Theo đó, Trường Đại học FPT sẽ cung cấp học bổng học tập chính quy tại Trường Đại học FPT cho các vận động viên; có chính sách tuyển dụng để vận động viên, cựu vận động viên có cơ hội tham gia công tác, giảng dạy tại các đơn vị thuộc tổ chức giáo dục FPT; phối hợp với Tổng cục Thể dục thể thao xây dựng, triển khai các khóa học chuyên môn, nhằm bồi dưỡng kiến thức, kỹ năng về thể thao.
Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thể dục thể thao Trần Đức Phấn đánh giá cao tình cảm mà Trường Đại học FPT đã dành cho các vận động viên thể thao Việt Nam. Với sự hỗ trợ này, các vận động viên Việt Nam sẽ có thêm định hướng rõ ràng về sự nghiệp sau khi giã từ thi đấu. Thực tế đã có nhiều vận động viên võ thuật tham gia công tác tại các cơ sở đào tạo của Tập đoàn FPT.
FPT là một trường đại học lớn, vì vậy, việc được học tại đây sẽ tạo tiền đề thuận lợi cho các vận động viên sau này. Tuy nhiên, với đặc thù tập luyện và thi đấu của các vận động viên, ông Trần Đức Phấn mong muốn nhà trường có chính sách linh hoạt, phù hợp, cũng như tạo điều kiện tốt nhất để các vận động viên có thể vừa thực hiện nhiệm vụ với quốc gia, vừa có thể hoàn thành chương trình học tập.
Phó Tổng cục trưởng Trần Đức Phấn đề nghị Trường Đại học FPT xem xét, thảo luận để đưa ba nội dung tiềm năng là kinh tế thể thao, truyền thông thể thao và quản lý thể thao vào chương trình giảng dạy tại nhà trường. Đây là những nội dung vô cùng hữu ích cho Thể thao Việt Nam hiện nay, cũng như trong tương lai.
Ông Tạ Ngọc Cầu, Phó Giám đốc cơ sở đào tạo Trường Đại học FPT tại Hà Nội chia sẻ, nhằm hỗ trợ, đề cao đóng góp của các vận động viên trong quá trình tập luyện, thi đấu đem vinh quang về cho Tổ quốc, nhà trường đưa ra mức học bổng từ 50 - 70% dành cho các vận động viên đạt thành tích xuất sắc tại các đại hội thể thao khu vực, châu lục và thế giới. Trường Đại học FPT sẽ cố gắng tạo điều kiện tối đa để các vận động viên Việt Nam có thể học tập, thi đấu, gặt hái thành công trong sự nghiệp.