Theo kế hoạch triển khai công tác kiểm định chất lượng của Bộ Giáo dục và Đào tạo, để hoàn thành kiểm định, các trường đại học, cao đẳng phải thực hiện nhiều công việc với nhiều giai đoạn khác nhau như tập trung xây dựng hoặc rà soát kế hoạch phát triển của trường trong giai đoạn 2017 - 2020, xây dựng kế hoạch bảo đảm chất lượng hàng năm và triển khai thực hiện kế hoạch đã đề ra… Việc hoàn thành các công việc và được cấp giấy chứng nhận kiểm định không chỉ giúp các trường biết được điểm mạnh, điểm yếu của mình mà còn tăng lòng tin của xã hội đối với chất lượng đào tạo. Việc được thừa nhận về chất lượng cũng là yếu tố quyết định đến thương hiệu của các trường đại học, đặc biệt là trong xu thế hội nhập vấn đề này lại càng trở nên cấp thiết.
Tuy nhiên, theo đánh giá của Bộ Giáo dục và Đào tạo, chất lượng tự báo cáo đánh giá của các trường chưa đạt yêu cầu đặt ra. Bên cạnh đó, cho đến nay, mặc dù hệ thống văn bản đã khá hoàn chỉnh song những khuyến khích các trường làm tốt, cũng như xử lý những trường chưa tốt, chưa thực sự chú trọng đến công tác kiểm định vẫn còn hạn chế. Bộ công cụ đánh giá hiện nay ở chừng mực nào đó chưa theo kịp sự vận hành, phát triển rất nhanh của thực tế giáo dục đại học, nhất là theo chuẩn quốc tế. Chưa kể, điều khiến nhiều chuyên gia giáo dục băn khoăn là hiện nay nước ta chỉ có 4 trung tâm kiểm định, các trung tâm này cũng mới chỉ đi vào hoạt động thì liệu có kiểm định được cho hàng trăm trường đại học không, hay lại rơi vào căn bệnh thành tích, chạy theo số lượng?
Theo Giám đốc Trung tâm Kiểm định chất lượng giáo dục - Đại học Quốc gia Hà Nội Nguyễn Quý Thanh, để đạt được mục tiêu kiểm định đề ra thì số lượng trung tâm không quan trọng bằng số lượng kiểm định viên có đủ năng lực để đi đánh giá. Thực tế các nước trên thế giới cũng cho thấy điều này, như ở Mỹ chỉ có 6 cơ quan kiểm định cho 4.000 - 5.000 trường đại học, còn các nước trong khu vực như Philippines cũng chỉ có 2 cơ quan kiểm định cho khoảng 1.000 trường đại học. Như vậy, quan trọng ở đây là số lượng người đi đánh giá chứ không phải số lượng trung tâm. Hiện nay, cả nước mới chỉ có 240 người được cấp thẻ kiểm định viên; trong khi để kiểm định một trường, trung tâm kiểm định cần khoảng từ 5 - 7 thành viên trong đoàn đánh giá ngoài, 2 - 5 thành viên của trung tâm để hỗ trợ các vấn đề thủ tục, hậu cần. Trung tâm cũng phải trình Hội đồng kiểm định khoảng 15 thành viên để thông qua kết quả. Do đó, nguồn lực con người vẫn là khó khăn lớn nhất trong việc kiểm định chất lượng giáo dục. Đây là điều cần sớm được khắc phục, không chỉ để đạt số lượng kiểm định nhanh hơn mà còn bảo đảm chất lượng kiểm định.