Ông đã có nhiều triển lãm ở trong và ngoài nước, tác phẩm xuất hiện trong nhiều sưu tập cá nhân. Sau tròn 10 năm sống và làm việc ở Thụy Điển, cuối năm 2022, ông trở về tổ chức triển lãm tại Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh, giới thiệu một “Công Quốc Hà mới” sau những trải nghiệm, va đập cảm xúc ở xứ người. Quan sát, tham gia đời sống mỹ thuật tại Việt Nam hiện nay, ông nhận thấy có nhiều đổi thay tích cực.
Không ngừng làm mới chính mình
- Nghệ thuật của “Công Quốc Hà mới” như thế nào, thưa ông?
“Tôi tiếc khi Việt Nam chưa có sự kiện nghệ thuật nào mang tính giao lưu quốc tế toàn cầu như EuropArtfair. Đây là cơ hội mở rộng giao lưu giữa các nghệ sĩ Việt Nam với bạn bè, đồng nghiệp quốc tế; đồng thời giúp công chúng Việt Nam hiểu hơn về nghệ thuật khi được tiếp cận tác phẩm của các họa sĩ quốc tế ngay tại đất nước mình. Việt Nam có lực lượng họa sĩ và nghệ sĩ điêu khắc rất giỏi. Tôi mong ước trong tương lai gần, ý tưởng này sẽ trở thành hiện thực, nhất là khi chúng ta chủ trương phát triển công nghiệp văn hóa”.
Họa sĩ Công Quốc Hà
- Suốt cuộc đời tôi, không có công việc chính nào quan trọng hơn là sáng tác và “bôi vẽ”. Và tôi luôn nỗ lực phát triển chính mình, thích ứng với nhịp sống thời đại mà vẫn giữ được cái “tôi” của Công Quốc Hà. Công Quốc Hà tôi có lẽ được nhắc đến nhiều như một họa sĩ thành công với chất liệu sơn mài. Không ai có thể phủ nhận vẻ đẹp huyền ảo của sơn mài, song với tôi, chất liệu chỉ là phương tiện truyền tải cảm xúc. Quan trọng là nghệ sĩ cứ sống đến tận cùng, trung thực với cảm xúc cá nhân thì tất yếu cái hiện đại, bản sắc riêng sẽ được thể hiện thành công trong từng tác phẩm. Vì lẽ đó, tôi không câu nệ chọn lựa chất liệu khi vẽ, mà vẽ theo cảm xúc. Và đến hôm nay, tôi có thể tự hào khẳng định đã thành công với nhiều chất liệu, từ cắt giấy, đồ họa, acrylic, sơn dầu, sơn mài… Tôi đã tạo được một không gian hội họa Công Quốc Hà trong lòng người yêu nghệ thuật.
Cái mới ở đây là về tư tưởng. 10 năm sống ở nước ngoài, tôi được trải nghiệm cuộc sống mới, gặp gỡ nhiều họa sĩ lớn của thế giới, tham gia các triển lãm quốc tế... từ đó làm mới chính mình trong quá trình sáng tạo. Vẫn là những đề tài mình hằng theo đuổi như phố hay thiếu nữ Hà Nội nhưng có cách nhìn mới, trẻ trung, lạc quan và nhiều màu sắc hơn. Giữ được phong cách riêng nhưng phải vượt qua chính mình, đó mới là điều khó nhưng cũng là đòi hỏi của người yêu nghệ thuật đối với nghệ sĩ.
- Một nửa số tác phẩm của ông thuộc sở hữu của các nhà sưu tập nước ngoài. Điều gì khiến các nhà sưu tập nước ngoài quan tâm đến tranh của Công Quốc Hà như vậy?Phải chăng là phong cách riêng song luôn được làm mới đó?
- Có lẽ họ nhận ra “chất” Việt Nam. Tranh của tôi rất Á nhưng nhìn ra ngay Việt Nam, chứ không lẫn với Trung Quốc, Nhật Bản hay Lào... Không phải mình tạo ra được tính dân tộc mà trong tác phẩm hình thành một cách tự nhiên, có thể qua thần thái, trang phục của nhân vật. Ví dụ như tà áo dài chắc chỉ Việt Nam có, thanh thoát, toát lên vẻ đẹp của phụ nữ Việt Nam, giản dị nhưng nền nã. Không hiếm gặp trong nhiều triển lãm ở nước ngoài, trưng bày cùng với tranh của các họa sĩ quốc tế, tôi thấy tự hào khi rất đông khán giả chú ý xem tranh của mình, cho thấy sự đón nhận một khác biệt về văn hóa.
Bản sắc làm nên khác biệt
- “Chất” Việt Nam ấy, theo ông, trong bối cảnh toàn cầu hóa, hội nhập quốc tế sâu rộng, quan trọng ra sao?
- Thế giới càng phẳng thì bản sắc sẽ làm nên khác biệt. Sống trong môi trường quốc tế tôi càng thấy yêu hơn những cái mình có. Đó là Hà Nội nghìn năm văn hiến, nơi tôi đã sinh ra, lớn lên và trưởng thành với những con người hào hoa, thanh lịch, tất cả ngấm vào tôi, trở thành một giá trị tinh thần quý giá. Vì thế, cho dù sống ở nước ngoài, tôi vẫn vẽ về phố Hà Nội, thiếu nữ Hà Nội mà không bị “Tây hóa”. Hội nhập để lớn lên, phát triển, chứ không để bị hòa tan. Nghệ sĩ bản lĩnh phải làm được việc đó.
- Ông thấy các họa sĩ Việt Nam hiện nay có ý thức được điều đó không?
- Với việc internet phát triển, các họa sĩ Việt Nam có điều kiện tiếp cận thông tin toàn cầu nhiều chiều, từ đó có cái nhìn mang tính quốc tế, tư duy sáng tạo cởi mở hơn, và tôi nghĩ rằng họ cũng có ý thức về bản sắc. Đây là điều rất tốt. Tuy vậy, tôi cảm giác ở Việt Nam chưa có nhiều triển lãm cá nhân, hay tổ chức triển lãm nhóm hay triển lãm tập thể hơn, mà triển lãm nhóm thì thường có sự nhượng bộ, thỏa hiệp để hài hòa với nhau. Giống như ca sĩ, hát vài bài thì dễ nhưng để đứng được một chương trình solo phải có đủ khả năng thuyết phục hàng nghìn người nghe. Vì thế, các họa sĩ cần mạnh dạn tổ chức triển lãm cá nhân để bộc lộ hết khả năng sáng tạo của mình.
Nhu cầu mỹ thuật ngày càng lớn
- Sau 10 năm trở về quê hương, ông thấy đời sống mỹ thuật Việt Nam thay đổi nhiều không?
- Trong mấy tháng tôi ở Việt Nam, không tuần nào không có khai mạc triển lãm, cả lớn lẫn nhỏ, từ bảo tàng đến gallery tư nhân, cho thấy đời sống mỹ thuật rất sôi động, nhất là ở Thủ đô Hà Nội. Thực tế này phản ánh sự phát triển của kinh tế - xã hội, sự cởi mở của quản lý nhà nước và cách nhìn nhận của xã hội về nghệ thuật. Khi xã hội phát triển, nhu cầu tiếp cận cũng như tiếp nhận nghệ thuật ngày càng lớn, cho cả các công trình công cộng và các tòa nhà, căn hộ riêng. Rõ ràng phải có hiệu quả kinh tế thì họa sĩ mới tham gia nhiều triển lãm như thế. Qua trao đổi, chia sẻ với một số họa sĩ, họ rất phấn khởi vì điều kiện sáng tác ngày càng tốt hơn, các đơn vị tổ chức triển lãm chuyên nghiệp hơn, góp phần giới thiệu tác phẩm tới công chúng hiệu quả hơn.
- Nhu cầu mua tranh sẽ thúc đẩy sáng tác mạnh mẽ hơn. Nhưng cũng có ý kiến cho rằng, mua tranh chưa chắc đã biết chơi tranh?
- Cái đấy bắt buộc phải qua một quá trình tự đào thải, người dân mua tranh rồi cũng hiểu biết dần dần chứ không thể nào biết ngay được. Có một thực tế là bây giờ nhiều gia đình Việt Nam cho con học trường quốc tế, mà trong các trường quốc tế đa phần học sinh được học cả nhạc lẫn họa. Không phải cháu nào cũng sẽ thành nhạc sĩ, họa sĩ, nhưng việc được học bài bản từ sớm như thế, sẽ tạo ra những thế hệ người Việt Nam yêu nghệ thuật, và các cháu lớn lên sẽ trở thành hạt nhân sáng tạo và sử dụng nghệ thuật. Đấy là tác động lành mạnh nhất, đúng nhất để thúc đẩy mỹ thuật Việt Nam phát triển.
- Xin cảm ơn ông!