Chưa phù hợp, khó áp dụng trong thực tiễn
Qua giám sát, Thường trực HĐND tỉnh Hải Dương nhận thấy việc xử lý tài sản là tang vật, phương tiện vi phạm hành chính bị tịch thu thực hiện theo Luật Quản lý, sử dụng tài sản công và các văn bản hướng dẫn thi hành vẫn còn bất cập, chưa phù hợp và khó áp dụng trong thực tiễn.
Cụ thể, thời gian chuyển biên bản vi phạm hành chính trong trường hợp không thuộc thẩm quyền xử phạt theo quy định hiện hành - Khoản 5 Điều 58 Luật Xử lý vi phạm hành chính, Điểm a Khoản 6 Điều 12 Nghị định số 118/2021/NĐ-CP quy định “trường hợp vi phạm hành chính không thuộc thẩm quyền xử phạt của người lập biên bản, thì biên bản và các tài liệu khác phải được chuyển cho người có thẩm quyền xử phạt trong thời hạn 24 giờ, kể từ khi lập biên bản. Quy định này còn thiếu tính khả thi, nhất là đối với các vụ việc phức tạp cần thời gian xác minh, làm rõ nhằm xác định đúng thẩm quyền xử phạt.
Hay Quy định về “giá thị trường” để xác định giá trị tang vật, phương tiện vi phạm hành chính làm căn cứ xác định khung tiền phạt, thẩm quyền xử phạt còn vướng mắc. Đặc biệt, một số tang vật có tính chất đặc thù như: gỗ nhập khẩu nước ngoài, mặt hàng thực phẩm nhập khẩu có nhãn phụ bằng tiếng Việt, mỹ phẩm, hàng điện tử, điện thoại không rõ nguồn gốc xuất xứ...
Việc xử lý tài sản phải thực hiện nhiều thủ tục, trình tự, ảnh hưởng tới việc bảo đảm thời hạn về xử lý tài sản. Đó là thủ tục lấy ý kiến, thời hạn trả lời trước khi phê duyệt phương án xử lý tài sản dẫn đến kéo dài thời gian xử lý, gây khó khăn cho công tác quản lý, bảo quản, phát sinh chi phí và dẫn tới hao mòn, giảm giá trị của tài sản bị tịch thu, trong khi đó, Luật Quản lý tài sản công không quy định. Cùng với đó, một số quy định của văn bản quy phạm pháp luật về xử lý tài sản vi phạm hành chính còn bất cập, ảnh hưởng đến thời gian, tiến độ xử lý tài sản bán (như: việc xác định giá bán niêm yết đối với tang vật vi phạm hành chính bị tịch thu theo Thông tư số 57/2018/TT-BTC và Nghị định số 151/2017/NĐ-CP của Chính phủ); việc xử lý tài sản công trong trường hợp bán đấu giá không thành còn nhiều vướng mắc do chưa có quy định về việc giảm giá trong trường hợp đấu giá lại và chưa có hướng dẫn việc lựa chọn hình thức xử lý khác theo quy định tại Khoản 3 Điều 25 Nghị định số 151/2017/NĐ-CP khi đã 2 lần đấu giá không thành.
Giảm thời gian thông báo trên phương tiện thông tin đại chúng
Tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc trong thi hành pháp luật, trên cơ sở giám sát, Thường trực HĐND tỉnh Hải Dương kiến nghị Quốc hội xem xét sửa đổi Luật Xử lý vi phạm hành chính theo hướng: quy định lại thời gian chuyển biên bản vi phạm hành chính trong trường hợp không thuộc thẩm quyền xử lý từ 24 giờ lên 72 giờ, để cơ quan thực thi pháp luật đủ thời gian hoàn thiện hồ sơ chuyển cho người có thẩm quyền xử phạt. Quy định cụ thể về giá thị trường của địa phương tại thời điểm xảy ra vi phạm (Điều 60 của Luật Xử lý vi phạm hành chính) để xác định giá trị tang vật vi phạm hành chính làm căn cứ xác định khung tiền phạt, thẩm quyền xử phạt, thẩm quyền tịch thu và xử lý. Điều chỉnh thời gian quy định tại Điểm b Khoản 4 Điều 126 của Luật Xử lý vi phạm hành chính, cần giảm thời gian thông báo trên phương tiện thông tin đại chúng đối với các tang vật, phương tiện vi phạm hành chính bị tạm giữ trong trường hợp không xác định được người vi phạm, chủ sở hữu, người quản lý hoặc người sử dụng hợp pháp từ 1 năm xuống còn 30 ngày.
Đoàn giám sát kiến nghị Chính phủ xem xét sửa đổi, bổ sung Nghị định số 151/2017/NĐ-CP cho phép người được giao nhiệm vụ tổ chức bán tài sản có quyền xem xét, quyết định giảm giá trong trường hợp đấu giá không thành và theo nguyên tắc mỗi lần giảm giá không quá 10% giá khởi điểm của tài sản bán đấu giá. Đối với trường hợp sau 2 lần tổ chức đấu giá không thành, người giao nhiệm vụ tổ chức bán đấu giá được quyền chuyển sang hình thức bán niêm yết hoặc bán chỉ định. Xem xét ban hành cơ chế thanh, quyết toán đối với các trường hợp các cơ quan, đơn vị phải thuê kho, bến, bãi và người trông coi tang vật, phương tiện vi phạm hành chính bên ngoài từ các đơn vị tư nhân. Chỉ đạo hoàn thiện cơ sở dữ liệu Quốc gia về xử lý vi phạm hành chính theo quy định tại Nghị định số 20/2016/NĐ-CP phục vụ công tác thống kê, quản lý, tra cứu và xử lý vi phạm hành chính.
Đề nghị Bộ Tài chính ban hành Hướng dẫn việc xác định giá khởi điểm để chuyển bán đấu giá quy định tại Thông tư số 57/2018/TT-BTC để thực hiện thống nhất theo quy định tại Điểm b Khoản 2 Điều 24 Nghị định số 151/2017/NĐ-CP. Theo đó, giao cho người có nhiệm vụ tổ chức bán tài sản được quyền lựa chọn thuê tổ chức thẩm định giá hoặc thành lập hội đồng. Trên cơ sở tiếp thu kiến nghị của các cơ quan, đơn vị qua giám sát, Thường trực HĐND tỉnh Hải Dương đề nghị Bộ Tài chính, Bộ Công an, Bộ Công Thương xem xét bãi bỏ thủ tục lấy ý kiến trước khi phê duyệt phương án xử lý tài sản theo quy định tại Điểm b Khoản 2 Điều 4 Thông tư số 57/2018/TT-BTC của Bộ Tài chính, Khoản 4 Điều 3 Quyết định số 7034/QĐ- BCA-H01 của Bộ Công an và Khoản 2 Điều 2 Quyết định số 179/QĐ-BCT của Bộ Công Thương.