Thúc đẩy đào tạo nghề, giải quyết việc làm cho người lao động
Thực hiện Chương trình 06-CTr/TU của Thành uỷ Hà Nội và Nghị quyết 09-NQ/TU, Đảng ủy, Ban Giám đốc Sở Lao động, Thương binh và Xã hội đã chủ động, kịp thời chỉ đạo các chi bộ trực thuộc, các tổ chức đoàn thể quán triệt hiệu quả nội dung 2 văn bản trên. Trong đó, chú trọng đẩy mạnh truyền thông về giáo dục nghề nghiệp, đào tạo nguồn nhân lực bằng nhiều hình thức.
Điều này đã góp phần đổi mới tư duy, nâng cao ý thức trách nhiệm của cán bộ, đảng viên và mọi tầng lớp nhân dân về vai trò, vị trí của phát triển văn hóa, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh và công nghiệp văn hóa; cũng như giúp người dân tiếp cận dễ dàng hơn với thông tin về các ngành nghề, cơ sở đào tạo; các hoạt động tư vấn hướng nghiệp và tuyển sinh giáo dục nghề nghiệp.
Giám đốc Sở Lao động, Thương binh và Xã hội cho biết, Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh - PCI, trong đó có chỉ số thành phần là “Chỉ số đào tạo lao động” của Hà Nội liên tục tăng hạng những năm gần đây, cho thấy chất lượng giáo dục nghề nghiệp, tay nghề của người lao động đã được doanh nghiệp đón nhận và đánh giá cao, khẳng định nỗ lực của thành phố trong thúc đẩy đào tạo nghề, phát triển kỹ năng, giải quyết việc làm cho người lao động và hỗ trợ cho doanh nghiệp chủ động nhân lực, phát triển các ngành công nghiệp tại địa phương.
Về thực hiện các chỉ tiêu tại Chương trình 06 và Nghị quyết 09, hiện đơn vị có 2 chỉ tiêu, gồm: Tỷ lệ lao động qua đào tạo, lao động có bằng cấp chứng chỉ lần lượt từ 75-80% và 55-60%; số lao động được đào tạo nghề hằng năm là 230 nghìn lượt, hiện đều đạt và vượt so với chỉ tiêu đặt ra.
Làm rõ 6 yêu cầu của thị trường lao động
Phó Bí thư Thành ủy Hà Nội Nguyễn Văn Phong đánh giá cao nỗ lực của ngành Lao động, Thương binh và Xã hội Thủ đô trong việc triển khai thực hiện Chương trình 06, Nghị quyết 09 của Thành ủy. Bên cạnh đó cũng chỉ ra, hiện còn rất nhiều việc cần triển khai, thực hiện để làm tốt hơn nữa các nhiệm vụ tại Chương trình 06 và Nghị quyết 09. Trong đó nổi bật là nhận thức về thị trường lao động vẫn chưa toàn diện, “cái nhìn” còn rời rạc, thiếu tổng thể, do chưa có phương thức tổng hợp thông tin hiệu quả về bức tranh của thị trường lao động trên địa bàn.
Phó Bí thư Thành ủy Hà Nội Nguyễn Văn Phong nhấn mạnh: “Lĩnh vực nâng cao chất lượng nguồn nhân lực không đơn thuần chỉ là lĩnh vực lao động, mà gắn chặt với việc thu hút đầu tư của địa phương và bảo đảm các chính sách an sinh xã hội, không chỉ để giải quyết việc làm mà thực sự còn là một ngành kinh tế, nếu biết đầu tư hiệu quả, gắn với phát triển bền vững. Chính vì vậy, ngành Lao động, Thương binh và Xã hội Thủ đô cần rà soát lại các nhiệm vụ được giao trong Chương trình 06, Nghị quyết 09 của Thành ủy, từ đó đánh giá kỹ hơn về những khó khăn, hạn chế, nguyên nhân, rồi đề xuất kiến nghị cụ thể, theo nhóm; trong đó nêu rõ trách nhiệm của lãnh đạo ngành, cụ thể là người đứng đầu”.
Trên cơ sở đó, ngành Lao động, Thương binh và Xã hội Thủ đô tập trung xây dựng, hoàn thiện đề án phát triển thị trường lao động trên địa bàn thành phố, làm rõ 6 yêu cầu của thị trường lao động; đề án phát triển hệ thống trường nghề trên địa bàn, trong đó không chỉ có các trường công lập, mà cần bao gồm cả các trường ngoài công lập, trường có yếu tố nước ngoài…; nghiên cứu kỹ định hướng quy hoạch, phát triển trên 3 trụ cột: Nguồn lực văn hiến văn hóa, khoa học công nghệ và chuyển đổi số; nguồn nhân lực chất lượng cao; từ đó xem lại thực tế đang có gì, cần như thế nào để phát triển hiệu quả và bền vững.
“Cùng với đó, cần tổ chức nghiên cứu kỹ dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi) về những vấn đề liên quan đến ngành, như: Dạy nghề, an sinh xã hội, thị trường lao động…, để có những đóng góp, bổ sung phù hợp; quan tâm đầu tư, phối hợp trong việc nghiên cứu và dự báo thị trường lao động trên địa bàn trong thời gian tới một cách bài bản, khoa học; nghiên cứu, xây dựng một đề án về hợp tác quốc tế, tập trung các nội dung, như: Dạy nghề, hướng nghiệp…”, Phó Bí thư Thành ủy Nguyễn Văn Phong chỉ đạo.