Đó là những nội dung đáng chú ý trong Nghị quyết của HĐND tỉnh Ninh Thuận về chất vấn và trả lời chất vấn tại Kỳ họp thứ 22 (Kỳ họp thường lệ cuối năm 2024).
Giảm 3 - 4%/năm hộ nghèo người dân tộc thiểu số
Thời gian qua, việc triển khai Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi trên địa bàn tỉnh Ninh Thuận đạt kết quả tích cực. Hàng năm, giảm từ 3 - 4%/năm hộ nghèo người dân tộc thiểu số, riêng huyện Bác Ái giảm từ 4 - 5%; kết cấu hạ tầng tiếp tục được đầu tư xây dựng, đáp ứng tốt hơn yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội. Năng lực của cộng đồng và cán bộ cơ sở được nâng lên, chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi đúng hướng, người dân từng bước áp dụng khoa học công nghệ vào sản xuất, năng suất, chất lượng cây trồng, vật nuôi có những bước phát triển; các hoạt động hỗ trợ phát triển sản xuất được thực hiện gắn với chương trình phát triển kinh tế nông, lâm nghiệp trên địa bàn theo hướng sản xuất hàng hóa; đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân được cải thiện, các chính sách an sinh xã hội được bảo đảm.
Đáng chú ý, nhiều mô hình sản xuất, kinh doanh hình thành và phát huy; sự nghiệp giáo dục, y tế được chú trọng đầu tư và phát triển; chất lượng giáo dục ngày càng được nâng lên. Bản sắc văn hóa được bảo tồn và phát huy; quốc phòng, an ninh được củng cố, tăng cường.
Bên cạnh những kết quả đạt được, công tác tham mưu, lãnh đạo của Ban Dân tộc để giải quyết những vướng mắc trong quá trình thực hiện Chương trình vẫn còn chậm. Nhất là các vấn đề: chênh lệch thu nhập bình quân của đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi và cả tỉnh mặc dù có rút ngắn nhưng còn cao; giải ngân nguồn vốn sự nghiệp thực hiện một số dự án, tiểu dự án giải quyết vấn đề nhà ở, đất ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số còn khó khăn và nhiều vướng mắc. Một số tiểu dự án chưa giải ngân và không thể thực hiện được, tỷ lệ che phủ rừng vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi thực hiện khó khăn.
Hoàn thành các chỉ tiêu gia tăng phát triển hơn 2.000ha rừng
Khắc phục những tồn tại khó khăn, vướng mắc nêu trên, Nghị quyết của HĐND tỉnh Ninh Thuận về chất vấn và trả lời chất vấn tại Kỳ họp thứ 22 đề nghị UBND tỉnh chỉ đạo Trưởng Ban Dân tộc phối hợp với các sở, ngành, địa phương liên quan tập trung tham mưu đề xuất, trình UBND tỉnh phê duyệt kế hoạch khắc phục xử lý các “điểm nghẽn” trong quá trình triển khai thực hiện 3 Chương trình mục tiêu quốc gia trên các lĩnh vực.
Trong đó, về giảm nghèo tăng thu nhập, cần tăng cường công tác đào tạo, bồi dưỡng, tập huấn cho cán bộ thực hiện Chương trình ở các cấp; rà soát, đề xuất cơ chế, chính sách về đất đai đối với đồng bào dân tộc thiểu số trình HĐND tỉnh ban hành để có cơ sở triển khai thực hiện bảo đảm hoàn thành chương trình. Đề xuất cấp có thẩm quyền xem xét mức hỗ trợ xây dựng mới nhà ở Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, bảo đảm ngang bằng với mức hỗ trợ của các chương trình khác.
Để đẩy nhanh tiến độ giải ngân, HĐND tỉnh yêu cầu thường xuyên kiểm tra, đôn đốc, nắm bắt những khó khăn, vướng mắc từ cơ sở, kịp thời đề xuất cấp có thẩm quyền sửa đổi, bổ sung những cơ chế, chính sách còn bất cập, phù hợp với thực tiễn nhằm đẩy nhanh tiến độ thực hiện, giải ngân nguồn vốn giao. Chủ động hoàn thiện hồ sơ, đẩy nhanh quá trình thẩm định, phê duyệt dự án rút ngắn thời gian, kịp thời triển khai ngay sau khi Thủ tướng chính phủ có quyết định sửa đổi, bổ sung Quyết định số 1719/QĐ-TTg.
Để nâng cao tỷ lệ che phủ rừng vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, HĐND tỉnh nhấn mạnh việc tạo mọi điều kiện thuận lợi trong hỗ trợ pháp lý để nâng cao nhận thức về pháp luật cho hộ đồng bào dân tộc thiểu số để nhận biết, tiếp cận chính sách trợ giúp xã hội đầy đủ, kịp thời. Từng bước hình thành các tổ trợ giúp pháp lý và đa dạng hóa các hình thức trợ giúp pháp lý phù hợp với điều kiện của các địa phương và phù hợp với phong tục, tập quán, văn hóa của đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi. Thường xuyên chỉ đạo công tác rà soát, xử lý nghiêm tình trạng lấn chiếm, xâm canh đất rừng, các hành vi phá rừng, khai thác rừng, mua bán vận chuyển lâm sản, động vật hoang dã trái pháp luật.
Cùng với đó, tăng cường công tác bảo vệ và quản lý chặt diện tích rừng đặc dụng hiện có theo các phương án quản lý rừng bền vững gắn với bảo tồn đa dạng sinh học; phát huy tối đa dịch vụ môi trường rừng như dịch vụ hấp thụ và lưu giữ các-bon và các dịch vụ mới. Kết hợp hài hòa giữa bảo vệ nâng cao chất lượng rừng đặc dụng, gắn với phát triển du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng và có giải pháp hoàn thành các chỉ tiêu gia tăng phát triển hơn 2.000ha rừng trong năm 2025.