Điển hình, trường hợp bệnh nhân nam 36 tuổi (trú tại Vật Lại, Ba Vì) có tiền sử giết mổ và ăn thịt lợn ốm trước khởi phát bệnh 2 ngày. Sau đó, bệnh nhân có biểu hiện sốt, đau đầu, nôn nhiều, kích thích và được đưa đến Bệnh viện Bạch Mai. Tại đây, người bệnh được chọc dịch não tủy xét nghiệm cho kết quả dương tính với liên cầu lợn.
Theo Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TP. Hà Nội, bệnh liên cầu lợn là liên cầu khuẩn gây bệnh, chủ yếu sống ở các loài lợn đã thuần hóa đôi khi gây bệnh ở người qua ăn uống hoặc tiếp xúc.
Bệnh diễn biến nhanh và nặng thường biểu hiện 2 bệnh cảnh chính bao gồm viêm màng não và sốc nhiễm khuẩn huyết. Đặc biệt, bệnh liên cầu khuẩn ở lợn lây lan sang người theo một trong các cách sau:
- Từ đường ăn uống: Khi ăn các sản phẩm từ lợn mà chưa được nấu chín như tiết canh, lòng, nem, cháo lòng lợn bị bệnh liên cầu… vi khuẩn xâm nhập vào cơ thể người và gây bệnh.
- Đường tiếp xúc, giết mổ, chăm sóc: Những người có các vết thương, sây xát ở da nhưng lại tiếp xúc với máu, dịch tiết của lợn bị bệnh liên cầu khi chăm sóc, giết mổ, vận chuyển thịt, máu lợn bệnh.
Trong quá trình chế biến, tiếp xúc trực tiếp (vệ sinh chuồng trại, giết mổ) cũng có thể lây nếu có các vết xước chân, tay. Vi khuẩn cũng xâm nhập vào cơ thể qua các vết thương rách da nhỏ, vết trầy xước, viêm chân răng hoặc tiếp xúc với con lợn nhiễm bệnh khi chăm sóc, giết mổ, chế biến mà bị xây xước chân tay.
Thông thường loại vi khuẩn này có sẵn trong cổ họng, đường tiêu hóa, đường hô hấp, sinh dục của lợn. Khi lợn mắc bệnh, nhất là bệnh tai xanh, hệ miễn dịch suy giảm sẽ là dịp cho loại vi khuẩn này có cơ hội phát triển mạnh. Người tiếp xúc trực tiếp lợn bệnh sẽ bị lây qua các vết thương trên.
- Đường hô hấp: Người cũng có thể bị bệnh do lây qua đường hô hấp khi hít phải liên cầu khuẩn có trong không khí do lợn bệnh ho, hắt hơi bắn ra.
Những biểu hiện của bệnh liên cầu lợn
- Bệnh khởi phát cấp tính: Sốt cao kèm theo rét run; mệt mỏi đau nhức cơ bắp thường xuyên; đau đầu buồn nôn, đau bụng, ỉa chảy, lơ mơ và hôn mê.
- Sốc nhiễm khuẩn: Huyết áp tụt, nhịp tim nhanh, vã mồ hôi, lạnh đầu chi, tiểu ít; tử ban xuất hiện ở ngực, ở mặt, chân tay; suy thận cấp, đái ít, phù toàn thân; rối loạn đông máu tắc mạch đầu chi, chảy máu bất thường, da, niêm mạc và nội tạng; suy hô hấp cấp; hoại tử phần mềm viêm mô tế bào, viêm cơ, hoại thư.
- Viêm màng não mủ: Hội chứng não màng não, đau đầu, nôn, cứng gáy. Dịch não tuỷ đục, có biến loạn về tăng protein và bạch cầu đa nhân trung tính.
Các biện pháp phòng chống
Đến nay, vẫn chưa có vaccine phòng bệnh. Do vậy, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TP. Hà Nội khuyến cáo người dân cần thực hiện tốt các biện pháp sau:
- Đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm.
- Không ăn tiết canh, nội tạng lợn, các sản phẩm từ thịt lợn chưa được nấu chín (lòng, tim, gan, thận chần tái, thịt tái, nem chua, nem chạo…).
- Không sử dụng thịt lợn có màu đỏ khác thường, xuất huyết hoặc phù nề.
- Thực hiện tốt vệ sinh cá nhân, sử dụng găng tay và các dụng cụ bảo hộ cần thiết khác khi tiếp xúc với lợn, chế biến thịt lợn, thường xuyên rửa tay với xà phòng.
- Không mua bán, vận chuyển, giết mổ lợn bệnh, lợn chết.
- Tiêu huỷ lợn bệnh, lợn chết theo đúng quy định.
Đồng thời, khi có các biểu hiện nghi ngờ mắc bệnh như sốt cao đột ngột và có tiền sử chăn nuôi, giết mổ lợn ốm, lợn chết hoặc sản phẩm từ lợn không đảm bảo vệ sinh, mọi người cần đến ngay cơ sở y tế để được khám và điều trị kịp thời.