Giữa hai chiều văn hóa Đông - Tây
Theo các nhà nghiên cứu, trong văn hóa Việt Nam, rồng không chỉ đơn thuần là một biểu tượng mà còn mang những giá trị tinh thần sâu sắc, thể hiện sự kết nối giữa con người và thiên nhiên, tôn vinh lòng tự hào của người Việt trong tiến trình chinh phục tự nhiên và xã hội.
Tọa đàm Hình tượng rồng trong mỹ học phương Đông sáng 11.3, tại Bảo tàng Hà Nội phần nào làm rõ hơn các hình tượng rồng và ảnh hưởng của rồng trong đời sống văn hóa Việt.
TS. Ngô Viết Hoàn, Trường Đại học Khoa học xã hội và Nhân văn, Đại học Quốc gia Hà Nội đưa ra so sánh hình tượng rồng trong hai chiều văn hóa Đông - Tây. Theo đó, rồng phương Tây vốn được khắc họa khá cụ thể, hầu như làm nền cho các anh hùng. Rồng thường được miêu tả là “những sinh vật độc ác”, đại diện cho sự xấu xa, thường xuyên xuất hiện với quỷ Satan, xuất phát từ giáo lý của Cơ đốc giáo. Trong khi ở phương Đông, rồng bắt nguồn từ văn hóa dân gian và tôn giáo cổ xưa, gắn với các “ý cảnh” của nguồn gốc dân tộc, vương quyền, sức mạnh siêu nhiên, sự may mắn, thịnh vượng…
TS. Ngô Viết Hoàn lý giải điều này xuất phát từ sự khác biệt trong xu hướng thẩm mỹ Đông - Tây. Trong khi phương Đông ưa sự hàm xúc, cảm tính, trung dung, hài hòa, nghệ thuật thiên về nội tâm, tư duy tổng hợp hình tượng, thì nghệ thuật phương Tây lại mang tinh thần khai phóng, lý tính, tốc tiến, tự chủ, chú ý nhiều đến tính logic, khoa học trong biện giải các hình tượng.
“Nếu văn hóa truyền thống phương Tây kiên trì nguyên tắc lấy tính “chân thực” làm thước đo cho cái đẹp thì văn hóa truyền thống phương Đông, nhất là các quốc gia chịu ảnh hưởng của Nho giáo, luôn kiên trì với nguyên tắc “lấy thiện làm đẹp”. Vậy nên, hình tượng rồng trong mỹ học phương Đông và phương Tây cũng có điểm khác biệt, thể hiện những giá trị và niềm tin của từng nền văn hóa khác nhau”, TS. Ngô Viết Hoàn nói.
Rồng phương Đông là một hình ảnh có tính tổng hợp, đại diện cho sức mạnh tâm linh. Yếu tố không có thật chính là điều đặc biệt khiến rồng vượt ra khuôn khổ, có sức thu hút đặc biệt đối với mọi người. Theo PGS.TS Lê Thời Tân, Trường Đại học Thủ đô Hà Nội: “Rồng không có thật mà đi ra từ tưởng tượng và được khắc họa trong văn hóa, kiến trúc, điêu khắc, chữ viết… Thuần hư cấu là tính cách đặc biệt của rồng. Và bởi không có thật nên nó mới thiêng. Những thứ không chứng minh được là những thứ mãi mãi hấp dẫn, mãi mãi thiêng liêng, mãi mãi đáng sợ…”.
Cảm hứng hiện đại
Trong văn hóa Việt, hὶnh tượng rồng được sử dụng khá phổ biến. Từ thời Hậu Lê đến thời Nguyễn, hình ảnh rồng được trang trí nghiêm cẩn trong cung vua, phủ chúa, lăng tẩm; trong không gian tín ngưỡng của người Việt như trên kiến trúc đình, chùa miếu, đạo quán…; trên vật dụng cung đình như kim ngọc, bảo tỷ, sách đồng, sắc phong, phẩm phục…; trên vật dụng hàng ngày như: nghiên mực, ống bút, bình, đĩa, tô, chén…; trong sinh hoạt lễ hội như múa Rồng, trò chơi dân gian.
Trong nghệ thuật trang trí, rồng xuất hiện trên mọi chất liệu, với những cách thức thể hiện và ý nghĩa không giống nhau, trong đó, hình tượng rồng được tạc thành từng khối riêng hoặc dạng phù điêu trên chất liệu đá là một trong những cách thể hiện phổ biến nhất.
Có thể thấy, rồng đã thể hiện xuất sắc vai trò khi truyền tải được những tâm tư, tình cảm, khát vọng, ước mơ của nhân dân, song hành một cách mạnh mẽ trong dòng chảy lịch sử dân tộc. Trải qua thời gian, đến nay hình tượng rồng vẫn được người Việt yêu mến và sử dụng trong nhiều lĩnh vực: nghệ thuật, kiến trúc, thiết kế, thời trang…
TS. Trần Hậu Yên Thế, Trường Khoa học liên ngành và Nghệ thuật, Đại học Quốc gia Hà Nội, nhận định ứng dụng hình tượng rồng vào đời sống hiện đại không chỉ giúp bảo tồn văn hóa mà còn thúc đẩy sự đổi mới và phát triển. Rồng với những lớp nghĩa sâu sắc chính là nguồn cảm hứng không ngừng cho các nhà sáng tạo, nhất là trong bối cảnh thúc đẩy công nghiệp văn hóa theo nhiều chiều hướng khác nhau như hiện nay.
“Công nghiệp văn hóa vừa tạo ra giá trị kinh tế, vừa tạo ra thông điệp xã hội quan trọng. Tạo thêm giá trị từ hình tượng rồng chính là đóng góp vào mạch nguồn sáng tạo ấy. Bởi lẽ, hiểu về truyền thống, hiểu về hình tượng rồng trong văn hóa Việt chính là hiểu về những giá trị thẩm mỹ mang tính dân tộc. Trong thời đại toàn cầu hóa, tư duy sáng tạo cần đạt tới tầm toàn cầu nhưng phải gắn với hơi thở dân tộc thì mới đi được xa”, TS Trần Hậu Yên Thế nói.