Đó là một nội dung quan trọng về các chính sách trên các lĩnh vực phát triển kinh biển được nhấn mạnh tại Hội nghị TXCT chuyên đề “Đẩy mạnh phát triển kinh tế biển gắn với nâng cao chất lượng đời sống, vật chất tinh thần cho người dân, bảo vệ chủ quyền biển, đảo” do Thường trực HĐND tỉnh Ninh Thuận vừa phối hợp tổ chức.
Nâng cao nhận thức cộng đồng, hạn chế rác thải
Theo đó, với các chính sách trên các lĩnh vực phát triển kinh tế biển, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Phạm Văn Hậu đề nghị UBND tỉnh chỉ đạo các cơ quan, đơn vị, địa phương cần tập trung rà soát điều chỉnh, tham mưu ban hành các chính sách phát triển kinh tế biển; quy hoạch vùng nuôi; quy hoạch xây dựng đô thị, du lịch, nông thôn, công nghiệp; kế hoạch triển khai năng lượng, khoáng sản bảo đảm phủ kín. Tập trung thu hút đầu tư; tăng cường quản lý xử lý vi phạm không để lãng phí nguồn lực đất đai các dự án ven biển.
Tăng cường tuyên truyền, nâng cao nhận thức về vị trí, vai trò, sự cần thiết và yêu cầu phát triển bền vững kinh tế - xã hội vùng ven biển; nâng cao nhận thức cộng đồng, hạn chế rác thải trên biển và vùng ven biển. Các biện pháp triển khai công tác tuyên truyền phải được tiến hành chủ động tích cực và có sự vào cuộc của các ban ngành, cấp ủy và chính quyền địa bàn, nhằm tạo chuyển biến sâu rộng trong nhận thức của cán bộ, Nhân dân, tổ chức, doanh nghiệp.
Tiếp tục phát triển kinh tế biển theo 3 Khu vực đã được phê duyệt. Trong đó, tập trung phát triển Khu vực ven biển phía Bắc với chức năng phát triển du lịch nghỉ dưỡng cao cấp và trải nghiệm, đô thị du lịch, du lịch sinh thái gắn với khai thác hiệu quả Khu dự trữ sinh quyển thế giới Núi Chúa. Phát triển Khu vực ven biển trung tâm gắn với khai thác quy hoạch và khai thác hiệu quả khu du lịch quốc gia Ninh Chữ gắn với động lực phát triển kinh tế - xã hội thành phố Phan Rang - Tháp Chàm.
Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Phạm Văn Hậu yêu cầu rà soát các nhóm chính sách do tỉnh ban hành, đối chiếu với quy định pháp luật từ Trung ương, căn cứ thực tiễn triển khai thực hiện để ban hành hoặc trình HĐND tỉnh điều chỉnh, bổ sung, ban hành chính sách đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội vùng ven biển, chính sách hỗ trợ phát triển các vùng nông thôn ven biển đảm bảo đầy đủ cơ sở pháp lý, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc về thủ tục, thúc đẩy phát triển kinh tế biển của tỉnh. Đánh giá kết quả thực hiện Nghị quyết số 32/NQ-HĐND ngày của HĐND tỉnh về phát triển kinh tế biển tỉnh Ninh Thuận đến năm 2025, định hướng đến năm 2050, làm cơ sở đề xuất xây dựng, sửa đổi, bổ sung các chính sách cho phù hợp…
Đề xuất cơ chế, chính sách hỗ trợ phát triển nuôi biển sâu
Về đầu tư hạ tầng, UBND tỉnh chỉ đạo các cơ quan, đơn vị, địa phương rà soát ưu tiên đầu tư công thúc đẩy khai thác tiềm năng: hạ tầng cảng biển, logistics, nghề cá; hạ tầng du lịch ven biển, hạ tầng dân cư ven biển... Thực hiện hiệu quả chủ trương phát triển Ninh Thuận thành Trung tâm năng lượng, năng lượng tái tạo của cả nước gắn với triển khai thực hiện quy hoạch điện VIII; đẩy nhanh tiến độ các dự án năng lượng tái tạo theo quy hoạch điện VIII; tập trung hoàn thành các thủ tục đầu tư dự án LNG Cà Ná giai đoạn 1 quy mô 1.500MW.
Tập trung nguồn lực hoàn thiện Cảng biển tổng hợp Cà Ná giai đoạn 2; đẩy nhanh tiến độ phê duyệt quy hoạch và lựa chọn nhà đầu tư thực hiện dự án Cảng cạn Cà Ná, Trung tâm dịch vụ logistics; từng bước hình thành và phát triển các loại hình dịch vụ logistics; xây dựng hoàn thiện các tuyến đường giao thông, kết nối liên thông các cảng biển với các tuyến đường cao tốc, đường sắt Bắc - Nam, Quốc lộ 1A, Quốc lộ 27.
Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Phạm Văn Hậu nhấn mạnh việc tiếp tục xây dựng Ninh Thuận thành trung tâm tôm giống chất lượng cao của cả nước; phát triển nuôi biển công nghệ cao vùng nước sâu theo quy hoạch. Đẩy mạnh cơ cấu lại nghề khai thác hải sản; khuyến khích phát triển khai thác thủy sản vùng khơi theo hướng hiện đại gắn với chống IUU và bảo vệ, giữ vững chủ quyền, an ninh vùng biển. Tập trung thu hút đầu tư vào lĩnh vực chế biến hải sản; nghiên cứu đề xuất cơ chế chính sách hỗ trợ phát triển nuôi biển sâu theo quy định… Cùng với đó, rà soát, quan tâm bố trí kinh phí đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng phòng chống thiên tai, thảm họa, chống xói lở bờ biển, bảo vệ dân cư, ứng phó với biến đổi khí hậu.