Nhiều kết quả đạt kế hoạch đặt ra
Năm 2023, dưới sự lãnh đạo của Đảng ủy Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội, Lãnh đạo Bộ, cùng quyết tâm của công chức, viên chức, người lao động trong Cục và sự phối hợp chặt chẽ của các cơ quan, đơn vị, Cục Việc làm đã tổ chức thực hiện đồng bộ, hiệu quả các nhiệm vụ được giao trong lĩnh vực thị trường lao động, việc làm, quản lý lao động và bảo hiểm thất nghiệp, tạo động lực cho các năm tiếp theo để thực hiện thành công các mục tiêu đã đề ra.
Báo cáo tại Hội nghị Tổng kết công tác năm 2023 và triển khai nhiêm vụ năm 2024, Phó cục trưởng Cục Việc làm Tào Bằng Huy cho biết, năm 2023, thông qua Quỹ quốc gia về việc làm và các nguồn tín dụng ưu đãi khác đã hỗ trợ tạo việc làm, duy trì và mở rộng việc làm cho 217.438 lao động.
Theo Tổng cục Thống kê năm 2023, lực lượng lao động từ 15 tuổi trở lên đạt 52,4 triệu người, tăng 666,5 nghìn người so với năm trước, tỉ lệ tham gia lực lượng lao động là 68,9%, tăng 0,3 điểm phần trăm so với năm trước; lao động có việc làm đạt 51,3 triệu người, tăng 683,0 nghìn người; tỉ lệ thất nghiệp khu vực thành thị là 2,55% đạt mục tiêu cả năm dưới 4%. Nhu cầu tuyển dụng lao động của doanh nghiệp trong 9 tháng đầu năm vẫn cao hơn so với số lao động bị mất việc, thôi việc. Cùng với đó, số doanh nghiệp thành lập mới cao hơn so với số doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường, qua đó góp phần tạo nhiều việc làm cho người lao động.
Bên cạnh đó, năm 2023, số người đến nộp hồ sơ hưởng trợ cấp thất nghiệp (TCTN) là 1.104.217 người, tăng 12,2% so với cùng kỳ năm 2022. Trong đó, số người có quyết định hưởng TCTN là 1.068.477 người, tăng 9,5% so với cùng kỳ năm 2022 Tổng số người được tư vấn, giới thiệu việc làm: 2.355.621 lượt người, tăng 5,8% so với cùng kỳ năm 2022 (2.225.758 lượt người).
Tiếp tục triển khai nhiều nhiệm vụ quan trọng.
Phó Cục trưởng Cục việc làm Tào Bằng Huy đánh giá, thị trường lao động vẫn còn tồn tại một số hạn chế, như: Thị trường lao động Việt Nam vẫn có hiện tượng mất cân đối cung - cầu lao động cục bộ và có sự phát triển không đồng đều giữa các vùng miền, khu vực, ngành nghề kinh tế; cơ chế kết nối cung - cầu và tự cân bằng của thị trường còn yếu. Chất lượng cung lao động còn nhiều bất cập, hạn chế, chưa đáp ứng cho cầu lao động của một thị trường lao động hiện đại, linh hoạt, bền vững và hội nhập.
Nguồn lực đầu tư cho phát triển hệ thống thông tin thị trường lao động, dịch vụ việc làm mặc dù đã được quan tâm nhưng chưa đáp ứng được nhu cầu thực tiễn.
Việc xây dựng và trình ban hành các văn bản hướng dẫn thực hiện chính sách bảo hiểm thất nghiệp đôi khi chưa kịp thời; sự phối hợp giữa đường lối chỉ đạo của Trung ương và triển khai thực hiện chính sách của địa phương đôi khi chưa phát huy được hết hiệu quả của chính sách.
Nguồn kinh phí năm phê duyệt muộn, nhân sự giảm, khó được bổ sung, khối lượng nhiệm vụ ngày càng tăng cả thường xuyên và đột xuất nên một số hoạt động không được thực hiện đầy đủ, kịp thời, đúng tiến độ như kế hoạch.
Tại hội nghị, Thứ trưởng Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội Lê Văn Thanh nhận định: Trong thời gian tới, nhiều khó khăn, thách thức sẽ cần đối mặt, thị trường lao động mất cân đối cung - cầu lao động cục bộ, chất lượng lao động còn nhiều bất cập, hạn chế, nguồn lực đầu tư cho phát triển thị trường lao động còn chưa đáp ứng nhu cầu…
Do đó, Thứ trưởng Lê Văn Thanh đề nghị, trong công tác xây dựng thể chế, Cục Việc làm cần phải năng động, sáng tạo, chủ động hơn, đảm bảo tính kịp thời và đầy đủ để bộ có những quyết sách đi vào cuộc sống nhanh nhất, hỗ trợ phát triển thị trường lao động hiệu quả nhất.
Đặc biệt, cục cần tập trung hơn nữa trong việc xây dựng dự án Luật Việc làm (sửa đổi), đảm bảo chất lượng, tiến độ thời gian, để Quốc hội xem xét, cho ý kiến lần đầu vào kỳ họp thứ 8 vào tháng 10.2024.
Bên cạnh đó, Cục Việc làm cũng cần chủ động hơn trong việc phối hợp với Sở Lao động, Thương binh và Xã hội các tỉnh, thành trong việc thực hiện kết nối cung - cầu lao động.
Thứ trưởng yêu cầu tăng cường hiệu quả triển khai các chính sách thị trường lao động, bảo hiểm thất nghiệp, việc làm, quản lý lao động, đặc biệt là lao động nước ngoài làm việc tại Việt Nam.
"Bên cạnh đó, Cục cũng cần tăng cường công tác kiểm tra, giám sát để chấn chỉnh và phát hiện những nội dung mới, làm cơ sở để hoàn thiện công tác quản lý nhà nước và đặc biệt chú trọng củng cố kỷ cương, tính đoàn kết trong đơn vị, phối hợp chặt chẽ với các đơn vị trong và ngoài Bộ để triển khai công việc tốt hơn", ông Thanh khái quát.