Chỉ các tổ chức tín dụng được cấp phép kinh doanh ngoại hối
Quan tâm đến lượng kiều hối về nước rất nhiều, ĐBQH Phạm Văn Hòa (Đồng Tháp) cho biết, chỉ riêng năm 2023 đã là 16 tỷ USD, tuy nhiên, người dân gửi vào ngân hàng thì lãi suất 0%, để ở nhà thì đối mặt với nguy cơ không an toàn. Trong khi đó, ngân hàng vay vốn nước ngoài bằng ngoại tệ phải trả lãi. Vậy sao không vay của dân để có lợi cho dân - nêu vấn đề này, đại biểu đề nghị, Thống đốc làm rõ nguyên nhân và lý do tại sao?
Trả lời chất vấn về việc Ngân hàng Nhà nước áp dụng lãi suất bằng 0% đối với tiền gửi ngoại tệ, Thống đốc Nguyễn Thị Hồng nêu rõ, trước đây thị trường ngoại hối và tỷ giá của nước ta thường xuyên biến động và có những giai đoạn nền kinh tế thặng dư ngoại tệ, nhưng mỗi khu vực lại găm giữ và không bán ngoại tệ ra.

“Người có thì không bán và người chưa có nhu cầu đã ra mua, nên thị trường ngoại hối và tỷ giá của Việt Nam đã trải qua những giai đoạn biến động, gây bất ổn nền kinh tế vĩ mô”, Thống đốc nhấn mạnh.
Thống đốc cũng cho biết, từ năm 2016, Ngân hàng Nhà nước đã áp dụng đồng bộ rất nhiều giải pháp. Trong đó có những giải pháp quan trọng như: Kiên định điều hành theo mục tiêu kiểm soát lạm phát để giữ ổn định giá trị của Việt Nam đồng. Thực hiện các giải pháp kết hợp chính sách lãi suất và tỷ giá để nắm giữ Việt Nam đồng hấp dẫn hơn và có lợi hơn. Theo đó, lãi suất của USD đưa về 0%, thực hiện các giải pháp để ổn định tỷ giá và ban hành thông tư để hạn chế việc doanh nghiệp mua trước khi có nhu cầu về ngoại tệ.
Thống đốc nhấn mạnh quan điểm “điều hành tỷ giá trên cơ sở tỷ giá trung tâm, tức là hàng ngày có biến động lên, xuống; khác với trước đây, tỷ giá chỉ có 1 chiều tăng. Nhờ vậy, đã giúp hạn chế tâm lý đầu cơ, găm giữ ngoại tệ và giảm tình trạng "USD hóa" trong nền kinh tế. Doanh nghiệp và người dân có ngoại tệ bán cho tổ chức tín dụng và tổ chức tín dụng bán cho Ngân hàng Nhà nước, vì thế dự trữ ngoại hối nhà nước mới gia tăng được, thậm chí có lúc lên đến hàng trăm tỷ USD, từ cuối năm 2015 thì ước tính khoảng trên 30 tỷ USD”.
Khẳng định những giải pháp nêu trên là chính sách rất tốt và có hiệu quả cho ổn định kinh tế vĩ mô, Thống đốc nêu rõ, “nếu Ngân hàng Nhà nước tăng lãi suất tiền gửi ngoại tệ, tức là người nắm giữ ngoại tệ sẽ được lợi về biến động tỷ giá, nhất là hiện nay, đồng USD đang tăng giá. Nếu tiền gửi ngoại tệ được lãi suất sẽ gây tâm lý chuyển dịch từ Việt Nam đồng sang ngoại tệ, thị trường sẽ có nguy cơ rủi ro trở lại”.
Đối với vấn đề vay nợ nước ngoài, Thống đốc nêu rõ, nước ta đang thiếu vốn nên để phát triển kinh tế - xã hội phải huy động nguồn lực của nước ngoài thông qua các kênh như đầu tư trực tiếp, đầu tư gián tiếp hoặc đi vay nợ nước ngoài. Tuy nhiên, vẫn phải bảo đảm các cân đối vĩ mô.
Liên quan đến các hoạt động kinh doanh ngoại hối, ĐBQH Phúc Bình Niê Kđăm (Đắk Lắk) lưu ý, việc giao dịch được thực hiện qua online đã phát sinh nhiều hiện tượng lừa đảo, giả mạo của các tổ chức, cá nhân trên không gian mạng (thường được gọi là Forex), nhưng không được cấp phép và hoạt động trái pháp luật. Do vậy, Thống đốc cần làm rõ biện pháp xử lý các hoạt động kinh doanh ngoại hối không được cấp phép, hoạt động trái phép ở nước ta.
Thống đốc khẳng định, theo quy định về quản lý ngoại hối của nước ta, chỉ các tổ chức tín dụng được cấp phép kinh doanh ngoại hối, đặc biệt là kinh doanh ngoại hối trên thị trường quốc tế. Các tổ chức, cá nhân khác không được kinh doanh ngoại hối và Ngân hàng Nhà nước chưa cấp phép cho một sàn giao dịch nào cả. Nếu như người dân giao dịch tại các sàn Forex sẽ có hệ lụy là có thể bị lừa đảo.
Để kiểm soát thực trạng này, Thống đốc cho rằng, các cơ quan nhà nước phải tăng cường phát hiện những tổ chức, cá nhân thành lập các sàn này khi không được cấp phép và thực hiện giao dịch; tăng cường phòng, chống tội phạm.
Với khoản vay dưới 100 triệu đồng, khách hàng cá nhân không phải lập phương án khả thi
Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định 149/QĐ-TTg về việc phê duyệt Chiến lược tài chính toàn diện quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030, với mục tiêu là đẩy mạnh áp dụng công nghệ để mọi tầng lớp trong xã hội, nhất là người thu nhập thấp, doanh nghiệp siêu nhỏ, hợp tác xã được tiếp cận nguồn vốn một cách thuận tiện với chi phí rẻ hơn so với kênh ngân hàng và tín dụng như hiện nay. Đây cũng là giải pháp để chống lại "tín dụng đen".
Qua theo dõi, một số đại biểu nhận thấy, Ngân hàng Nhà nước vẫn chưa ban hành được cơ chế thử nghiệm. Do vậy, đề nghị Thống đốc làm rõ giải pháp thúc đẩy ban hành cơ chế thử nghiệm để thực hiện Chiến lược tài chính toàn diện quốc gia?
Để triển khai Chiến lược tài chính toàn diện quốc gia, Thống đốc Nguyễn Thị Hồng nêu rõ, Ngân hàng Nhà nước đã ban hành các văn bản chỉ đạo và thực tế kết quả triển khai khá tích cực. Hiện nay tất cả các kênh cung ứng dịch vụ của hệ thống ngân hàng đều có thể cung cấp trên các kênh số, kênh điện tử. Theo đó, cho phép những cá nhân, đặc biệt là ở vùng sâu, vùng xa vẫn tiếp cận được các kênh này để thanh toán hàng hóa, dịch vụ hay tiếp cận các khoản dịch vụ từ các hệ thống ngân hàng, tổ chức thực hiện mobile banking, thanh toán và chuyển tiền nhỏ lẻ... Khối lượng người dùng đối với công cụ này ngày càng gia tăng.

Lưu ý việc cấp tín dụng phải tuân theo nguyên tắc bảo đảm thu hồi được nợ, Thống đốc cho biết, Ngân hàng Nhà nước đã ban hành các văn bản hướng dẫn, như Thông tư cho vay của tổ chức tín dụng đối với khách hàng, trong đó sửa đổi theo hướng, cho phép người dân có thể tiếp cận qua phương thức điện tử, hoặc đối với những khoản vay dưới 100 triệu đồng, khách hàng cá nhân không phải lập phương án khả thi mà tổ chức tín dụng chỉ căn cứ vào mục đích vay vốn cũng như một số thông tin để xác thực với khách hàng.
Ngoài ra, Ngân hàng cần rà soát, hoàn thiện các thông tư về cấp tín dụng của các công ty tài chính, công ty tài chính tiêu dùng theo hướng thuận lợi đối với khách hàng.
Cũng theo Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, hiện đơn vị đang tích cực phối hợp với Bộ Công an và các tổ chức tín dụng để tăng cường kết nối với cơ sở dữ liệu dân cư theo Đề án 06 “về phát triển ứng dụng dữ liệu về dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ chuyển đổi số quốc gia giai đoạn 2022 - 2025, tầm nhìn đến năm 2030”, trên cơ sở đó xác thực khách hàng và có thông tin để xem xét trong quá trình cho vay...