Chỉ đạo sách lược vừa đánh - vừa đàm
Theo PGS.TS. Nguyễn Danh Tiên, Viện trưởng Viện Lịch sử Đảng, Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh, đầu năm 1967, thắng lợi của Nhân dân Việt Nam trên cả hai miền Nam - Bắc đã tạo ra những khả năng mới để đẩy mạnh đấu tranh ngoại giao. Tình thế đã đến lúc cho phép ta mở "Mặt trận đấu tranh ngoại giao" để tranh thủ sự đồng tình và ủng hộ của Nhân dân thế giới và nhân dân tiến bộ Mỹ, cô lập hơn nữa đế quốc Mỹ. Theo đó, từ ngày 23 - 26.1.1967, Ban Chấp hành Trung ương Đảng tổ chức Hội nghị lần thứ 13, chủ trương nâng đấu tranh ngoại giao lên thành mặt trận ngoại giao phối hợp với mặt trận chính trị và mặt trận quân sự.
“Hiệp định Paris là kết quả của cuộc đấu tranh kiên cường, bền bỉ, lâu dài trong lịch sử ngoại giao Việt Nam với 4 năm, 8 tháng, 14 ngày (từ 13.5.1968 - 27.1.1973). Trong thời gian này, đoàn Việt Nam đã không bỏ lỡ bất kỳ cơ hội nào để có thể đi đến một ký kết nhằm chấm dứt cuộc chiến tranh đang diễn ra vô cùng khốc liệt trên đất nước ta. Quá trình đàm phán, ta đã đánh giá được tình hình không chỉ trên chiến trường, về quân sự, chính trị, mà cả tình hình thế giới, buộc Mỹ phải ký Hiệp định Paris. Thắng lợi này là minh chứng tập trung nhất về sự đúng đắn, tài tình của đường lối, sách lược của nền ngoại giao Việt Nam dưới sự lãnh đạo của Chủ tịch Hồ Chí Minh và Đảng cộng sản Việt Nam”.
- Nguyên Phó Chủ tịch Nước Nguyễn Thị Bình, Trưởng đoàn đàm phán Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam tại Hội nghị bốn bên ở Paris -
Ngày 28.1.1967, với tư cách Phó Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao, trả lời phỏng vấn nhà báo Australia Wilfred Burchett, đồng chí Nguyễn Duy Trinh tuyên bố: “Chỉ sau khi Mỹ chấm dứt không điều kiện việc ném bom và các hành động chiến tranh khác chống nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa thì Việt Nam Dân chủ Cộng hòa và Mỹ mớicó thể nói chuyện”. Ngày 29.12.1967, trong buổi chiêu đãi Đoàn đại biểu Mông Cổ tại Thủ đô Hà Nội, đồng chí Nguyễn Duy Trinh khẳng định lại: “Sau khi Mỹ chấm dứt không điều kiện việc ném bom và các hành động chiến tranh khác chống nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa thì Việt Nam Dân chủ Cộng hòa sẽ nói chuyện với Mỹ về các vấn đề liên quan.
“Như vậy, thái độ khẳng định dứt khoát sẽ nói chuyện thay cho có thể nói chuyện, Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa càng dồn Mỹ vào thế bị động ngoại giao”, PGS.TS. Nguyễn Danh Tiên nhận định.
Song song với mặt trận ngoại giao, Trung ương Đảng, đứng đầu là Chủ tịch Hồ Chí Minh động viên quân và dân cả nước đẩy mạnh chiến tranh nhân dân, toàn dân, toàn diện, kết hợp chiến tranh du kích với những đòn đánh quyết định của quân chủ lực và nổi dậy của quần chúng nhân dân; kết hợp quân sự, chính trị và ngoại giao; kết hợp sức mạnh dân tộc với sức mạnh thời đại. Trên các chiến trường, Đảng đề ra phương châm: kéo địch ra khỏi hang ổ mà đánh, căng địch ra mà đánh, luồn sâu vào hậu phương địch mà đánh… Vì thế, ta càng đánh càng mạnh, càng dồn quân Mỹ và quân đội Sài Gòn vào thế bị động đối phó, khiến chúng lần lượt thất bại trong cả hai mùa khô 1965 - 1966, 1966 - 1967 ở miền Nam và cuộc leo thang phá hoại bằng không quân, hải quân ra miền Bắc.
Đặc biệt, với “cú hích” Mậu Thân 1968, Quân giải phóng miền Nam đã đồng loạt tiến công vào nhiều thành phố, thị xã, quận lỵ và trung tâm đầu não chiến tranh của địch, gây cho chúng những tổn thất nặng nề về sinh lực, phương tiện chiến tranh và cơ sở hậu cần. Theo PGS.TS. Trần Ngọc Long, nguyên Phó Viện trưởng Viện Lịch sử Quân sự, Bộ Quốc phòng, “đòn tiến công chiến lược này đánh bại một bước quan trọng ý chí xâm lược của đế quốc Mỹ, buộc Mỹ phải thay đổi chiến lược, chuyển từ chiến lược leo thang sang tìm giải pháp chính trị, chấp nhận xuống thang chiến tranh, rút quân Mỹ về nước và chịu ngồi vào bàn đàm phán với Việt Nam Dân chủ Cộng hòa ở Paris”.
Kết hợp chặt chẽ quân sự - chính trị - ngoại giao
Ngày 13.5.1968, phiên họp đầu tiên giữa hai bên với phía Việt Nam do Bộ trưởng Ngoại giao Xuân Thủy làm Trưởng đoàn và phía Mỹ do Đại sứ Harriman làm Trưởng đoàn được tiến hành tại Trung tâm các hội nghị quốc tế trên đường Kléber, Thủ đô Paris, Pháp.
Cuộc đàm phán Việt Nam - Mỹ diễn ra hơn 5 tháng, từ 13.5 - 10.1968 với 28 phiên họp công khai và 12 lần gặp bí mật cấp cao và nhiều cuộc tiếp xúc, gặp gỡ riêng ở các cấp khác. Phó Tổng thư ký Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam, PGS.TS. Nguyễn Văn Nhật phân tích, phía Mỹ muốn thương lượng bí mật và dùng thủ đoạn thương lượng kín đi đôi với tuyên truyền, đánh lạc hướng dư luận, gây ảo tưởng hòa bình trong khi vẫn tiếp tục chiến tranh xâm lược Việt Nam. Phía Việt Nam chủ trương họp công khai nhằm tận dụng Hội nghị Paris để tố cáo tội ác chiến tranh của Mỹ, tuyên truyền, vận động các nước ủng hộ cuộc kháng chiến của Việt Nam.
PGS.TS. Nguyễn Văn Nhật khẳng định: “Như vậy, trước những thất bại về quân sự, chính trị ở Việt Nam và những khó khăn trong nội bộ nước Mỹ cũng như trước đòi hỏi kiên quyết của Chính phủ và Đoàn đại biểu Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, ngày 31.10.1968, Tổng thống Mỹ Johnson phải tuyên bố chấm dứt hoàn toàn việc ném bom, bắn phá và mọi hành động chiến tranh khác chống nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, chấp nhận họp Hội nghị Paris để giải quyết chiến tranh ở Việt Nam, thừa nhận đại diện chính thức của Mặt trận Dân tộc giải phóng miền Nam Việt Nam tại Hội nghị. Ngoại giao đã thực sự trở thành một mặt trận quan trọng, góp phần đánh bại các chiến lược chiến tranh của Mỹ, buộc Mỹ phải ngồi vào bàn đàm phán giải quyết cuộc chiến tranh tại Việt Nam”.
Ngày 25.1.1969, Hội nghị đàm phán bốn bên về vấn đề Việt Nam khai mạc với sự tham gia của Mặt trận Dân tộc Giải phóng Miền Nam (sau là Chính phủ lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam) và Việt Nam Cộng hòa. Ngoài 202 phiên họp chính thức, còn có thêm 24 cuộc mật đàm giữa Cố vấn Henry Kissinger và Cố vấn Lê Đức Thọ, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Xuân Thủy. Hội đàm bốn bên thực chất là diễn đàn công khai để các bên trình bày quan điểm của mình, các cuộc gặp bí mật là diễn đàn thực sự để thỏa thuận giải pháp cho vấn đề Việt Nam...
Ngày 27.1.1973, tại Paris, Hiệp định về chấm dứt chiến tranh, lập lại hòa bình ở Việt Nam chính thức được ký kết. PGS.TS. Nguyễn Danh Tiên đánh giá: “Đây là thành quả to lớn của một chặng đường kết hợp giữa ba mặt trận: đấu tranh quân sự, đấu tranh chính trị và đấu tranh ngoại giao. Trong đó đấu tranh ngoại giao đóng vai trò quan trọng cùng với đấu tranh quân sự, đấu tranh chính trị đánh bại chiến lược “Việt Nam hóa chiến tranh" của kẻ thù, buộc đế quốc Mỹ phải rút hết quân về nước, tạo cơ sở thuận lợi để quân và dân Việt Nam tiến lên “đánh cho ngụy nhào”. Đặc biệt, Hiệp định được ký kết đã khẳng định vai trò lãnh đạo và sự chỉ đạo đúng đắn, kịp thời của Đảng trong toàn bộ quá trình đấu tranh, đi đến ký kết chính thức Hiệp định”.