Chăm sóc và phục hồi chức năng cho nạn nhân chất độc hóa học/dioxin

Góp phần xoa dịu nỗi đau

- Thứ Năm, 16/12/2021, 06:08 - Chia sẻ
Dự án “Chăm sóc sức khỏe và phục hồi chức năng đối với nạn nhân chất độc hóa học/dioxin giai đoạn 2018 - 2021” do Cục Quản lý khám, chữa bệnh phối hợp với các cơ quan liên quan triển khai thực hiện đạt kết quả tích cực tại 11 tỉnh, thành phố tham gia dự án, góp phần chăm sóc tốt hơn, giúp nạn nhân phục hồi sức khỏe, từng bước ổn định cuộc sống, hòa nhập cộng đồng.

Những con số biết nói

Điều tra, khảo sát của Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin Việt Nam cho thấy, hiện toàn quốc có khoảng 150.000 nạn nhân thuộc thế hệ thứ 2; hơn 35.000 nạn nhân thuộc thế hệ thứ 3; hơn 2.000 nạn nhân thuộc thế hệ thứ 4; 22% số gia đình nạn nhân chất độc da cam có từ 3 nạn nhân trở lên, trong đó hộ gia đình nạn nhân thuộc diện nghèo chiếm tỷ lệ cao; khoảng 90% nạn nhân không có chuyên môn, nghề nghiệp. Di chứng chất độc da cam đã truyền sang thế hệ thứ 3, thứ 4. Các nạn nhân chất độc da cam thế hệ này hầu hết đều bị dị dạng, dị tật bẩm sinh, sống thực vật. Đặc biệt, hậu quả chất độc da cam/dioxin làm cho nhiều người bị đa dị tật, dị tật nặng, như: Chậm phát triển trí tuệ, câm, điếc, hội chứng down, lác mắt, động kinh, sứt môi, hở vòm ếch, teo cơ, liệt, dị dạng các chi...

Chủ tịch Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin Việt Nam (VAVA), Thượng tướng Nguyễn Văn Rinh cho biết, chất độc hóa/dioxin đã để lại những hậu quả vô cùng nặng nề không chỉ những người dân tham gia kháng chiến mà còn cả con cháu họ và những người hiện đang sống trong khu vực bị phơi nhiễm. Đây là nhóm đối tượng đang rất cần có sự theo dõi, chăm sóc sức khỏe, điều dưỡng và phục hồi chức năng thường xuyên tại các cơ sở khám, chữa bệnh và tại cộng đồng. Song, hiện cơ sở vật chất, trang thiết bị và năng lực của các cán bộ tại các cơ sở khám, chữa bệnh phục hồi chức năng tại các cơ sở còn hạn chế, chưa đáp ứng nhu cầu về chăm sóc sức khỏe, điều dưỡng và phục hồi chức năng cho các nạn nhân chất độc hóa học.

Chữa bệnh, phục hồi chức năng cho nạn nhân chất độc hóa học/dioxin tại Bệnh viện Phục hồi chức năng

Nguồn: ITN 

Cải thiện sức khỏe, cuộc sống

Thực hiện Chỉ thị số 43-CT/TW ngày 14.5.2015; Quyết định số 651/QĐ-TTg ngày 1.6.2012, ngày 24.11.2017 Bộ Y tế đã ban hành Quyết định số 5305/QĐ-BYT phê duyệt Dự án “Chăm sóc sức khỏe và phục hồi chức năng đối với nạn nhân chất độc hóa học/dioxin giai đoạn 2018-2021”. Dự án được triển khai thực hiện ban đầu ở 10 tỉnh, thành phố, gồm: Lào Cai, Thái Nguyên, Quảng Ninh, Hải Phòng, Thanh Hóa, Nghệ An, Quảng Nam, Bình Định, Đồng Tháp, Bến Tre với tổng nguồn vốn là 72,3 tỷ đồng. Bộ Y tế đã giao Cục Quản lý, Khám, chữa bệnh phối hợp với các đơn vị có liên quan để triển khai thực hiện. Đến năm 2018, Bộ Y tế đã bổ sung tỉnh Hà Tĩnh tham gia Dự án, nâng tổng nguồn vốn của Dự án lên 76,160 tỷ đồng.

Theo đó, những người tham gia kháng chiến bị mắc bệnh, tật, dị dạng, dị tật có liên quan đến chất độc hóa học; con đẻ của người tham gia kháng chiến bị dị tật, dị dạng có liên quan đến chất độc hóa học; người dân sinh sống tại các vùng điểm nóng về phơi nhiễm chất độc hóa học; người khuyết tật và các đối tượng khác là những đối tượng được thụ hưởng trực tiếp từ Dự án.

Theo Cục trưởng Cục Quản lý, Khám chữa bệnh (Bộ Y tế) Lương Ngọc Khuê, mục tiêu mà Dự án hướng tới là giúp cải thiện sức khỏe và chất lượng cuộc sống, giúp nạn nhân chất độc hóa học/dioxin và người khuyết tật từng bước hòa nhập cộng đồng thông qua các biện pháp phát hiện sớm, can thiệp sớm các vấn đề sức khỏe và khuyết tật; nâng cao năng lực và phát triển mạng lưới chăm sóc sức khỏe và phục hồi chức năng cho nạn nhân và người khuyết tật tại cơ sở y tế và cộng đồng; nạn nhân, người khuyết tật và gia đình được tiếp cận với các dịch vụ tư vấn, hướng dẫn về phục hồi chức năng và được hỗ trợ tổng thể, theo nhu cầu; những người sống trong khu vực bị phơi nhiễm được tiếp cận dịch vụ y tế, được hướng dẫn phòng ngừa...

Đại diện Ban Quản lý Dự án “Chăm sóc sức khỏe và phục hồi chức năng đối với nạn nhân Chất độc hóa học/dioxin giai đoạn 2018 - 2021” tỉnh Bến Tre cho biết, năm 2020 Ban quản lý dự án đã phối hợp với Sở Lao động, Thương binh và Xã hội tỉnh lập danh sách 316 nạn nhân ở hai huyện Châu Thành và Chợ Lách; Hội Nạn nhân chất độc da cam tỉnh phối hợp với Bệnh viện đa khoa Nguyễn Đình Chiểu - Bến Tre tổ chức khám sàng lọc cho 251 nạn nhân, lập hồ sơ theo dõi sức khỏe cho nạn nhân; tập huấn và thực hiện hướng dẫn cho nhân viên trạm y tế, công tác viên tập huấn trực tiếp… Đến nay, Bến Tre đã triển khai Chương trình Phục hồi chức năng dựa vào cộng đồng tại 9/9 huyện/thành phố; 154/154 xã, phường, thị trấn; ngoài ra mỗi năm Ủy ban nhân dân tỉnh cấp kinh phí cho hoạt động Phục hồi chức năng dựa vào cộng đồng khoảng 650 triệu đồng…

Thái Yến-Nguyễn Ngân