Đối với một dự luật thông thường, Tổng thống sẽ là người ký ban hành luật. Song do Tổng thống Salome Zourabichvili đã phủ quyết dự luật, thủ tục ký thành luật của Chủ tịch Quốc hội là thủ tục cuối cùng để dự luật này có hiệu lực. Luật sẽ được công bố trên Công báo vào ngày 4.6 và sẽ chính thức có hiệu lực sau đó 60 ngày.
Trước đó, ngày 28.5, Quốc hội nước này đã có một cuộc bỏ phiếu để vô hiệu hóa quyền phủ quyết của Tổng thống Salome Zourabichvili, người đã dùng quyền phủ quyết để phản đối dự luật.
Luật mới yêu cầu các tổ chức phi chính phủ (NGO) và các cơ quan truyền thông có hơn 20% nguồn tài trợ đến từ bên ngoài Gruzia phải đăng ký làm cơ quan “theo đuổi lợi ích của một thế lực nước ngoài”. Nếu từ chối và không tiết lộ thông tin nhạy cảm về nguồn tài trợ nước ngoài, sẽ bị phạt 25.000 lari (9.360 USD), tiếp theo là mức phạt bổ sung 20.000 lari (7.490 USD) cho mỗi tháng không tuân thủ sau đó. Các tổ chức phi chính phủ và truyền thông lo ngại sẽ bị buộc phải đóng cửa nếu không tuân thủ. Ngoài ra, luật cũng đưa ra các yêu cầu khắt khe về tiết lộ thông tin.
Tranh chấp về dự thảo luật được coi là một phép thử quan trọng để xem Gruzia duy trì định hướng phương Tây hay xoay trục sang Nga.
Các nước phương Tây bao gồm Mỹ, Anh và Liên minh châu Âu (EU) đều chỉ trích dự luật, nói rằng việc thông qua luật này sẽ “tác động tiêu cực” tới con đường trở thành thành viên EU của Gruzia. Washington đã đe dọa trừng phạt các quan chức Gruzia bỏ phiếu cho dự luật.
Trong khi đó, Chính phủ Gruzia cho rằng dự luật này là cần thiết để thúc đẩy tính minh bạch và ngăn chặn các nước phương Tây gây ảnh hưởng đến vấn đề nội bộ, đặc biệt là để tránh cho Gruzia bị lôi kéo vào cuộc chiến với Nga. Gruzia cũng lập luận rằng dự luật mới cũng hoàn toàn tương tự như luật minh bạch ở các nước phương Tây – chẳng hạn như Đạo luật Đăng ký đại diện nước ngoài ở Mỹ và các điều khoản tương tự ở Pháp và các nước thuộc EU khác; đồng thời chỉ trích “tiêu chuẩn kép” mà các nước phương Tây thường áp dụng.