Xe dù ngang nhiên hoạt động
Dịp Tết những năm trước, thông thường tại các bến xe, không khí đông đúc, nhộn nhịp, hành khách phải xếp hàng mua vé, chen chân để có được chiếc vé về quê đón Tết với gia đình. Tuy nhiên, năm nay tại các bến xe, khung cảnh lại hoàn toàn trái ngược.
Tại bến xe Nước Ngầm, chị Lê Hoàng Tâm – nhân viên bán vé nhà xe Hoàng Long chạy tuyến Sài Gòn - Hà Nội chia sẻ: Chưa có Tết năm nào như năm nay. Những năm trước, vào khoảng 25 - 26 tháng Chạp là nhà xe bán hết vé. Năm nay, 27 tháng Chạp, mới chỉ có hơn 50% vé giường được bán cho khách đi xe tại chuyến thời gian gần nhất. Lý giải về việc này, chị Tâm cho biết: Hiện nay, số lượng xe dù, xe bến cóc xuất hiện ngày càng nhiều. Những xe này ngang nhiên hoạt động ảnh hưởng trực tiếp tới các nhà xe cố định truyền thống. Xe dù không phải chịu áp đặt giá vé, không phải gánh nhiều chi phí như các nhà xe phải chịu (phí bến bãi) nên giá rẻ hơn giá các nhà xe cố định truyền thống.
Tại bến xe Mỹ Đình, anh Kiên (phụ xe tuyến Hà Nội – Lào Cai) cho biết: Cận Tết rồi mà nhiều nhà xe phải sát giờ chạy mới lấp đầy 90% số lượng ghế. Sở dĩ xe trong bến vắng khách đó họ lựa chọn bắt xe ngoài, xe trong bến đìu hiu chờ khách. Nhiều khách gọi xe quen đến đón còn an tâm, nếu bắt xe dù xe cóc thì lại ảnh hưởng những xe cố định như chúng tôi.
Bà Lê Thị Lựu - hành khách lựa chọn mua vé trong bến tâm sự: Khi mua vé xe trong bến được cuống vé đầy đủ để chứng minh đã mua vé. Tránh trường hợp khi lên xe lại bị nhà xe thu thêm tiền. Bởi trước đây, tôi đã có trải nghiệm không tốt khi đi xe dù khi phải bỏ thêm tiền để mua vé mặc dù đã phải trả tiền trước đó.
Xe ghép, xe quen vẫn được nhiều hành khách lựa chọn. Chị Phương Anh (trọ tại Phan Kế Bính, Ba Đình) cho biết: Những năm trước, tôi thường gọi xe đến tận nhà đón. Những nhà xe này có điểm xuất phát cố định, có xe trung chuyển đưa đón tận nơi, giá cả lại cạnh tranh cho nên đi lại rất tiện. Năm nay, tôi quyết định thuê xe ghép vì nhiều đồ. Mặc dù giá xe có cao, nhưng việc đi lại thuận lợi và tiết kiệm thời gian công sức đi lại. Năm nay, một số nhà xe tăng giá vé vì cuối năm có nhiều đợt tăng giá xăng. Tính đi tính lại, giá vé xe ghép chỉ đắt hơn đôi chút mà được thoải mái.
Phó giám đốc Bến xe Mỹ đình Doãn Anh Pháp cho biết: Để bảo đảm an toàn cho hành khách dịp Tết Nguyên đán, bến xe đã phối kết hợp các đơn vị vận tải tăng cường xe phục vụ. Vào những ngày cao điểm, số lượng xe tăng từ 100 xe lên 800 xe/ngày. Đồng thời, tăng cường lực lượng điều hành, tăng cường tuần tra bảo đảm an toàn về người, tài sản của hành khách. Kiên quyết không cho xuất bến đối với các xe không đủ tiêu chuẩn, chất lượng, chở quá tải, hàng hoá lẫn với hành khách, chủ phương tiện uống bia rượu hoặc sử dụng các chất kích thích... Bên cạnh đó, tăng cường kiểm soát từng xe để kịp thời phát hiện hiện tượng khách lên xe không có vé, lái phụ xe tranh giành khách, ép khách, lấy tiền cao hơn giá vé đăng ký. Yêu cầu bộ phận bán vé đúng giá cho khách đi xe, có thái độ văn minh lịch sự, hướng dẫn hành khách nhiệt tình chu đáo.
Ông Pháp khuyến cáo, hành khách nên vào bến mua vé xe để bảo đảm quyền lợi khách hàng như mua đúng giá vé, không bị nhồi nhét.
Ý nghĩa chuyến xe "0" đồng
Phó Giám đốc bến xe Mỹ Đình Doãn Anh Pháp cho biết: Những năm gần đây, nhiều địa phương và doanh nghiệp tổ chức các "chuyến xe 0 đồng" để đưa người lao động về quê ăn Tết. Đây là những hoạt động nhân văn hỗ trợ những người yếu thế, có hoàn cảnh khó khăn, không có đủ tiền trang trải một chuyến xe để đi về quê ăn Tết.
Theo chia sẻ của một số lao động: trong thời buổi khó khăn hiện nay, không ít người lao động sau một năm làm việc, dành dụm được vài đồng tiết kiệm nên đắn đo việc nên hay không về quê. Không ít người lao động sẵn sàng ở lại thành phố và gửi tiền về quê cho người thân vào dịp Tết. "Chuyến xe 0 đồng là hoạt động mang ý nghĩa xã hội to lớn, mang lại những nụ cười hạnh phúc khi Tết được trở về quê và ở cạnh những người thân yêu"- một người lao động quê ở Thanh Hoá cho biết.
7 giờ sáng ngày 7.2 (28 tháng Chạp), tại Nhà điều hành Khu Công nghiệp Thăng Long (Hà Nội), Liên đoàn lao động TP. Hà Nội đã tổ chức 30 chuyến xe 45 chỗ ngồi đưa 1.200 công nhân lao động các Khu Công nghiệp và chế xuất Hà Nội về quê ở các tỉnh Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh. Ngoài các công nhân được hỗ trợ xe về quê, 4.395 đoàn viên, người lao động có hoàn cảnh khó khăn (quê Thanh Hóa; Hà Giang, Điện Biên, Lai Châu, Sơn La, Cao Bằng, Lào Cai, Lạng Sơn…) được nhận hỗ trợ tiền vé về quê. Không chỉ đưa công nhân về quê ăn Tết, Liên đoàn lao động TP. Hà Nội sẽ tổ chức 6 chuyến xe đón trên 200 công nhân lao động ở 2 tỉnh Thanh Hóa, Nghệ An quay trở lại Hà Nội làm việc vào ngày 14.2.