Cuốn hồi ký Gia đình, bạn bè và đất nước tái hiện cuộc đời và những dấu son trong sự nghiệp của nguyên Phó Chủ tịch Nước Nguyễn Thị Bình - nhà ngoại giao kiệt xuất, người đã tham gia, chứng kiến những chuyển biến, thăng trầm của lịch sử dân tộc trong thế kỷ XX, từ thời thơ ấu cho đến khi tham gia hoạt động cách mạng, những dấu mốc quan trọng trong cuộc đấu tranh giành độc lập dân tộc và cả khi đã nghỉ hưu.

Nhà văn Nguyên Ngọc từng nhận xét: “Có lẽ bà là người Việt Nam có nhiều bạn bè nhất trên thế giới, từ những người dân thường cho đến các nguyên thủ quốc gia nổi tiếng và thuộc nhiều chế độ chính trị khác nhau. Những năm tháng ấy, bà có mặt ở hầu khắp hành tinh, và thật lạ, thật đẹp, hình ảnh của một Việt Nam đang chiến đấu khốc liệt lại được đại diện không phải bằng một chiến binh đằng đằng sát khí mà là một phụ nữ nhỏ nhắn, khiêm nhường mà uyên bác, gần gũi mà sang trọng, sự kiên định không gì lay chuyển nổi lại được thể hiện chính bằng một vẻ thong dong đầy tự tin... Bà đem bạn bè về cho dân tộc. Và đấy là một trong những nhân tố quan trọng nhất quyết định thắng lợi kỳ lạ của Việt Nam trong thế kỷ qua".
Trong lịch sử ngoại giao thế giới, Hội nghị Paris về Việt Nam là cuộc hội đàm kéo dài nhất, ròng rã 4 năm, từ năm 1968 - 1973. Hội nghị có 4 trưởng đoàn, trong đó duy nhất một nữ trưởng đoàn - bà Nguyễn Thị Bình - Bộ trưởng Bộ Ngoại giao - Trưởng đoàn đàm phán của Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam. Để có được chiến thắng ngoại giao mang tính lịch sử này, có sự đóng góp, hy sinh của cả dân tộc Việt Nam, trong đó không thể không nhắc đến bà Nguyễn Thị Bình với ý chí kiên định, sự mềm dẻo, nhạy bén, người phụ nữ duy nhất đặt bút ký vào Hiệp định Paris.
Có thể nói cuộc đời của nguyên Phó Chủ tịch Nước Nguyễn Thị Bình gắn chặt với những sự kiện lịch sử quan trọng của đất nước trong suốt thế kỷ XX. Đó là cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp (1945 - 1954), cuộc kháng chiến chống đế quốc Mỹ (1954 - 1975) giành thắng lợi hoàn toàn, đất nước hòa bình, tiến lên chủ nghĩa xã hội, rồi thực hiện công cuộc đổi mới vì mục tiêu dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh.
Cuốn hồi ký được bà bắt tay viết từ năm 2007, hoàn thành vào cuối năm 2009 và được bổ sung, chỉnh sửa qua các năm 2013, 2014, 2023. Từng trang hồi ký được thể hiện bằng ngôn từ giản dị, không triết lý cao siêu mà gần gũi, sâu lắng, nhưng đã toát lên được tinh thần yêu nước, ý thức trách nhiệm, tấm lòng vì nước vì dân...
Sách gồm 14 chương: Quê hương; Tuổi thơ; Tôi là người hạnh phúc; Trưởng thành trong kháng chiến chống Pháp; Một mặt trận đặc biệt của cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước; Cuộc đàm phán dài nhất lịch sử; Toàn thắng; Những kỷ niệm và cảm nghĩ còn lắng sâu; Thống nhất đất nước; Mặt trận đoàn kết chống Mỹ và chính quyền Sài Gòn; Vào ngành giáo dục; Trở lại đối ngoại nhân dân; Phó Chủ tịch Nước; Về hưu nhưng bận rộn; và Niên biểu Nguyễn Thị Bình.