Giá phân bón tăng cao

Hạn chế xuất khẩu, ưu tiên thị trường trong nước

- Thứ Năm, 01/07/2021, 19:17 - Chia sẻ
Trong khi sản xuất không đủ cho tiêu dùng trong nước thì lại có tình trạng các doanh nghiệp xuất khẩu phân bón DAP tăng cao kỷ lục, chiếm 50% sản lượng. Trước tình trạng đó, Cục trưởng Cục Bảo vệ thực vật (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) Hoàng Trung cho biết, từ tháng 4, Cục đã họp với các doanh nghiệp lớn và đề nghị ưu tiên phân phối thị trường trong nước, hạn chế xuất khẩu và giữ giá thành hợp lý để người dân không phải mua giá phân bón ở mức cao.

Giá nguyên liệu đầu vào tăng mạnh

Tính đến cuối tháng 6.2021, giá các loại phân bón như phân DAP, urê và kali tăng giá mạnh, trong đó có những loại đã tăng gấp đôi so với năm 2020. Theo ông Hoàng Trung, thời gian qua, do tác động của dịch bệnh Covid-19 buộc một số nhà máy sản xuất phân bón trên thế giới phải đóng cửa. Những nhà máy còn hoạt động đối mặt nguồn cung hạn chế hơn. 

Đặc biệt, nguyên nhân được chỉ ra là do lưu huỳnh và ammoniac, 2 nguyên liệu nhập khẩu để sản xuất phân DAP và MAP trên thị trường thế giới đã tăng mạnh từ 95 USD/tấn lên 208 USD/tấn, tức tăng hơn gấp đôi. Cùng với đó, hệ thống logistics đứt gãy nhiều giai đoạn đẩy cước phí vận chuyển tăng từ 3-5 lần. Từ đó làm tăng thêm giá thành của những vật tư phục vụ sản xuất phân bón.

Giá phân bón và nguyên liệu sản xuất được dự báo chưa thể "hạ nhiệt" trong thời gian tới

Ông Hoàng Trung phủ nhận nguyên nhân khiến giá phân bón tăng là do nguồn cung thiếu, bởi nhu cầu sử dụng phân bón trên cả nước hiện chỉ 10-10,23 triệu tấn/năm, năm nào nhiều thì có thể lên tới 15-17 triệu tấn/năm. Trong khi tổng công suất thiết kế của các nhà máy sản xuất hiện lên tới 34 triệu tấn/năm. Việc tăng giá phân bón, cũng như giá một số vật tư khác như thức ăn chăn nuôi, logistic cũng là do biến động theo quy luật của thế giới. Tuy nhiên, Cục Bảo vệ thực vật cũng không loại trừ khả năng thị trường phân bón đang bị khan hiếm giả tạo ở một số địa phương. 

Cục Bảo vệ thực vật dự báo giá phân bón và nguyên liệu sản xuất mặt hàng này trên thế giới chưa thể hạ ngay trong thời gian ngắn tới đây. Cục đã yêu cầu các doanh nghiệp cam kết sản xuất tối đa công suất, công khai niêm yết giá các loại khi ra khỏi nhà máy, và ưu tiên phân phối vào vùng trọng điểm trong nước. “Cục sẽ phối hợp với các địa phương tăng cường thanh tra, kiểm tra để phát hiện yếu tố đầu cơ, găm hàng tích trữ để đẩy giá lên. Lúc này, nỗ lực từ mỗi người dân và doanh nghiệp được đánh giá là yếu tố quan trọng để kìm hãm mức tăng, qua đó giúp ổn định thị trường” - ông Hoàng Trung khẳng định.

Hạn chế xuất khẩu để ổn định thị trường

Trong bối cảnh sản xuất và lưu thông nông sản khó khăn, giá phân bón tăng quá nóng từ đầu năm đến nay thực sự là một cú sốc đối với người sản xuất nông nghiệp. TS. Nguyễn Đăng Nghĩa, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu tư vấn nông nghiệp nhiệt đới cho rằng, khi giá phân bón đang tăng cao, các doanh nghiệp sản xuất lại tăng tốc xuất khẩu phân bón với số lượng cao nhất từ trước đến nay là điều bất thường. Để sớm bình ổn thị trường, TS. Nguyễn Đăng Nghĩa đề nghị cần tạm ngưng xuất khẩu phân bón urê và DAP, cân nhắc tạm ngưng áp dụng thuế tự vệ với DAP trong khoảng 3 - 6 tháng để khuyến khích nhập khẩu, tăng nguồn cung trong nước.

Nhiều chuyên gia cũng cho rằng, thực tế các nhà máy phân bón nước ta nhận được nhiều ưu đãi ngay từ quá trình lập kế hoạch, ưu đãi đầu vào, cơ chế, chính sách... là để hỗ trợ trong nước, đảm bảo giá cả ổn định cho nông dân. Nông dân đang phải trả hơn 1 triệu đồng/tấn phân bón DAP nhập khẩu để tạo điều kiện cho các nhà máy DAP trong nước xuất khẩu sản phẩm. Hay nói cách khác, tiền thuế áp cho DAP nhập khẩu là do chính nông dân trong nước phải trả. Vậy nhưng, trách nhiệm bình ổn giá nội địa của doanh nghiệp lại không được thực hiện. 

Ngoài việc dừng xuất khẩu phân bón và yêu cầu các doanh nghiệp sản xuất tăng tối đa công suất sản xuất phân bón DAP, MAP để đảm bảo nguồn cung trong nước với giá bán hợp lý nhất, các chuyên gia trong ngành nông nghiệp cũng đề xuất cơ quan quản lý  Nhà nước phải yêu cầu các doanh nghiệp sản xuất phân bón trong nước minh bạch về sản lượng sản xuất, lượng tồn kho và số lượng hàng bán ra thời gian gần đây. Phải làm rõ trách nhiệm bình ổn giá phân bón cho người nông dân.

Trong bối cảnh giá cả tăng quá cao, ưu tiên hàng hóa cho tiêu dùng trong nước, ổn định giá cả cho nông dân là thiết yếu. Đại diện Cục Bảo vệ thực vật cũng khẳng định, việc giãn, hoãn các hợp đồng của thị trường xuất khẩu đối với các doanh nghiệp là hoàn toàn chủ động, linh hoạt. Về lâu dài doanh nghiệp hoàn toàn có thể điều tiết trở lại khi thị trường trong nước ổn định, đảm bảo lợi ích và theo nhu cầu của thị trường.

Chi An