Quy ước gắn với đời sống làng xã
Trò chuyện về “Hương ước làng xã Bắc Bộ Việt Nam: một số vấn đề liên quan tới đình làng”, PGS.TS. Bùi Xuân Đính, nguyên Trưởng phòng Tộc người Việt, Viện Dân tộc học thuộc Viện hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam cho biết, hương ước được hiểu nôm na là văn bản ghi lại những tục lệ, quy định được cộng đồng làng xã tuân thủ từ nhiều đời, giúp điều chỉnh các mối quan hệ xã hội và các hoạt động của đời sống.
Theo PGS.TS. Bùi Xuân Đính, hương ước bắt nguồn từ các quy ước truyền miệng, được hình thành trong quá trình phát triển của các cộng đồng dân cư, như quy ước về bảo vệ an ninh trật tự, ăn ở, đi lại, cư xử, về sản xuất... Ban đầu những quy ước đơn giản, số lượng ít; nhưng dần dần dân cư đông, tổ chức xã hội nhiều hơn, mối quan hệ xã hội cũng phong phú hơn thì quy ước ngày càng tăng về số lượng. Bởi vậy, từ thế kỷ XV trở lại đây, hương ước làng xã người Việt cổ truyền, trong đó phổ biến là ở vùng đồng bằng và trung du Bắc Trung Bộ, đã được văn bản hóa. Tuy nhiên, không phải văn bản hóa tất cả tục lệ, quy ước, mà nội dung hương ước chỉ tập trung vào một số khía cạnh thiết thân nhất với làng xã, các mặt chính của đời sống xã hội.
Dành thời gian nghiên cứu hương ước từ những năm 1980 đến nay, nhà nghiên cứu Bùi Xuân Đính cho biết, trước Cách mạng tháng Tám 1945, đa số làng Việt vùng đồng bằng Bắc Bộ đều có hương ước; nghiên cứu các văn bản này cho thấy đây là nguồn tài liệu có giá trị về văn bản học, sử học, luật học, góp phần dựng lại bức tranh toàn cảnh của làng Việt cổ truyền.
Ngày 16.8.2023, Chính phủ ban hành Nghị định số 61/2023/NĐ-CP về xây dựng và thực hiện hương ước, quy ước của cộng đồng dân cư. Theo đó, việc xây dựng và thực hiện hương ước, quy ước nhằm phát huy vai trò tự quản của cộng đồng dân cư trong giữ gìn trật tự, an toàn xã hội, bảo vệ tài nguyên thiên nhiên, môi trường gắn với thực hiện dân chủ ở cơ sở, góp phần tích cực hỗ trợ việc quản lý nhà nước bằng pháp luật; bảo vệ, giữ gìn, phát huy các giá trị văn hóa truyền thống, phong tục, tập quán tốt đẹp; hạn chế và từng bước loại bỏ phong tục, tập quán lạc hậu; xây dựng nếp sống văn minh trong cộng đồng dân cư.
Hương ước có trước cuộc Cải lương hương chính năm 1921 đều do các làng tự soạn thảo; do vậy, chúng đa dạng về tên gọi, cách trình bày, số lượng điều và nội dung phản ánh. Hương ước gồm nhiều điều khoản, phản ánh nhiều nội dung, nhưng tựu chung là các quy ước liên quan đến thiết chế tổ chức xã hội và quan hệ xã hội; bảo vệ an ninh cộng đồng; bảo đảm đời sống tâm linh, thờ cúng; quy ước bảo đảm nghĩa vụ sưu thuế với nhà nước và một số khía cạnh khác như lập quỹ nghĩa thương, khuyến học, cứu tế, tương trợ...
Từ tháng 8.1921 - 8.1945 là giai đoạn rất quan trọng trong lịch sử phát triển làng xã, khi người Pháp thực hiện chủ trương Cải lương hương chính. Để hỗ trợ cuộc cải lương này, họ đưa ra bản hương ước mẫu để các làng tự vận dụng soạn thảo, mỗi bản hương ước có 2 phần: phần chính trị, gồm tổ chức làng xã theo ý định quản lý của người Pháp và phần phong tục. Có những làng bên cạnh bản theo hương ước mẫu vẫn soạn thảo bản hương ước riêng của làng.
Kế thừa giá trị tích cực của hương ước
Là “cương lĩnh về nếp sống” của từng cộng đồng cư dân Việt ở nông thôn, hương ước được các thế hệ trong làng tuân thủ nghiêm túc và trở thành công cụ quan trọng để quản lý làng xã, góp phần hình thành nhiều đức tính quý báu ở người dân, trở thành truyền thống tốt đẹp.
Qua biến đổi của lịch sử, hương ước của nhiều làng xã đã không còn được sử dụng, nhiều hoạt động cư dân thay đổi bằng các quy định mới. Để kế thừa những giá trị tích cực của hương ước, nhiều làng cũng soạn thảo hương ước cho phù hợp với đời sống mới.
Dù vậy, theo TS. Trần Hữu Sơn, nguyên Phó Chủ tịch Hội Văn nghệ dân gian Việt Nam, vấn đề xây dựng hương ước theo tiêu chuẩn danh hiệu làng văn hóa có biến đổi và nảy sinh nhiều bất cập. Trước hết, bản hương ước đều do cán bộ Tư pháp xã soạn thảo theo các nội dung chung chung, vận dụng vào thôn bản, buôn làng nào cũng được. Phần lớn các văn bản này có nội dung nghèo nàn, nhắc lại pháp luật và chủ trương chính sách của nhà nước, nội dung na ná nhau, không sát thực với đời sống và đặc điểm của từng làng; văn bản còn nặng tính hô hào, khẩu hiệu; hiệu lực của hương ước không cao. Đây là những nội dung cần quan tâm trong quá trình soạn thảo hương ước mới, nhằm phản ánh đúng nguyện vọng, yêu cầu quản lý xã hội, đi vào đời sống của người dân.
Trong tiến trình xây dựng nông thôn mới, việc xây dựng hương ước, quy ước phải xuất phát từ nhu cầu của người dân, dựa trên sự thống nhất, phát huy sự chủ động của các cộng đồng làng trong việc soạn thảo; đề cao mối quan hệ của các cá nhân trong cộng đồng làng; tôn trọng tính đa dạng văn hóa của cộng đồng dân cư. Hương ước dựa trên quy chuẩn chung nhưng vẫn phải bảo đảm tính riêng biệt của từng làng, phù hợp với đạo đức xã hội, phong tục, tập quán tốt đẹp, góp phần bảo vệ, giữ gìn, phát huy các giá trị văn hóa truyền thống; góp phần xây dựng các giá trị văn hóa mới, quy tắc ứng xử văn minh, phù hợp với đặc điểm tình hình của cộng đồng dân cư.