Hạn chế thoái hóa đất và hoang mạc hóa ở Tây Nguyên

- Chủ Nhật, 07/08/2016, 11:21 - Chia sẻ
Theo Tiến sĩ Địa lý Nguyễn Đình Kỳ - Phó Chủ tịch Hội Địa lý Việt Nam, Phó Chủ nhiệm Chương trình Tây Nguyên 3, hiện nay, tình hình thoái hóa và hoang hóa đất ở Tây Nguyên ngày một gia tăng, ảnh hưởng lớn đến sản xuất và đời sống của đồng bào các dân tộc.

Các tỉnh Tây Nguyên hiện có hơn 1,023 triệu ha đất bị thoái hóa nặng và rất nặng, chiếm 20,5% diện tích tự nhiên của vùng. Đắk Lắk là địa phương có diện tích đất bị thoái hóa rất nặng nhiều nhất với trên 226.384 ha, chiếm 4,1% diện tích tự nhiên của vùng và chiếm 17% diện tích tự nhiên của tỉnh, kế đến là Kon Tum có 189.693 ha, Đắk Nông có 63.760 ha. Lâm Đồng là địa phương có diện tích đất bị thoái hóa rất nặng thấp nhất.

Ảnh minh họa (Nguồn: vast.ac.vn)

Các dạng thoái hóa, hoang mạc hóa ở Tây Nguyên là hoang mạc đá, hoang mạc đất khô cằn, hoang mạc sỏi sạn làm cho thảm thực vật ở các khu vực này rất nghèo nàn, chủ yếu mọc các loại cây bụi rụng lá, trảng cỏ, cây le, các cây thân gỗ kích thước nhỏ mọc rải rác. Nhiều diện tích không thể canh tác được phải bỏ hoang hóa…

Cũng theo Tiến sĩ Địa lý Nguyễn Đình Kỳ, thoái hóa đất và hoang mạc hóa ở Tây Nguyên là do phá rừng, loại bỏ thảm thực vật tự nhiên, canh tác nông nghiệp thiếu các biện pháp bảo vệ đất, độc canh nhiều diện tích cây công nghiệp dài ngày, sử dụng quá mức các loại phân bón hóa học, thuốc bảo vệ thực vật, do biến đổi khí hậu hạn hán kéo dài…

Để phát triển bền vững nông nghiệp Tây Nguyên, các tỉnh Tây Nguyên cần nhanh chóng nhanh chóng thực hiện việc cải tạo đất, đầu tư phát triển thủy lợi đảm bảo nguồn nước cho mùa khô, khôi phục và phát triển rừng, hướng đến sản xuất nông nghiệp công nghệ cao…Thực hiện các giải pháp phòng chống thoái hóa đất, hoang mạc hóa phải được xem là nhiệm vụ đặc biệt quan trọng trước mắt và lâu dài, tiến hành một cách khoa học, hiệu quả, trên cơ sở hệ thống chính sách, pháp luật thống nhất, đồng bộ của Nhà nước từ Trung ương đến với các địa phương gắn kết với chương trình hành động quốc gia chống sa mạc hóa. Các địa phương trong vùng cần thực hiện tốt giải pháp công nghệ như sử dụng các Polyme chống xói mòn, sử dụng các loại phân bón vi sinh, NPK để cải tạo đất…Các tỉnh cũng cần bố trí lại cây trồng hợp lý.

Theo đó đến năm 2020, diện tích canh tác 9 cây công nghiệp và lương thực chủ yếu của Tây Nguyên là 1,439 triệu ha, chiếm 25,9% diện tích tự nhiên của Tây Nguyên, trong đó, đất lúa nước là 185.000 ha, ngô 145.000 ha, sắn 145.000 ha, đậu tương 10.000 ha, cà phê 545.000 ha, cao su 263.000 ha, điều 74.000 ha, hồ tiêu 49.000 ha và chè 23.000 ha. Các nhà khoa học cũng đề xuất, các tỉnh Tây Nguyên ít mở rộng và sử dụng hiệu quả, hợp lý diện tích đất nông nghiệp hiện có, tăng độ phì của đất, chống xói mòn...Quy hoạch thủy lợi theo lưu vực để sử dụng nước tối ưu vào mùa khô, đồng thời, chọn cây trồng dùng nước có hiệu quả hơn, phát triển công nghệ tưới tiên tiến, tăng diện tích, chất lượng rừng tự nhiên, rừng trồng…

Theo TTXVN