Di sản ba miền trong tranh màu nước
“Năm 2016, tôi thực hiện chuyến đi từ Sài Gòn, men theo những cung đường ven biển, từ Bà Rịa - Vũng Tàu, Bình Thuận, Ninh Thuận, Khánh Hòa, Phú Yên, Bình Định và điểm đến cuối cùng là đảo Lý Sơn, Quảng Ngãi. Ngoài ghi lại điểm tham quan, phong tục tập quán của địa phương, là người rất thích ẩm thực, tôi vẽ minh họa các món ăn. Ban đầu chỉ vài món để chơi, nhưng càng làm càng say sưa…” - họa sĩ Lê Rin chia sẻ về cơ duyên đến với tranh màu nước và vẽ ẩm thực ba miền. Từ những cảm xúc ấy, cuốn sách tranh "Việt Nam miền ngon" đã ra đời, như lời mời gọi ngọt ngào đến với hương vị ẩm thực quê hương.

Bằng những nét vẽ sinh động, họa sĩ Lê Rin đã tái hiện các món ăn đặc trưng của ba miền, tạo nên tấm bản đồ ẩm thực, dẫn dắt người xem vào chuyến du lịch đặc biệt dọc dải đất hình chữ S. Từ hương vị đậm đà của nem cua bể, bún mọc miền Bắc, đến dư vị khó quên của cơm gà Hội An, mì Quảng miền Trung, rồi cơm tấm sườn bì chả, ly cà phê sữa đá phương Nam, dừng chân ở miền Tây sông nước với tô bún cá Châu Đốc nức tiếng gần xa…
Không chỉ những món ăn thấm đẫm hồn quê, với tình yêu dành cho những chuyến đi và khám phá văn hóa, kiến trúc, trang phục của cộng đồng các dân tộc, tranh của Lê Rin còn họa lại danh lam thắng cảnh, làng nghề truyền thống, phong tục tập quán dung dị, di sản quý báu và cả cuộc sống đời thường của con người trên khắp mọi miền Tổ quốc. Các tác phẩm đưa người xem "ngược dòng thời gian", chạm vào những dấu ấn văn hóa - lịch sử độc đáo của từng vùng đất: ghé thăm chùa Phật Tích nghìn năm tuổi, lặng bước qua cố đô Hoa Lư cổ kính, dừng chân tại phố Hội rêu phong, hay hoài niệm cùng Nhà thờ Đức Bà giữa Sài Gòn…
Họa sĩ Lê Rin chia sẻ, đất nước Việt Nam có vô vàn nét đẹp tiềm ẩn, từ những ngôi chùa cổ kính, thắng cảnh nên thơ, đến làng nghề truyền thống mang đậm bản sắc hay những món ăn địa phương bình dị. Với cơ hội được đặt chân đến nhiều vùng đất từ Bắc chí Nam, anh mong muốn được sẻ chia và lan tỏa những điều tuyệt vời ấy, khích lệ mọi người xách ba lô lên và khám phá quê hương, đất nước.

Bản đồ ẩm thực ba miền của họa sĩ Lê Rin
Lưu giữ ký ức, vẻ đẹp quê hương
Những kỷ niệm và hình ảnh từ khắp nẻo đường Việt Nam được họa sĩ Lê Rin cẩn thận hệ thống hóa theo từng địa phương, kiến trúc, ẩm thực và nét văn hóa của các dân tộc, trở thành nguồn cảm hứng bất tận cho các bức tranh đầy màu sắc sau này. Bên cạnh đó, mỗi chuyến đi là một bài học về lịch sử, văn hóa, đòi hỏi họa sĩ dành thời gian tìm hiểu, thu thập thông tin cặn kẽ về từng địa điểm, từng câu chuyện, để rồi truyền tải trong từng nét vẽ.
Với mong muốn mỗi tác phẩm không chỉ đẹp về hình thức mà còn thể hiện được tinh thần và gần gũi với thực tế nhất có thể, họa sĩ đã chụp khá nhiều ảnh, ở nhiều góc khác nhau để chọn góc thể hiện đẹp nhất về di sản. Có những bức vẽ đòi hỏi sự tỉ mỉ cao, đặc biệt là những công trình kiến trúc, thường mất nhiều thời gian.
"Mỗi chuyến đi đều lắng đọng những kỷ niệm khó quên. Tôi đặc biệt ấn tượng khi đến Hà Giang, nơi cảnh sắc rất khác biệt so với miền Nam và miền Trung. Lần đầu tiên được chiêm ngưỡng núi non trùng trùng điệp điệp, dòng sông Nho Quế xanh biếc, đèo Mã Pí Lèng hiểm trở, mang tới cảm giác vừa lạ lẫm vừa thú vị. Đến Huế, thành phố của những lăng tẩm cổ kính, lăng Khải Định với nghệ thuật khảm sành sứ độc đáo lại để lại trong tôi ấn tượng sâu sắc", họa sĩ Lê Rin chia sẻ.
Trong vô vàn vẻ đẹp của di sản Việt, anh quan tâm thể hiện những ngành nghề truyền thống. Thời gian sống cùng bà nội - một trong những nghệ nhân cuối cùng của nghề đan võng gai ở Ninh Thuận, đã khắc sâu trong tâm trí anh sự nhọc nhằn và kỳ công của những nghề thủ công đang dần bị lãng quên. "Tôi lớn lên bên bà, chứng kiến sự vất vả của nghề này, từ chọn cây gai, sơ chế đến từng đường đan tỉ mỉ để tạo nên chiếc võng bền chắc. Nhọc nhằn nhưng giá trị kinh tế không cao khiến những nghề này ngày càng mai một. Ở miền Bắc, tôi thấy nghề truyền thống có vẻ được trân trọng hơn, dù có nơi chỉ còn vài người gắng gỏi duy trì. Vì vậy, tôi muốn đưa hình ảnh nghề truyền thống, dù đang phát triển hay dần biến mất, vào tác phẩm của mình, như một cách để lưu giữ ký ức và để thế hệ sau này biết đến sự tồn tại của nó".
Đến nay, số lượng tác phẩm của Lê Rin đã lên đến gần 2.000 bức tranh, góp phần khắc họa sự đa dạng và phong phú của phong cảnh, văn hóa, con người Việt Nam. Họa sĩ cho biết đang ấp ủ dự án vẽ về Hà Nội, với những món ăn ngon, góc phố, di sản của Thủ đô; đồng thời tiếp tục đề tài về những món ngon trên mọi miền của Việt Nam... thể hiện niềm tự hào sâu sắc đối với giá trị văn hóa, lịch sử ngàn đời của dân tộc.
-----
* Triển lãm “Dọc miền di sản” của họa sĩ Lê Rin đang diễn ra tại Văn Miếu - Quốc Tử Giám, Hà Nội (đến ngày 30.5), đưa công chúng khám phá vẻ đẹp văn hóa, thiên nhiên và con người Việt Nam từ Bắc vào Nam.