Thực tế cho thấy, trong điều kiện nguồn thu ngân sách nhà nước còn hạn hẹp, trong khi yêu cầu đầu tư phát triển rất lớn, việc vay và sử dụng nguồn vốn vay nước ngoài gồm vốn viện trợ phát triển chính thức (ODA) và vốn vay ưu đãi nước ngoài là cần thiết. Nguồn lực tài chính này góp phần bù đắp thiếu hụt về ngân sách nhà nước cho đầu tư phát triển, có vai trò quan trọng trong việc xây dựng hệ thống hạ tầng, phát triển kinh tế - xã hội, giáo dục, y tế, văn hóa, giao thông vận tải, nông nghiệp nông thôn, bảo vệ môi trường, khai thông các nguồn lực tiềm năng của nền kinh tế. Tuy vậy, quá trình thực hiện nguồn vốn này hiệu quả vẫn chưa đạt được hiệu quả như mong muốn.
Kết quả giải ngân kế hoạch vốn nước ngoài trong 9 tháng năm 2021 chỉ đạt khoảng 18,33% cho thấy, nguồn vốn nước ngoài, trong đó có vốn ODA hiện nay chưa được sử dụng một cách hiệu quả.

Tình trạng chậm giải ngân vốn ODA đã kéo dài suốt nhiều năm qua. Đó cũng là lý ở nhiệm kỳ Khóa XIV, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã tiến hành giám sát và ban hành nghị quyết về vấn đề này. Còn tại Kỳ họp thứ Mười, Quốc hội Khóa XIV, thẩm tra kết quả thực hiện ngân sách nhà nước năm 2020, dự toán ngân sách nhà nước và phương án phân bổ ngân sách trung ương năm 2021, Ủy ban Tài chính và Ngân sách nhận định, tiến độ giải ngân vốn đầu tư công chậm, mặc dù Chính phủ có nhiều biện pháp quyết liệt, nhưng so với kế hoạch đề ra, tốc độ giải ngân vốn đầu tư công vẫn còn chậm, chưa đồng đều ở các bộ, ngành, địa phương đặc biệt là vốn ODA, hết 9 tháng mới giải ngân đạt 24,8% dự toán…
Như vậy, so với cùng kỳ, tỷ lệ giải ngân nguồn vốn này năm nay thấp hơn so với năm 2020.
Có nhiều nguyên nhân dẫn đến tỉ lệ giải ngân vốn ODA trong 9 tháng năm 2021 chậm, bởi do dịch bệnh Covid-19 bùng phát trở lại ở nhiều địa phương, khiến công tác cấp giấy phép lao động cho các chuyên gia dự án ODA, việc thu xếp thủ tục nhập cảnh thường kéo dài; nhân công bố trí trên công trường thi công của các nhà thầu bị hạn chế do thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch Covid-19. Ngoài ra, do chủ đầu tư các dự án ODA gặp khó khăn trong việc nhập khẩu các thiết bị, hàng hóa phục vụ cho các dự án ODA.
Bên cạnh nguyên nhân khách quan, còn có nguyên nhân chủ quan, đó là một số dự án đã được bố trí vốn, hoàn thành thủ tục đầu tư, nhưng chậm triển khai giải phóng mặt bằng, chưa hoàn tất thiết kế cơ sở; chậm xử lý đơn rút vốn; điều chỉnh dự án. Bên cạnh đó, một số dự án gặp khó khăn, vướng mắc về thủ tục giải ngân. Ngoài ra, không loại trừ lý do người có trách nhiệm có tâm lý trì trệ, sợ trách nhiệm trong giải ngân vốn ODA.
Khác với đầu tư công sử dụng vốn trong nước, việc tiếp nhận vốn ODA và vay ưu đãi của các nhà tài trợ nước ngoài phải thực hiện qua nhiều bước: xây dựng và phê duyệt đề xuất, lập Báo cáo đề xuất chủ trương đầu tư, Báo cáo nghiên cứu tiền khả thi, đàm phán, ký hiệp định, phê chuẩn hiệp định... Tại mỗi bước, phải tuân thủ các quy định của pháp luật Việt Nam và chính sách của nhà tài trợ, trong khi đó hệ thống pháp luật liên quan đến nguồn vốn này không đồng bộ, nhiều cơ quan, nhiều cấp tham gia trong quá trình ra quyết định dẫn đến việc hoàn thành quy trình, thủ tục ở từng bước mất nhiều thời gian. Thông thường, để có thể thực hiện một dự án phải mất từ 2-3 năm để hoàn tất các thủ tục chuẩn bị đầu tư.
Hiện nay, việc thực hiện giải ngân vốn ODA đang được thực hiện theo quy định Nghị định số 56/2010/NĐ-CP ngày 25.5.2021 về quản lý và sử dụng nguồn vốn ODA và vốn vay ưu đãi của các nhà tài trợ nước ngoài. Theo đó, quy trình gia hạn, điều chỉnh, bổ sung đối với các điều ước quốc tế, thỏa thuận cụ thể về vốn ODA, vốn vay ưu đãi được thực hiện sau khi chủ trương đầu tư được cấp có thẩm quyền phê duyệt. Những thay đổi như: gia hạn thời gian thực hiện dự án, tương ứng với đó là gia hạn giải ngân các hiệp định phải thực hiện thành 2 quy trình nối tiếp nhưng đều do Bộ Tài chính xem xét, trình Thủ tướng Chính phủ quyết định, dẫn tới kéo dài thời gian thực hiện.
Trong khi đó, về điều chỉnh chủ trương đầu tư dự án, Nghị định số 56/2020/NĐ-CP quy định, tất cả các nội dung nào trong Quyết định phê duyệt chủ trương đầu tư đều phải thực hiện hồ sơ, quy trình, thủ tục điều chỉnh chủ trương đầu tư như ban đầu với quy trình, thủ tục phức tạp. Điều này gây khó khăn trong quá trình điều chỉnh chương trình, dự án trong quá trình triển khai thực hiện, ảnh hưởng đến tiến độ giải ngân vốn ODA.
Để khơi thông điểm nghẽn giải ngân vốn ODA, nhiều ý kiến cho rằng, Việt Nam cần chuẩn bị một số dự án lớn, có tính chất liên vùng, có tác động lan tỏa, thay vì các dự án nhỏ lẻ… để tăng hiệu quả sử dụng nguồn vốn vay của các đối tác tài trợ.
Cùng với đó, cần tạo hành lang thông thoáng hơn để thực hiện các dự án ODA. Theo đó, cần sớm ban hành nghị định thay thế Nghị định số 56, điều chỉnh chủ trương đầu tư của Thủ tướng Chính phủ theo hướng phân cấp, đơn giản hóa quy trình, thủ tục; có phương thức hỗ trợ ngân sách, cho doanh nghiệp vay lại vốn ODA…
Việc hoàn thiện khung khổ pháp lý để tạo điều kiện đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn ODA là cần thiết. Nhưng điều này là chưa đủ khi chưa có sự vào cuộc tích cực của người đứng đầu bộ, ngành, địa phương có liên quan trong quá trình thực hiện. Do đó, bên cạnh nêu đích danh các bộ, ngành, địa phương làm tốt, và những nơi chưa thực hiện tốt, rất cần cơ chế xử lý trách nhiệm nghiêm khắc đối cá nhân, tập thể chậm giải ngân vốn ODA. Có như vậy, mới xóa bỏ tâm lý, làm cũng được, mà “đủng đỉnh” cũng chẳng sao.