Hội chợ việc làm là cơ hội thuận lợi dành cho người lao động, đặc biệt là lao động từng làm việc tại Hàn Quốc theo chương trình EPS và thực tập sinh IM Japan về nước tìm được việc làm ổn định, phù hợp với năng lực.
Đây cũng là dịp các doanh nghiệp tìm kiếm được đúng nguồn lao động phục vụ cho hoạt động sản xuất kinh doanh của mình. Qua đó, động viên người lao động yên tâm về nước khi hết hạn hợp đồng lao động, góp phần giảm tỷ lệ lao động cư trú bất hợp pháp tại Hàn Quốc và Nhật Bản.

Theo Giám đốc Sở Lao động, Thương binh và Xã hội Nguyễn Trí Lạc, Hà Tĩnh là 1 trong 3 tỉnh có số lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng đứng đầu cả nước. Bình quân mỗi năm số tiền người lao động làm việc ở nước ngoài được trả theo hợp đồng đạt gần 7.000 tỷ đồng. Trong đó, số ngoại tệ gửi về nước trên 4.000 tỷ đồng, góp phần quan trọng trong việc thúc đẩy phát triển kinh tế, thành lập doanh nghiệp, hợp tác xã, hỗ trợ đầu tư cho các chương trình giảm nghèo, xây dựng nông thôn mới và thực hiện các chính sách an sinh xã hội trên địa bàn tỉnh.
Số ngoại tệ do lao động ở nước ngoài gửi về mang lại nhiều ý nghĩa trong phát triển kinh tế - xã hội. Tuy nhiên, tình trạng người Hà Tĩnh đi làm việc ở nước ngoài không theo hợp đồng, đặc biệt di cư tự do sang làm ăn, buôn bán còn đặt ra không ít thách thức. Lao động không làm việc theo hợp đồng sẽ dễ gặp phải các rủi ro như: làm việc trong môi trường độc hại, không được trả lương hoặc trả lương không đầy đủ, bị lạm dụng, bóc lột hoặc bị ngược đãi.
Thực tiễn trong thời gian qua không ít các vụ việc đau lòng đã xảy ra đối với lao động không theo hợp đồng như: tại nạn, bị ngược đãi…
Ngoài ra, việc có nhiều lao động “chui” còn để lại các hậu quả nặng nề. Vào đầu tháng 7.2022, Bộ Việc làm và Lao động Hàn Quốc, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội Việt Nam đã thống nhất dừng tuyển chọn lao động đi làm việc tại Hàn Quốc theo chương trình EPS đối với người lao động ở 8 huyện trong cả nước, trong đó có huyện Nghi Xuân và Cẩm Xuyên của Hà Tĩnh.