Xa xôi xích lại cho gần

- Thứ Ba, 09/02/2021, 06:37 - Chia sẻ

“Trong bầu trời không gì quý bằng nhân dân. Trong thế giới, không gì mạnh bằng lực lượng đoàn kết của Nhân dân”. Để HĐND hoạt động hiệu quả, đúng chất như luật định, điều cốt yếu vẫn như lời dạy của Bác Hồ, cần phải dựa vào Nhân dân. “Xa xôi xích lại cho gần”, để phát huy được bản lĩnh và tạo kỳ vọng cho nhiệm kỳ mới, đã đến lúc đại biểu, ứng cử viên cần nghiên cứu cách thức để xích lại cho gần với cử tri và nhân dân. Bởi suy cho cùng, để thực hiện tốt lời hứa của mình thì điều cốt yếu nhất cả nhiệm kỳ ngẫm lại chỉ cần gần gũi với nhân dân thì mọi việc ắt sẽ thành công.

Xuân mới Tân Sửu đang sửa soạn chạm ngõ. Trong niềm hân hoan của đất trời, lòng người, những ngày cuối của năm Canh Tý cũng đầy những ưu tư, trăn trở. Những gì đã làm được, những điều dở dang, khó khăn do ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 và thiên tai... Lặng lẽ sau đó là sự đúc kết về trí tuệ, bản lĩnh và tự vấn của mỗi đại biểu dân cử về chặng đường đã qua.

Đại biểu HĐND thị xã Hồng Lĩnh và xã Thuận Lộc bên lề kỳ họp thường kỳ cuối cùng của nhiệm kỳ 2016-2021 - ảnh BÌNH NGUYÊN
Đại biểu HĐND thị xã Hồng Lĩnh và xã Thuận Lộc bên lề kỳ họp thường kỳ cuối cùng của nhiệm kỳ 2016-2021
Ảnh: Bình Nguyên

“Chúng tôi sẽ tiếp lửa và đồng hành”

Ngẫm lại gần một nhiệm kỳ hoạt động, có lẽ điều mà đại đa số đại biểu dân cử nhận thấy đó là vẫn còn có những cử tri chưa hài lòng về mình. Trong đó, điều cử tri trăn trở nhiều nhất chính là sợi dây liên hệ giữa đại biểu dân cử với cử tri thiếu bền chặt. Điều này thể hiện qua việc cơ chế hoạt động của đại biểu thiếu sự gắn kết, nhất là đại biểu ở cấp càng cao thì khoảng cách càng xa, chủ yếu chỉ liên hệ qua một vài lần tiếp xúc cử tri (TXCT), bởi địa điểm TXCT trước các kỳ họp thường kỳ thường không cố định một chỗ. Chính vì vậy nên có tình trạng ở những địa phương đơn vị hành chính nhiều không tránh khỏi cả nhiệm kỳ cá biệt có đại biểu dân cử (cấp Trung ương, tỉnh) không về đủ các địa phương, thôn, xóm, tổ dân phố, buôn, sóc.

Một điều khiến cử tri chưa hài lòng đó là tâm tư, nguyện vọng, ý kiến của mình chưa được tôn trọng trong tổng hợp cũng như quan tâm giải quyết. Điều này thể hiện rõ ở việc cử tri nói sự việc A nhưng qua bàn tay tập hợp rồi tổng hợp của các cơ quan tham mưu, giúp việc lại thành sự việc B. Một số ý kiến được tổng hợp theo ý kiến chủ quan của người tham mưu cho rằng nhạy cảm, vụn vặt nên tự ý cắt bỏ và đại biểu dân cử cũng chưa quan tâm, sâu sát nên đã bỏ sót các nguyện vọng của người mà mình hứa sẽ tiếp thu, gửi đến các cơ quan có thẩm quyền giải quyết.

Một điều thiếu sót nữa là việc phản hồi kết quả giải quyết cho cử tri giám sát, nhất là ở cấp Trung ương, cấp tỉnh. Thiếu quy định và hướng dẫn về việc trả lời, chủ yếu đang báo cáo ở các cuộc TXCT, tuy nhiên các địa điểm TXCT thường xuyên thay đổi nên cử tri đã kiến nghị đương nhiên sẽ không thể nắm được kết quả giải quyết đối với ý kiến của mình, thậm chí nhiều cử tri cũng không biết ý kiến của mình có được tiếp thu, giải quyết hay không. Bên cạnh đó, việc giám sát kết quả giải quyết ý kiến cử tri theo Điều 74, Luật Hoạt động giám sát của Quốc hội và HĐND năm 2015 nhiều địa phương thực hiện nhưng chưa bảo đảm theo quy định.

 “Đi nhiều nhưng kiến nghị chưa được quan tâm giải quyết nên một số cử tri chẳng mặn mà gì ý kiến nữa…”. Một ý kiến khác chỉ rõ “nút thắt” chính trong mối quan hệ giữa đại biểu và cử tri đó chính là thiếu sự gần gũi và thấu hiểu: “Điều quan trọng mà chúng tôi mong chờ là đại biểu cho chúng tôi thấy chúng tôi đúng khi lựa chọn, nhưng chờ mãi… chẳng thấy. Cứ đều đều và bình thường. Nếu đại biểu truyền lửa được cho cử tri thì chúng tôi sẽ tiếp lửa và đồng hành ngay”.

Nên cơ cấu Chủ tịch HĐND là Bí thư cấp ủy cùng cấp

Ngoài ra, điều mà nhiều cử tri nhận ra và kiến nghị là trong một số hoạt động của đại biểu dân cử còn hình thức, ngoài do nặng về cơ cấu, thiếu các cơ chế cụ thể để hoạt động thì gốc của vấn đề đó chính là cấp Ủy vẫn đang can thiệp quá sâu sắc vào hoạt động của cơ quan được coi là quyền lực nhà nước ở địa phương (thường ở cấp huyện và cấp xã). Hầu như các quyết sách của HĐND đều qua Thường trực, thường vụ và chấp hành cấp ủy họp, quyết định và cho ý kiến cụ thể. Sau đó, HĐND mới họp. Việc quyết định của HĐND cũng không được trái với chỉ đạo. Từ cơ chế này dẫn đến trong thực tiễn, có những nơi, những nội dung nguyện vọng của cử tri và nhân dân mâu thuẫn với quyết định của cấp ủy thì buộc đại biểu dân cử phải theo sự chỉ đạo.

Từ đó, muốn thể hiện bản lĩnh nhưng đại đa số đại biểu là đảng viên, quyết định theo đa số nên một số ý kiến tâm huyết, có phân tích cơ sở pháp lý, thực tiễn rõ ràng mà cấp ủy không quyết thì cũng đành chịu. Điều này lý giải tại sao đa số đại biểu hay nói vui “nhất trí như Ủy ban”, để HĐND có tiếng nói riêng thì đòi hỏi Thường trực và các Ban HĐND phải “cứng cựa”. Đó là lý do tại sao nên cơ cấu Chủ tịch HĐND là Bí thư cấp ủy cùng cấp. Thực tiễn, nếu nguyện vọng của cử tri và Nhân dân phù hợp pháp luật và thực tế của địa phương thì cấp ủy sẽ lắng nghe và tôn trọng quyết định của HĐND, nhưng để thuyết phục thì đại biểu dân cử phải có căn cứ và thể hiện rõ chính kiến của mình. Tuy nhiên, có tình trạng đại biểu chỉ nêu lại nội dung cử tri kiến nghị mà chưa tìm tòi thực tiễn lẫn quy định để có chính kiến rõ ràng. Từ đó, khi phát biểu chưa thể hiện rõ bản lĩnh và chính kiến nên tính thuyết phục chưa cao.

Tạo điều kiện để đại biểu có bản lĩnh được tiếp tục tái cử

Thực tiễn không phải cử tri chưa hài lòng với tất cả đại biểu dân cử mà có những đại biểu cử tri rất tôn trọng và yêu quý. Chuyện đại biểu đi TXCT rồi trưa về ăn cơm cùng cử tri để chiều tiếp tục do nhà xa đã không còn là chuyện hiếm ở nhiều địa phương. Câu chuyện bên mâm cơm giản dị nhưng đó chính là sợi dây vô hình làm cho mối quan hệ gần gũi, gắn bó hơn, đại biểu hiểu rõ hơn cử tri và cử tri cũng mạnh dạn, mở lòng hơn với đại biểu. Nhiều đại biểu, nhất là đại biểu chuyên trách các Ban, Tổ trưởng Tổ đại biểu HĐND trên cơ sở nguyện vọng, ý kiến của cử tri không chờ đến kỳ họp và thông qua các diễn đàn, các phiên họp thường kỳ của Thường trực HĐND phản ánh kịp thời, nhất là các nội dung ý kiến cần thực hiện ngay.

Đơn cử như vấn đề liên quan đến giải quyết chế độ chính sách, vấn đề ô nhiễm môi trường có địa chỉ. Đổi mới phương pháp giám sát chuyên đề, mời cử tri cùng tham gia, khảo sát làm rõ các nội dung liên quan đến chuyên đề giám sát hay như tổ chức khảo sát, nắm ý kiến cử tri và nhân dân phục vụ công tác thẩm tra các nội dung trình kỳ họp như tại HĐND thị xã Hồng Lĩnh, Hà Tĩnh. Nhờ đổi mới, sát sao và gần gũi với Nhân dân, nhiều nội dung Nhân dân kiến nghị qua kênh HĐND được UBND và các ngành quan tâm giải quyết ngay, giảm sức “nặng” cho các kỳ họp HĐND, được cử tri và Nhân dân đánh giá cao.

Theo nhiều đại biểu dân cử ở thị xã dưới chân ngàn Hống, bên cạnh nhận thức đúng vị trí, vai trò của cơ quan dân cử theo Luật định, vai trò của cá nhân đại biểu, nhất là đại biểu chuyên trách, đại biểu trong Thường trực, các Ban, các Tổ đại biểu HĐND rất quan trọng. Họ chính là “đầu tàu” mang tính định hướng, linh hồn của hoạt động HĐND ở địa phương. Muốn vậy, Thường trực, các Ban HĐND cần có kế hoạch hoạt động theo từng năm và bám sát thực hiện. Duy trì nghiêm túc hoạt động phiên họp Thường trực HĐND hàng tháng; giám sát nghiêm túc việc giải quyết ý kiến cử tri. Một điều quan trọng nữa là Thường trực HĐND phải chủ trì làm tốt công tác phối hợp cung cấp đầy đủ, kịp thời và định hướng thông tin cho đại biểu dân cử. Trong giai đoạn hiện nay, việc truy cập thông tin rất đa dạng, dễ dàng nhưng định hướng để tiếp nhận thông tin cho đúng đối với đại biểu dân cử cũng là điều quan trọng. Thông tin đúng thì mới hành động đúng.

Để đại biểu HĐND phát huy được bản lĩnh và trí tuệ trong nhiệm kỳ mới, ngoài bám sát Chỉ thị số 45-CT/TW ngày 20.6.2020 của Bộ Chính trị, giới thiệu, lựa chọn bầu được những ĐBQH và đại biểu HĐND thật sự tiêu biểu, xứng đáng đại diện cho ý chí, nguyện vọng và quyền làm chủ của Nhân dân; bảo đảm đủ tiêu chuẩn, số lượng, có cơ cấu hợp lý, trong đó lấy tiêu chuẩn, chất lượng đại biểu làm trọng tâm. Không vì cơ cấu mà hạ thấp tiêu chuẩn thì cũng nên có cơ chế tạo điều kiện để đại biểu HĐND thẳng thắn, quyết liệt được tiếp tục tái cử, bởi họ vừa có kinh nghiệm lại có chính kiến. Từ đó, sẽ nâng cao chất lượng đại biểu dân cử. Ngoài ra, cần thay đổi quy định về TXCT, có hướng dẫn cụ thể hơn về việc giữ mối liên hệ giữa đại biểu với cử tri cũng như trình tự, cách thức giám sát việc giải quyết ý kiến cử tri theo Điều 74, Luật Hoạt động giám sát của Quốc hội và HĐND.

Lê Hồng Hạnh, Phó trưởng ban Kinh tế - Xã hội HĐND thị xã Hồng Lĩnh, Hà Tĩnh