Chiều 31.12, tại Bảo tàng Dân tộc học Việt Nam diễn ra chương trình giao lưu với người Chăm chủ đề “Ngôi nhà truyền thống và những biến đổi hiện nay”. Chương trình có sự tham gia của nhóm cộng đồng Chăm sửa nhà tại Bảo tàng Dân tộc học Việt Nam, cán bộ nghiên cứu và những người quan tâm tìm hiểu về dân tộc Chăm.
Khuôn viên nhà người Chăm tại khu ngoài trời của Bảo tàng Dân tộc học Việt Nam được thực hiện theo phương pháp ghép từ các ngôi nhà chủ thể đang sống để phục dựng khuôn viên hoàn chỉnh, thể hiện kiến trúc và lối sống đặc sắc của người Chăm. Đến nay, một số phần của các ngôi nhà đã bị hư hỏng nên nhóm đồng bào Chăm ở thị trấn Phước Dân, huyện Ninh Phước, Ninh Thuận, được mời về Bảo tàng để tu sửa công trình này.
Ông Đàng Chí Quyết, trưởng nhóm sửa nhà người Chăm tại Bảo tàng Dân tộc học Việt Nam cho biết: “Về đây chúng tôi rất xúc động như trở về chính ngôi nhà của ông bà, tổ tiên của mình ở cách đây mấy chục năm. Chúng tôi mong muốn gìn giữ kiến trúc ông cha người Chăm để lại. Hiện nay tại Ninh Thuận còn rất ít ngôi nhà truyền thống như vậy, thay vào đó là những ngôi nhà bê tông cốt thép, và để làm được nhà truyền thống đòi hỏi kinh phí rất lớn”.
Cũng theo ông Quyết, dù có biến đổi về kiến trúc, không gian nhưng người Chăm vẫn giữ truyền thống, văn hóa tâm linh, các nghi lễ, lễ hội…
TS. Bùi Ngọc Quang, Phó Giám đốc phụ trách Bảo tàng Dân tộc học Việt Nam cho biết, hiện nay trong không gian ngoài trời của Bảo tàng tạo dựng 10 công trình kiến trúc dân gian đặc trưng, gồm các kiến trúc tiêu biểu của văn hóa vùng. Quan điểm của Bảo tàng là nghiên cứu, sưu tầm công trình kiến trúc dân gian ngay trong cộng đồng, qua đó tạo dựng, tái hiện từng viên ngói, gốc cây như không gian vốn có trong cộng đồng.
Qua thời gian, ngay trong cộng đồng, ngôi nhà truyền thống tồn tại vô cùng ít. Có thể thấy, Bảo tàng gìn giữ bản sắc, bảo tồn văn hóa dân tộc; qua đó, tác động ngược trở lại, để cộng đồng nhìn nhận chân giá trị và mang các giá trị truyền thống trở lại đời sống.
Trong khuôn khổ chương trình, đại diện cộng đồng Chăm, nhà nghiên cứu chia sẻ về biến đổi trong không gian sống của người Chăm và những thách thức trong quá trình bảo tồn, phục dựng nhà Chăm; những nét đặc sắc trong phong tục tập quán của người Chăm; trình diễn hát múa truyền thống, hòa tấu nhạc cụ dân tộc…