Bảo đảm giao thông an toàn, bền vững

- Thứ Ba, 07/05/2024, 19:30 - Chia sẻ

Phát triển hệ thống giao thông bảo đảm an toàn, thông suốt, đáp ứng nhu cầu đi lại của người dân và gắn chặt với gìn giữ môi trường... là những vấn đề đang được quan tâm khi xây dựng dự thảo Luật Trật tự an toàn giao thông đường bộ và Luật Đường bộ.

Có chính sách can thiệp với đối tượng tham gia giao thông thụ động

Tại tọa đàm “Phát triển giao thông bền vững tại Việt Nam trong bối cảnh mới”, do Báo Đại biểu Nhân dân tổ chức chiều 7.5, Ủy viên Thường trực Ủy ban Kinh tế Phan Đức Hiếu cho rằng: nhóm đối tượng người yếu thế gồm: đối tượng trẻ em, người bị hạn chế về thể chất khi tham gia giao thông. Đây là đối tượng tham gia giao thông thụ động, do đó, khi tham gia giao thông, sự an toàn phụ thuộc vào người khác. Thực tế này, đòi hỏi cần có chính sách can thiệp đối với các bên có liên quan để bảo vệ nhóm đối tượng yếu thế khi tham gia giao thông. 

Bảo đảm giao thông an toàn, bền vững
Ủy viên Thường trực Ủy ban Kinh tế Phan Đức Hiếu phát biểu tại tọa đàm

Cùng chung quan điểm này, các diễn giả đề xuất nhiều giải pháp bảo vệ nhóm yếu thế khi tham gia giao thông, góp ý trực tiếp về nội dung này đối với dự thảo Luật Trật tự an toàn giao thông đường bộ, như thiết bị an toàn cho trẻ em phù hợp, về quy tắc tham gia giao thông khi trên xe chở trẻ em; bảo đảm trật tự, an toàn giao thông đối với xe ô tô chở học sinh, trẻ em mầm non…

Theo đó, nhằm bảo đảm an toàn cho trẻ em khi tham gia giao thông, dự thảo Luật Trật tự an toàn giao thông đã có quy định về việc sử dụng thiết bị an toàn cho trẻ em. Cụ thể, dự thảo Luật Trật tự an toàn giao thông quy định: khi chở trẻ em dưới 10 tuổi và chiều cao dưới 1,35m trên xe ô tô mà không có người lớn ngồi cùng, người lái xe phải sử dụng, hướng dẫn sử dụng thiết bị an toàn cho trẻ em phù hợp.

Hiện cũng còn ý kiến khác nhau về giới hạn lứa tuổi, chiều cao của trẻ buộc phải sử dụng thiết bị an toàn khi tham gia giao thông. Có ý kiến đề xuất: trẻ em dưới 12 tuổi và cao dưới 1,50m phải được chở bằng thiết bị an toàn trên xe ô tô dành cho trẻ em phù hợp với tuổi, chiều cao của trẻ để có thể bảo vệ tốt nhất cho trẻ.

Về vấn đề này, ông Phan Đức Hiếu cho rằng, cần cân nhắc thông lệ tốt nhất ở thực tiễn Việt Nam về hình thể, ví dụ như yêu cầu về thiết bị an toàn trên xe ô tô cho đối tượng 1,35m hay 1,50m, và cân nhắc tính khả thi của quy định này. Ông Hiếu gợi ý, dự thảo luật quy định tối thiểu, nhưng vì sự an toàn của trẻ, bố mẹ và các bên liên quan có thể bố trí thêm các thiết bị an toàn, không hạn chế về lứa tuổi hay chiều cao.

Dẫn chiếu quy định tại dự thảo Luật Trật tự an toàn giao thông đường bộ và dự thảo Luật Đường bộ, ông Phan Đức Hiếu cũng đề nghị bổ sung xem xét quy định về điều kiện kinh doanh với xe ô tô chở học sinh, trẻ em mầm non đến trường học…

Phát triển hệ thống giao thông "xanh", “bền vững” 

Trong bối cảnh biến đổi khí hậu ngày càng khắc nghiệt thì phát triển hệ thống giao thông xanh, bền vững là yêu cầu tất yếu. Các quốc gia trên thế giới, trong đó có Việt Nam, đang nỗ lực giảm phát thải khí nhà kính và thực thi hàng loạt giải pháp nhằm bảo vệ môi trường. Trong bối cảnh đó, dự thảo Luật Đường bộ đã có những quy định, chính sách nhằm phát triển giao thông xanh, bền vững.

Về chính sách phát triển đối với hoạt động đường bộ, dự thảo Luật Đường bộ quy định “tập trung các nguồn lực phát triển kết cấu hạ tầng đường bộ hiện đại, thích ứng với biến đổi khí hậu, thân thiện với môi trường”; “phát triển giao thông thông minh; ưu tiên phát triển vận tải hành khách công cộng bằng xe buýt và các phương tiện giao thông công cộng khác”…

Bảo đảm giao thông an toàn, bền vững -0
Hướng đến mục tiêu giao thông xanh. Nguồn: laodongthudo.vn

Ông Phan Đức Hiếu chia sẻ: dự thảo Luật Đường bộ với hai từ khóa “bền vững”, “xanh” thì có nhiều quy định liên quan, ví dụ, hệ thống giao thông đèn thông minh hay triển khai thu phí không dừng giúp các phương tiện giao thông giảm thời gian dừng đỗ, giảm khí thải; hoặc kết cấu giao thông phù hợp giúp giảm đi lòng vòng; về tốc độ khai thác, đường cao tốc khai thác nhanh cũng gia tăng tai nạn, nhưng chậm quá cũng không hiệu quả, gia tăng khí thải...

Nhiều ý kiến cho rằng cần có cách tiếp cận tổng thể, dự thảo Luật Đường bộ không chỉ quy định về kết cấu hạ tầng mà cần có các quy định về điều kiện kinh doanh vận tải đường bộ nhằm thúc đẩy hoạt động kinh tế, đáp ứng nhu cầu nguyện vọng chính đáng của người dân. Qua đó, sẽ góp phần cho giao thông phát triển bền vững. Chẳng hạn, nếu các loại hình vận tải đáp ứng nhu cầu của người dân sẽ khuyến khích người tham gia giao thông sử dụng phương tiện giao thông công cộng nhiều hơn, giảm phương tiện cá nhân…

Là đại biểu Quốc hội, ông Phan Đức Hiếu cho biết sẽ nghiên cứu kỹ quy định về điều kiện kinh doanh vận tải đường bộ cũng như các quy định khác trong dự thảo, từ đó, có những đóng góp ý kiến nhằm tiếp tục hoàn thiện dự thảo luật..

Ng. Phương
#