Luật Di sản văn hóa. Thông qua tổ chức các hội thảo, tọa đàm, các cuộc thi tìm hiểu về giá trị di sản; khuyến khích tham gia của cộng đồng trong các hoạt động bảo tồn nhất là các chủ thể tạo giá trị di sản (gốm chăm). Phát triển du lịch bền vững thông qua xây dựng các tour tham quan, nghiên cứu di sản; chú trọng đào tạo đội ngũ hướng dẫn viên am hiểu về lịch sử, giá trị di sản, giỏi ngoại ngữ. Cùng với đó, rà soát bổ sung các quy định quản lý di sản, hình thành và kiểm soát chặt các khu vực bảo vệ theo luật di sản. Đầu tư cơ sở hạ tầng phục vụ công tác bảo tồn và phát huy giá trị di sản, nhất là hạ tầng giao thông, thông tin, cảnh quan thuận lợi và thu hút cho du khách.
HĐND tỉnh Ninh Thuận nhấn mạnh việc tổ chức các hoạt động nghiên cứu về di sản; khuyến khích các hoạt động sáng tác, đào tạo duy trì truyền nghề, vinh danh các nghệ nhân để bảo tồn giá trị truyền thống; thúc đẩy phát triển nâng cao chất lượng ngành nghề tiểu thủ công mỹ nghệ dựa trên các giá trị truyền thống và văn hóa của di sản và địa phương. Tìm kiếm các chương trình hợp tác với các tổ chức quốc tế trong bảo tồn di sản; tăng cường tham gia nghiên cứu các dự án bảo tồn toàn cầu để học tập kinh nghiệm. Đồng thời, xây dựng các ứng dụng hoặc trang web để giới thiệu về di sản; sử dụng công nghệ để ghi lại, lưu giữ thông tin di sản, thúc đẩy tham quan di sản qua mạng để kích thích nhu cầu tham quan, trải nghiệm của du khách.