Theo phản ánh của bà T.T.C. (trú tại tỉnh Bắc Ninh), vì thiếu cảnh giác và bị các đối tượng lạ mặt trên mạng uy hiếp tinh thần, bà đã làm theo mở 2 tài khoản ở 2 ngân hàng khác nhau trên địa bàn TP. Từ Sơn, tỉnh Bắc Ninh. Bà đã vay mượn, huy động người thân gửi vào tổng cộng 26,5 tỷ đồng. Chỉ 3 ngày sau khi gửi số tiền trên bị người khác rút sạch.
Bà C. cho biết, khi bà đang ở Bắc Ninh thì nhận được cuộc gọi từ người giọng nữ tự xưng là thanh tra giao thông tại Đà Nẵng cáo buộc bà gây tai nạn giao thông chết người và yêu cầu đến trình diện. Bà C. trao đổi với người trong điện thoại, khẳng định đó không phải là mình.
Sau đó bà được người này hướng dẫn kết nối đến một người khác tên Hải để xử lý. Người tên Hải cho biết bà bị phạt hành chính 24 triệu và 2 năm tù giam, đồng thời yêu cầu bà cung cấp thông tin cá nhân, nhân thân để hướng dẫn bà C. khai báo, giải quyết.
Sau khi nghe khai báo, người đàn ông qua điện thoại xưng là cảnh sát điều tra bất ngờ thông báo bà C., người có số CMND nêu trên đang có lệnh bắt của Viện kiểm sát liên quan đến một đường dây ma túy. Người xưng là cảnh sát điều tra cho bà biết đã bắt được 2 đối tượng, hai người này khai báo có tài khoản trong 2 ngân hàng với số tiền hơn 20 tỷ đồng, đứng tên bà T.T.C. và đăng ký mở bằng CMND đã mất của nạn nhân.
Sau đó người trong điện thoại lại hướng dẫn bà C.: "Chị hãy mở 2 tài khoản tại 2 ngân hàng trên, mỗi tài khoản có 20 tỷ đồng của chính bà để tương ứng với số tiền trong tài khoản của bên kia do bên phạm tội đã có trong tài khoản mang tên T.T.C.".
Làm theo hướng dẫn, bà C. đã huy động, vay mượn người thân gửi tiền vào 2 tài khoản mới mở.
Hôm sau, bà C. đến ngân hàng để sao kê 2 tài khoản trên thì nhận được thông báo 2 tài khoản không còn tiền. Số tiền hơn 26 tỷ đồng đã bị rút hết.
Biết mình bị lừa, bà C. đến cơ quan chức năng, ngân hàng trình báo sự việc để được xem xét giải quyết.
Cho rằng, quy trình mở tài khoản, bảo mật tài khoản của khách hàng trong ngân hàng, bảo vệ tài khoản của cá nhân trong ngân hàng không đúng quy định, bà C. đã nộp đơn khởi kiện lên TAND TP. Từ Sơn và được thụ lý.
Theo Luật sư Lương Huy Hà - Giám đốc Công ty Luật TNHH LawKey - Đoàn Luật sư TP. Hà Nội, người dân khi mở mới tài khoản hoặc có giao dịch qua tài khoản Ngân hàng, ngoài việc tự tìm hiểu, nâng cao hiểu biết pháp luật, cần đề cao cảnh giác tránh rơi vào các kịch bản thao túng tâm lý người có tiền gửi Ngân hàng từ các cá nhân, tổ chức tội phạm công nghệ cao.
Các tổ chức tín dụng cần tăng cường đầu tư công nghệ cao nâng cấp hệ thống bảo mật chống hacker, có quy trình thanh tra, kiểm tra, giám sát chặt chẽ hoạt động nghiệp vụ của nhân viên ngân hàng khi tư vấn mở tài khoản mới, hướng dẫn khách hàng quản lý, sử dụng tài khoản an toàn.
"Thực tế hiện nay, không ít người gửi tiền đang hoang mang cho rằng không biết lúc nào mình sẽ là nạn nhân rơi vào bẫy lừa đảo, cũng như tài sản của họ gửi trong các tổ chức tín dụng nếu có xảy ra sự cố tương tự như trên, ngân hàng sẽ bảo vệ khách hàng thế nào, hay cuối cùng người gửi tiền vẫn là người phải gánh chịu hậu quả tiền mất tật mang", luật sư Lương Huy Hà nhận định.
Theo Cơ quan CSĐT Công an tỉnh Bắc Ninh, ngày 4.5.2022 có nhận được đơn tố giác tội phạm của bà C. và đã ra quyết định số 37/QĐ-PC02 phân công Phó thủ trưởng Cơ quan CSĐT giải quyết. Qua điều tra, Cơ quan CSĐT xác định các đối tượng chuyển tiền đến nhiều tài khoản tại các tỉnh thành phố như: Phú Thọ, Hòa Bình, TP. Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh, Tây Ninh …
Ngân hàng đang tích cực hỗ trợ khách hàng
Liên quan đến vụ việc trên, phía Ngân hàng cho biết, khi bà C. đến mở tài khoản thanh toán của cá nhân tại Chi nhánh ngân hàng, cán bộ giao dịch của ngân hàng đã thực hiện đầy đủ quy trình, thủ tục mở tài khoản thanh toán cho khách hàng theo đúng quy định.
Như bà C. phản ánh, việc mất tiền xảy ra khi bà C. bị đối tượng lừa đảo thao túng tâm lý nên ngân hàng cho rằng bà C. đã cung cấp toàn bộ các thông tin bảo mật được cung cấp dành riêng cho bà C. (tên truy cập, mật khẩu truy cập dịch vụ, các mã xác thực SMS OTP kích hoạt dịch vụ, kích hoạt Smart OTP và xác thực giao dịch tài chính) cho các đối tượng lừa đảo. Từ các thông tin bảo mật được bà C.cung cấp đó, đối tượng lừa đảo đã thực hiện các hành vi chiếm đoạt tài sản.
Khi khách hàng đến điểm giao dịch của ngân hàng yêu cầu cung cấp sao kê tài khoản thanh toán, ngân hàng đã thực hiện ngay theo yêu cầu của bà C.. Đồng thời, khi nhận được thông tin khách hàng bị lừa đảo, ngân hàng đã chủ động liên hệ hỏi thăm tình hình và cung cấp đầy đủ các thông tin mà khách hàng đề nghị theo đúng quy định.
Sau khi vụ việc xảy ra, ngân hàng đã tích cực phối hợp với khách hàng cung cấp đầy đủ thông tin cho cơ quan chức năng ngay khi được yêu cầu theo quy định và sẽ tiếp tục phối hợp chặt chẽ với cơ quan công an và khách hàng để hỗ trợ tối đa cơ quan công an sớm tìm ra tội phạm, thu hồi tài sản bị lừa đảo cho khách hàng.