Gỡ khó cho hoa Đà Lạt xuất khẩu sang Australia

- Thứ Năm, 15/07/2021, 06:07 - Chia sẻ
Trước thông tin 700.000 cành hoa tươi Đà Lạt không thể xuất khẩu vào thị trường Australia do vướng quy định cấm sử dụng hoạt chất glyphosate, ông Hoàng Trung, Cục trưởng Cục Bảo vệ thực vật khẳng định: Việc cấm sử dụng hoạt chất glyphosate nhằm bảo đảm sức khỏe con người, phù hợp thông lệ quốc tế và quy định này đã được phổ biến rộng rãi. Để hỗ trợ doanh nghiệp, Cục sẽ nỗ lực thuyết phục Australia thay thế bằng chất khác trong xử lý hoa cắt cành xuất khẩu.
Nguồn: zing.vn

Thông tin đột ngột cấm dùng glyphosate không chính xác

Được biết, để xuất khẩu hoa cúc và hoa cẩm chướng sang thị trường Australia, trong quá trình xử lý sau thu hoạch, doanh nghiệp trong nước phải sử dụng hoạt chất glyphosate để ngâm cành hoa trong 20 phút. Đây là yêu cầu của Australia nhằm triệt tiêu khả năng nảy mầm và ngăn chặn mọi sinh vật, thực vật ngoại lai xâm nhập. Tuy vậy, theo phản ánh của Công ty TNHH Dalat Hasfarm, Thông tư 10/2020/TT-BNNPTNT quy định các loại thuốc bảo vệ thực vật có chứa glyphosate bị cấm sử dụng trong nước từ ngày 1.7.2021. Vì vậy, mới đây 700.000 cành hoa cúc, cẩm chướng của công ty này không thể xuất khẩu sang Australia và buộc phải tiêu hủy.

Ông Hoàng Trung, Cục trưởng Cục Bảo vệ thực vật khẳng định, việc loại bỏ glyphosate khỏi danh mục thuốc bảo vệ thực vật được phép sử dụng tại Việt Nam không phải là quy định mới. Quyết định này ban hành ngày 10.4.2019, có lộ trình cụ thể trong 2 năm. Trước khi chính thức bị cấm sử dụng 3 tháng, Cục Bảo vệ thực vật đã có văn bản nhắc nhở các doanh nghiệp để chủ động có kế hoạch thích ứng với quyết định này.

“Hai năm qua, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn không cho phép nhập khẩu hoạt chất glyphosate mà chỉ sử dụng số lượng đã nhập khẩu trước đó. Quy định này đã được phổ biến rộng rãi với doanh nghiệp kinh doanh, phân phối; bảo đảm đủ thời gian để doanh nghiệp thích ứng, không thể nói là doanh nghiệp không biết. Thông tin Cục Bảo vệ thực vật đột ngột cấm dùng hoạt chất glyphosate là không chính xác”, ông Hoàng Trung nhấn mạnh.

Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, hoạt chất glyphosate có khả năng gây ung thư (nhóm 2A) cho con người theo công bố của Cơ quan Nghiên cứu Ung thư quốc tế IARC thuộc Tổ chức Y tế thế giới (WHO). Hiện nhiều nước đã cấm hoặc đang có lộ trình cấm hoạt chất này. Thực tế, đầu năm 2021, xuất khẩu cà phê vào thị trường EU gặp khó khăn bởi EU siết chặt về dư lượng thuốc bảo vệ thực vật trên cà phê nhập khẩu. Cụ thể, với hoạt chất glyphosate, EU yêu cầu giới hạn dư lượng tối đa là 0,1mg/kg. 

Theo thông tin từ cơ quan kiểm dịch, hoa tươi cắt cành không đạt tiêu chuẩn bị phía Australia trả về chỉ có 2 container do không đạt yêu cầu. Ngoài ra, có một lượng hoa do khó khăn vận chuyển, tiêu thụ nội địa do tình hình hình kiểm soát chặt chẽ của dịch Covid-19 nên buộc phải hủy bỏ.

Thử nghiệm hoạt chất thay thế

“Chúng tôi rất chia sẻ với doanh nghiệp bởi dịch Covid-19 khiến hoạt động sản xuất, tiêu thụ hoa gặp rất nhiều khó khăn”, ông Hoàng Trung cho biết. Tuy vậy ông nhấn mạnh việc tiếp tục sử dụng hoạt chất glyphosate theo đề nghị của Công ty TNHH Dalat Hasfarm để triệt mầm hoa cắt cành xuất khẩu cho Australia là không đúng quy định.

Để hỗ trợ doanh nghiệp, Cục Bảo vệ thực vật đã phối hợp với Đà Lạt Hasfarm thử nghiệm hoạt chất thay thế cho glyphosate gửi sang Bộ Nông nghiệp Australia để xem xét, thẩm định và công nhận. “Chúng tôi liên lạc với Tham tán Thương mại Đại sứ quán Australia tại Việt Nam để cập nhật kết quả xử lý hồ sơ. Trong cuộc họp trực tuyến với Australia tới đây, việc sử dụng hoạt chất thay thế cho glyphosate sẽ được thảo luận”, ông Trung cho hay.

Cục trưởng Cục Bảo vệ thực vật cho biết thêm, Australia chỉ yêu cầu sử dụng hoạt chất glyphosate để triệt mầm hoa cúc và hoa cẩm chướng do tỷ lệ nảy mầm cao; các loại hoa khác như hoa cát tường, hoa hồng, lan hồ điệp… vẫn xuất khẩu bình thường. Hoa cúc và cẩm chướng cắt cành xuất khẩu sang Australia cũng chỉ chiếm tỷ lệ rất nhỏ trong hoạt động xuất khẩu hoa của các doanh nghiệp.

Hiện nay, Việt Nam xuất khẩu hoa cắt cành sang 20 nước. Đối với hoa cúc và hoa cẩm chướng cắt cành, chỉ có Australia quy định phải ngâm xử lý cành bằng glyphosate; các thị trường khác như Nhật Bản, Hàn Quốc, EU, Đài Loan, Malaysia... đều không có yêu cầu này.

Vì vậy, ông Hoàng Trung đề nghị các doanh nghiệp cần đàm phán, kết nối để đa dạng thị trường xuất khẩu hơn, nhất là với hoa cẩm chướng và hoa cúc. Thực tế, nhu cầu nhập khẩu và các yêu cầu bảo vệ thực vật tương đồng với Việt Nam vẫn có ở hầu hết các thị trường như ASEAN, Nhật, Mỹ, EU… Ngoài ra, các doanh nghiệp cũng nên chú trọng đẩy mạnh tiêu thụ nội địa, đặc biệt với các doanh nghiệp như Dalat Hasfarm có khá nhiều chi nhánh ở các địa phương.

Duy Anh