HĐND tỉnh Bình Dương Khóa IX - một nhiệm kỳ nhiều dấu ấn

- Thứ Năm, 17/06/2021, 07:30 - Chia sẻ
Chỉ còn ít ngày nữa Kỳ họp thứ Nhất HĐND tỉnh Bình Dương Khóa X, nhiệm kỳ 2021 -  2026 sẽ được tổ chức - đồng nghĩa với HĐND tỉnh chính thức bắt đầu một nhiệm kỳ mới. Cùng với vai trò, trách nhiệm của đại biểu đã được cử tri tín nhiệm bằng lá phiếu của niềm tin, việc tiếp tục phát huy những bài học kinh nghiệm trong nhiệm kỳ 2016 - 2021, một nhiệm kỳ nhiều dấu ấn sẽ là nền tảng quan trọng để HĐND khóa mới ngày càng đáp ứng tốt hơn yêu cầu thực tiễn cũng như kỳ vọng của cử tri và Nhân dân.

Bài 1: Cơ sở phản biện, giám sát hiệu quả

Thực hiện hiệu quả từng bước trong quy trình xây dựng, ban hành nghị quyết của HĐND cấp tỉnh, nhất là việc chuẩn bị kỹ về lập luận, cơ sở pháp lý và thực tiễn, viện dẫn đến các kết quả giám sát chuyên đề liên quan và tổ chức khảo sát thực tế để có cơ sở phản biện hiệu quả; không chỉ chủ động tăng cường khảo sát mà phương thức tiến hành luôn được đổi mới, phù hợp với từng nội dung… những kinh nghiệm hay trong thực hiện chức năng quyết định và giám sát của HĐND tỉnh Bình Dương Khóa IX sẽ là nền tảng quan trọng để HĐND khóa mới tiếp tục thực hiện tốt hơn chức năng, nhiệm vụ của mình.

Thường trực HĐND tỉnh Bình Dương tái giám sát tình hình triển khai các dự án đầu tư công trọng điểm trên địa bàn - ẢNH PHƯƠNG LÊ
Thường trực HĐND tỉnh Bình Dương tái giám sát tình hình triển khai các dự án đầu tư công trọng điểm trên địa bàn 
Ảnh: Phương Lê

Làm rõ cơ sở pháp lý và sự cần thiết ban hành nghị quyết

Quyết định là một chức năng quan trọng của HĐND. Việc thực hiện hiệu quả từng bước trong quy trình xây dựng, ban hành nghị quyết của HĐND cấp tỉnh là yêu cầu cần thiết để nâng cao chất lượng các quyết sách. Theo kinh nghiệm của HĐND tỉnh, khi nhận được đề nghị xây dựng nghị quyết, Thường trực phân công một ban của HĐND thẩm tra, báo cáo thẩm tra phải làm rõ cơ sở pháp lý và sự cần thiết của việc ban hành nghị quyết; xác định nghị quyết được đề nghị thuộc trường hợp quy định nào của Điều 27, Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật năm 2015. Việc này cần chính xác vì sẽ quyết định quy trình, thủ tục cụ thể thực hiện việc ban hành nghị quyết; xác định cơ quan trình dự thảo nghị quyết, thời gian trình HĐND xem xét thông qua, đồng thời đề xuất phân công ban nào của HĐND có nhiệm vụ thẩm tra.

Đối với bước thẩm tra dự thảo nghị quyết, do đã theo dõi và phối hợp xây dựng nội dung của dự thảo nghị quyết nên việc thẩm tra tương đối thuận lợi. Trong trường hợp có phát sinh nội dung không thống nhất với dự thảo nghị quyết, nhất là đối với các trường hợp cơ quan soạn thảo thiếu sự phối hợp, Ban được phân công thẩm tra sẽ trao đổi với cơ quan soạn thảo hoặc cơ quan trình dự thảo nghị quyết để thống nhất giải quyết. Trường hợp không thống nhất được thì báo cáo Thường trực HĐND tỉnh cho ý kiến giải quyết.

Trong thực tế một số trường hợp, khi phát sinh nội dung không thống nhất với dự thảo nghị quyết ở bước này, việc xử lý thường gặp khó, do Tờ trình đã ký chính thức cho nên cả cơ quan soạn thảo và cơ quan trình dự thảo nghị quyết đều cố gắng bảo vệ nội dung trình. Ban của HĐND được phân công thẩm tra dự thảo nghị quyết phải chuẩn bị kỹ về lập luận, cả về cơ sở pháp lý và thực tiễn. Trường hợp cần thiết, Ban phải viện dẫn đến các kết quả giám sát chuyên đề liên quan và tổ chức khảo sát thực tế để có cơ sở phản biện hiệu quả.

Quá trình thảo luận, điều quan trọng nhất là đại biểu HĐND tỉnh phải được cung cấp thông tin đầy đủ, chính xác, có trọng tâm về nội dung của dự thảo nghị quyết để xem xét, quyết định. Trong trường hợp tại phiên họp của HĐND tỉnh, đại biểu có ý kiến khác, chưa rõ hoặc chưa đồng tình với một hoặc một số nội dung của dự thảo nghị quyết thì cả cơ quan được phân công soạn thảo, cơ quan trình và Ban thực hiện thẩm tra đều có trách nhiệm giải thích, giải trình. Một nội dung quan trọng là rà soát về bố cục trình bày, về nội dung, chữ nghĩa, câu từ được sử dụng trong dự thảo nghị quyết.

Đổi mới phương thức khảo sát thực tế

Trong thực hiện chức năng giám sát, theo kinh nghiệm của các Ban HĐND tỉnh Bình Dương nhiệm kỳ 2016 - 2021, không chỉ chủ động tăng cường khảo sát mà phương thức tiến hành cũng phải luôn đổi mới, phù hợp với từng nội dung.

Với cơ bản hầu hết các đề xuất, kiến nghị trong nhiệm kỳ đều được đơn vị chịu sự giám sát nghiêm túc tiếp thu, thực hiện, một kinh nghiệm của Ban Pháp chế HĐND tỉnh Bình Dương chính là: cần chú trọng công tác khảo sát thực tế trước khi làm việc trực tiếp với các cơ quan, đơn vị chịu sự giám sát, góp phần giúp đoàn giám sát nắm rõ đặc điểm, tình hình, có cơ sở thực tế để nghiên cứu, đặt vấn đề khi tham gia giám sát.

Cũng chú trọng kinh nghiệm này, phương thức tiến hành khảo sát luôn được Ban Kinh tế - Ngân sách HĐND tỉnh đổi mới, phù hợp với từng nội dung như: phối hợp đơn vị chịu sự giám sát đi thực tế tại thực địa và làm việc với UBND cấp huyện, xã nắm tình hình thực hiện trách nhiệm quản lý nhà nước theo phân cấp; khảo sát thực tế tại các dự án công trình liên quan đến chuyên đề giám sát. Kết quả khảo sát được báo cáo tại cuộc họp giám sát với những hình ảnh minh họa được ghi nhận từ thực tế để đoàn giám sát và đơn vị chịu sự giám sát cùng phân tích, làm rõ. Qua đó, giúp cho đoàn giám sát có những đánh giá, nhận định khách quan, sát thực tiễn, có tính phản biện cao. Góp phần quan trọng để các nội dung kiến nghị qua các đợt giám sát, khảo sát chuyên đề của Ban đều được UBND tỉnh và các đơn vị chịu sự giám sát tiếp thu, thực hiện.

NGUYỄN NHẬT