ĐBQH H`Yim Kđoh (Đăk Lăk): Việc bồi dưỡng kiến thức quốc phòng, an ninh phải tương xứng với vị trí, chức vụ và đối tượng đảm nhiệm
Tôi băn khoăn một số vấn đề trong việc triển khai giảng dạy tại các trường tiểu học, trung học cơ sở. Thứ nhất là về đội ngũ giáo viên, thực tế hiện nay giáo viên chưa được đào tạo, bồi dưỡng để phục vụ cho công tác giảng dạy về quốc phòng, an ninh mà hầu như giáo viên chỉ thực hiện giảng dạy qua sách giáo khoa, tài liệu nên kết quả đạt được chưa cao, chưa thực sự quan tâm đúng mức. Thứ hai, nội dung chương trình giảng dạy cũng chưa quy định một cách rõ ràng, cụ thể về thời gian và cách thức lồng ghép với các môn học khác. Thứ ba, về cơ sở vật chất vẫn còn thiếu thốn, đặc biệt là vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Cho nên, tôi mong luật sớm được thông qua và ban hành vì việc quy định trong luật là cần thiết để có cơ sở định hướng hợp lý về nội dung chương trình tránh sự quá tải đối với học sinh, biên soạn sách giáo khoa, đào tạo bồi dưỡng giáo viên. Đặc biệt cơ quan soạn thảo cũng cần có sự nghiên cứu quy định và có chính sách riêng cho giáo viên, học sinh ở vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số.
Điều 14 của dự thảo Luật liệt kê rất nhiều đối tượng thuộc diện phải bồi dưỡng kiến thức quốc phòng, an ninh. Mặc dù Chỉ thị số 12 của Bộ Chính trị đã yêu cầu việc bồi dưỡng kiến thức quốc phòng, an ninh là tiêu chuẩn bắt buộc đối với cán bộ Đảng viên là một trong những tiêu chí xem xét bổ nhiệm cán bộ. Tuy nhiên, việc mở rộng đối tượng như quy định trong dự thảo Luật cần phải được cân nhắc, xem xét một cách cẩn trọng. Tôi cho rằng việc bồi dưỡng kiến thức quốc phòng, an ninh phải tương xứng với vị trí, chức vụ và đối tượng đảm nhiệm. Hơn nữa, trên thực tế số lượng đối tượng theo như quy định của dự thảo Luật là rất nhiều, khi bồi dưỡng kiến thức quốc phòng, an ninh lại được hưởng nguyên lương phụ cấp, xa nơi cư trú được bố trí nơi ăn nghỉ, hỗ trợ phương tiện hoặc thanh toán tiền tàu xe một lần đi, về, hỗ trợ tiền ăn do ngân sách Nhà nước bảo đảm theo quy định tại Khoản 1, Điều 17. Việc mở rộng đối tượng bồi dưỡng kiến thức quốc phòng, an ninh còn kéo theo sự gia tăng về số lượng giảng viên giảng dạy cơ sở đào tạo kinh phí cho số giảng viên và cơ sở này cũng tăng lên. Như vậy, liệu nguồn ngân sách Nhà nước có bảo đảm không mà chưa hẳn đem lại hiệu quả thiết thực. Do đó, tôi đề nghị cơ quan soạn thảo cần cân nhắc và quy định rõ, hợp lý hơn việc phân cấp trong công tác bồi dưỡng kiến thức quốc phòng - an ninh cho từng đối tượng.
Đối với việc bồi dưỡng kiến thức quốc phòng cho người quản lý doanh nghiệp ngoài nhà nước, đơn vị sự nghiệp ngoài công lập tại Điều 15, theo tôi, việc bồi dưỡng nâng cao kiến thức quốc phòng, an ninh cho những đối tượng này là cần thiết. Tuy nhiên, đề nghị xem xét tính khả thi của quy định này vì số lượng đối tượng này trên thực tế là rất lớn. Hơn nữa vai trò và tính chất công việc cũng rất khác nhau, có những doanh nghiệp có hàng nghìn lao động nhưng có người chỉ quản lý cơ sở gồm vài ba nhân công. Do đó với những đối tượng này theo tôi chỉ nên quy định việc phổ biến kiến thức quốc phòng, an ninh bằng những phương pháp thích hợp như đối với những công dân khác.
Khoản 1, Điều 16 dự thảo Luật quy định: "Nhà nước tổ chức bồi dưỡng kiến thức quốc phòng - an ninh cho chức sắc, nhà tu hành, các tôn giáo với nội dung và hình thức thích hợp" cũng cần cân nhắc thật kỹ. Vì đối tượng này đều có những đặc thù riêng trong sinh hoạt, rất khó cho cơ quan quản lý và đối tượng thực hiện khi được triệu tập, đặc biệt là việc bố trí chỗ ăn, nghỉ, sinh hoạt cho họ. Do vậy, đề nghị cơ quan soạn thảo cần cân nhắc kỹ hơn trước khi quy định trong luật để bảo đảm tính hợp lý và mang tính khả thi cao hơn.
ĐBQH Nguyễn Xuân Thủy (Phú Thọ): Viên chức cũng phải đối tượng được bồi dưỡng kiến thức quốc phòng, an ninh
Điểm b, Khoản 1, Điều 9, đối tượng được miễn môn giáo dục quốc phòng, an ninh quy định người đã tốt nghiệp các trường cao đẳng trở lên của lực lượng vũ trang nhân dân là không phù hợp. Trên thực tế hiện nay, các trường cao đẳng thuộc lực lượng vũ trang nhân dân hoặc các cơ sở giáo dục có đào tạo hệ cao đẳng cho lực lượng vũ trang nhân dân rất ít, chủ yếu và hầu hết là các trường trung cấp hoặc trung cấp nghề thuộc Bộ Quốc phòng hoặc Bộ Công an. Học viên tại các trường này được đào tạo khá chuẩn về kiến thức giáo dục quốc phòng, an ninh, vừa được đào tạo về lý luận, thực tiễn có thể nói là rất chính quy, khi ra trường muốn nâng cao trình độ hoặc chuyển đổi nghề nghiệp tại các cơ sở giáo dục khác lại phải học lại kiến thức đã học là không phù hợp và không thỏa đáng. Vì vậy, đề nghị sửa Điểm b, Khoản 1, Điều 9 như sau: Đối tượng được miễn môn giáo dục quốc phòng, an ninh là người đã tốt nghiệp các trường trung cấp, trung cấp nghề trở lên của lực lượng vũ trang nhân dân vào học trong các trường trung cấp chuyên nghiệp, trung cấp nghề, cao đẳng nghề và cao đẳng đại học.
Điểm a, Khoản 3, Điều 14 quy định về đối tượng được bồi dưỡng kiến thức quốc phòng, an ninh, đề nghị thêm đối tượng viên chức với các lý do sau: thứ nhất, đối tượng viên chức có số lượng lớn trong hệ thống các cơ quan nhà nước như viên chức y tế, viên chức giáo dục... Những đối tượng này cần được quan tâm bồi dưỡng về kiến thức quốc phòng, an ninh. Đối với viên chức y tế, nếu được bồi dưỡng kiến thức về an ninh, quốc phòng không những nắm được tình hình an ninh, quốc phòng của đất nước mà còn chuẩn bị các chức năng về cấp cứu, khám, chữa bệnh trong tình hình đất nước xảy ra chiến tranh. Thứ hai, nếu Khoản 3, Điều 14 không quy định thêm đối tượng viên chức thì mâu thuẫn với Khoản 4 điều này, bởi vì Khoản 4 quy định tiêu chuẩn bắt buộc đối với cán bộ công chức, viên chức, tiêu chí để xét bổ nhiệm cán bộ lãnh đạo quản lý trong các cơ quan tổ chức của nhà nước. Vì vậy, đề nghị sửa Điểm a, Khoản 3, Điều 14 như sau: đối tượng bồi dưỡng gồm cán bộ công chức, viên chức.
Khoản 4, Điều 19 về hình thức phổ biến quốc phòng, an ninh toàn dân có quy định lồng ghép phổ biến kiến thức quốc phòng, an ninh cả trong lễ chào cờ. Về quy định này, tôi đề nghị Ban soạn thảo cân nhắc và xem xét lại.
Về nội dung và điều kiện giáo viên và giảng viên giáo dục quốc phòng, an ninh tại Khoản 1, 2, Điều 23. Theo tôi quy định Khoản 1, 2 Điều 23 là trùng nhau, vì vậy có thể gộp hai khoản này thành một khoản và sửa lại như sau: giáo viên, giảng viên quốc phòng, an ninh có bằng cử nhân giáo dục quốc phòng, an ninh hoặc bằng tốt nghiệp đại học trở lên và có các chứng chỉ điều kiện thì được làm công tác giảng dạy. Quy định tiêu chuẩn giáo viên, giảng viên về quốc phòng, an ninh như trên là phù hợp. Tuy nhiên, tôi băn khoăn là Khoản 2, Điều 23 lại trái với quy định của Luật Giáo dục đại học vừa được thông qua tại Kỳ họp thứ Ba. Luật Giáo dục đại học quy định trình độ chuẩn của chức danh giảng viên đại học là từ thạc sỹ trở lên, theo tôi, quy định này khó thực hiện và không phù hợp với tình hình hiện nay. Hiện nay theo thống kê của Bộ GD – ĐT, năm 2011 có khoảng hơn 60% giảng viên có trình độ thạc sỹ trở lên – đó là tính trung bình. Còn các trường đại học địa phương thì tỷ lệ này lại rất thấp, trong khi đó dự thảo Luật lại quy định: giảng viên giáo dục quốc phòng, an ninh ở trường đại học có bằng cử nhân giáo dục quốc phòng, an ninh hoặc bằng tốt nghiệp đại học trở lên.
Một vấn đề nữa là dự thảo Luật chưa quan tâm đúng mức vai trò của các cán bộ, chiến sỹ công an hoặc vai trò của Bộ Công an trong công tác giáo dục quốc phòng, an ninh.
ĐBQH Nguyễn Thị Khá (Trà Vinh): Thành lập trung tâm giáo dục quốc phòng và an ninh như thế nào cho thiết thực, hiệu quả
Giáo dục quốc phòng, an ninh là một bộ phận của nền giáo dục quốc dân, là một nội dung quan trọng trong củng cố xây dựng nền quốc phòng toàn dân gắn với thế trận an ninh nhân dân, nhằm nâng cao nhận thức cho mọi tầng lớp nhân dân cũng như trách nhiệm của toàn xã hội trong việc xây dựng, bảo vệ an ninh Tổ quốc nên việc ban hành Luật Giáo dục quốc phòng, an ninh là cần thiết.
Về tên gọi của luật, đề nghị Ban soạn thảo xem xét lấy tên là Luật Giáo dục quốc phòng và an ninh. Cụm từ này đã được sử dụng trong Hiến pháp và hai nội dung quốc phòng và an ninh là hai lĩnh vực độc lập, nhưng gắn kết với nhau, nhằm thúc đẩy giữa bảo vệ và xây dựng Tổ quốc, gắn kết chặt chẽ với việc giữ vững sự ổn định chính trị, trật tự, an toàn xã hội, tạo điều kiện thuận lợi cho sự phát triển KT – XH của đất nước.
Điều 8, đề nghị Ban soạn thảo nghiên cứu, cân nhắc, nên thành lập trung tâm giáo dục quốc phòng và an ninh như thế nào cho thiết thực, hiệu quả, tiết kiệm trong tình hình KT – XH như hiện nay và những năm sắp tới, với đặc thù của từng đối tượng, tỉnh, thànhv phố, vùng, miền cho phù hợp theo thẩm quyền. Điều đó cũng liên quan mật thiết với Mục 1, Chương V về giáo viên, giảng viên, báo cáo viên. Đề nghị Ban soạn thảo cân nhắc phù hợp với mối quan hệ tương ứng, để có tính khả thi như trung tâm, giáo viên, chế độ đặc thù cho giáo viên như thế nào để phù hợp với từng mô hình.
Về bồi dưỡng kiến thức quốc phòng cho đối tượng trong cơ quan, tổ chức Nhà nước, tổ chức chính trị xã hội, tổ chức xã hội Điều 14, Khoản 1, kết quả bồi dưỡng là một trong những tiêu chí để xem xét, bổ nhiệm cán bộ lãnh đạo quản lý trong cơ quan, tổ chức Nhà nước. Đề nghị Ban soạn thảo nghiên cứu tiêu chí này để cho thống nhất và tránh chồng chéo với một số luật khác, ví dụ như Luật Tổ chức Quốc hội, Luật Tổ chức HĐND, UBND, vấn đề đối tượng được bầu và phê chuẩn, tiêu chí xem xét, bổ nhiệm công chức vào chức danh lãnh đạo, quản lý thuộc phạm vi điều chỉnh của Luật Cán bộ, công chức khi được đề bạt, bổ nhiệm chức danh nào thì sẽ được bồi dưỡng học tập lớp đối tượng tương ứng như trước nay đã làm, tức là do tổ chức quyết định cá nhân đó không thể xin đi mà cũng không thể không đồng ý đi. Về bồi dưỡng kiến thức quốc phòng và an ninh cho người quản lý doanh nghiệp ngoài nhà nước, đơn vị sự nghiệp ngoài công lập Điều 15, đề nghị nên quy định chung về nguyên tắc phân loại doanh nghiệp dựa trên tiêu chí về quy mô, tính chất, số lượng lao động và mức độ ảnh hưởng đối với xã hội để làm căn cứ giao Chính phủ quy định hình thức giáo dục quốc phòng và an ninh cho phù hợp. Nếu quy định trong luật thì sẽ khó thực thi khi có những biến động ví dụ như sáp nhập, chia tách, giải thể.
Đối với việc bồi dưỡng kiến thức quốc phòng và an ninh cho chức sắc tôn giáo, nhà tu hành Điều 16, đề nghị Ban soạn thảo nghiên cứu thêm. Việc bồi dưỡng kiến thức quốc phòng và an ninh cho đối tượng này rất cần thiết, nhưng đây là một lĩnh vực tế nhị cần được xem xét một cách thận trọng và đồng bộ về đối nội, đối ngoại. Về tên điều luật cũng cần nghiên cứu sửa đổi như sau: "bồi dưỡng kiến thức quốc phòng và an ninh cho người có uy tín tiêu biểu, ảnh hưởng lớn trong cộng đồng dân cư" tức là thể hiện toàn diện cả trong dân tộc và trong tôn giáo. Cụ thể sẽ giao Chính phủ quy định tùy theo tình hình thực tế phù hợp với đối tượng, vì nếu liệt kê thì sẽ không đủ và có những từ ngữ có thể chưa phù hợp. Ví dụ trong tôn giáo sau chức sắc có chức việc, trong dân tộc có già làng, trưởng bản...
Về nhiệm vụ, quyền hạn của các bộ, ngành về giáo dục quốc phòng, an ninh Điều 35, Ban soạn thảo cần nghiên cứu thêm trách nhiệm của các bộ, ngành, địa phương về việc phân tích đối tượng cần được giáo dục ở từng cấp tương ứng với chức danh theo thẩm quyền tức để dự toán ngân sách cho phù hợp, tránh chồng chéo.
ĐBQH Nguyễn Thị Nhung (Khánh Hòa): Tôi băn khoăn một vài nội dung…
Kết quả giám sát của Ủy ban Quốc phòng và An ninh, kết quả tổng kết công tác giáo dục quốc phòng, an ninh 10 năm qua của Chính phủ cho thấy bên cạnh những kết quả đã đạt được rất đáng trân trọng, công tác giáo dục quốc phòng, an ninh đã bộc lộ những yếu kém cần khắc phục. Có nhiều nguyên nhân dẫn đến hạn chế, tồn tại, nhưng nguyên nhân chủ yếu là sự bất cập trong công tác quản lý Nhà nước về giáo dục quốc phòng và an ninh. Tính pháp lý của các văn bản quy định về giáo dục về quốc phòng, an ninh chưa cao, chưa toàn diện để khắc phục bất cập trong công tác giáo dục quốc phòng và an ninh thời gian qua và thể chế hóa quan điểm của Đảng về giáo dục quốc phòng và an ninh, tăng cường tuyên truyền giáo dục tinh thần yêu nước, ý thức trách nhiệm và nghĩa vụ bảo vệ chủ quyền, lợi ích quốc gia, kiến thức quốc phòng, an ninh làm cho mọi người hiểu rõ những thách thức to lớn tác động đến nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc trong điều kiện mới. Do vậy, việc ban hành Luật Giáo dục quốc phòng, an ninh là cần thiết, tạo hành lang pháp lý vững chắc, đồng bộ cho công tác giải quyết quốc phòng và an ninh phù hợp với tình hình thực tiễn Việt Nam, đồng thời đáp ứng yêu cầu hội nhập.
Với những quy định khá cụ thể, luật đã đáp ứng được yêu cầu thực tiễn và có tính khả thi. Nhưng tôi băn khoăn một vài nội dung, mặc dù trong Báo cáo số 3660 ngày 20/11/2012 của Bộ Quốc phòng dự kiến tiếp thu, giải trình ý kiến của ĐBQH cũng đã đề cập. Thứ nhất là tính khả thi về việc xây dựng các trung tâm giáo dục quốc phòng và 100% sinh viên được học tập tại các trung tâm theo quy định tại Điều 8. Tôi băn khoăn về kinh phí xây dựng, quỹ đất xây dựng các trung tâm. Có thể sử dụng các trung tâm cũng như các trường quân sự địa phương hiện có để tránh lãng phí và nguồn lực của các giáo viên ở các trung tâm này cũng như tỷ lệ 100% sinh viên cao đẳng, đại học được học tại các trung tâm. Trong khi số sinh viên cao đẳng đang ngày càng tăng, quy định về trách nhiệm giáo dục quốc phòng, an ninh của các thành viên Mặt trận là quá rộng, không có tính khả thi được quy định tại Điều 38 cũng cần nghiên cứu để có quy định chặt chẽ hơn bảo đảm tính khả thi cao hơn. Dự luật có 6 chương, 42 điều mà có tới 24 điều, khoản giao cho Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, liên bộ, bộ ban hành nghị định, thông tư hướng dẫn. Mặc dù, tôi đánh giá cao Ban biên soạn đã kèm theo hồ sơ dự thảo Nghị định hướng dẫn của Chính phủ, nhưng chắc chắn không tránh khỏi việc luật chờ nghị định, chờ thông tư.
Thứ hai, Điều 14 quy định về việc bồi dưỡng kiến thức quốc phòng, an ninh cho các đối tượng trong các cơ quan, tổ chức nhà nước, tổ chức chính trị, tổ chức chính trị xã hội. Để bảo đảm tính khả thi phù hợp với thực tiễn và không xung đột các luật khác như Luật Tổ chức Quốc hội, Luật Công chức, phù hợp với tinh thần của Đảng, tôi đồng ý với việc phải tăng cường công tác bồi dưỡng kiến thức quốc phòng, an ninh cho cán bộ, công chức, viên chức quản lý. Tuy nhiên, đề nghị bỏ đoạn "từ kết quả bồi dưỡng" cho đến "trường hợp đặc biệt". Như vậy Khoản 1 Điều 14 được thiết kế lại như sau: "Bồi dưỡng kiến thức quốc phòng, an ninh là yêu cầu bắt buộc đối với cán bộ, công chức, viên chức quản lý, người được bổ nhiệm chưa qua bồi dưỡng kiến thức quốc phòng, an ninh phải được tham dự các lớp bồi dưỡng kiến thức quốc phòng, an ninh tương ứng với chức vụ, chức danh đã được bổ nhiệm".
Về bồi dưỡng kiến thức quốc phòng, an ninh cho người quản lý doanh nghiệp ngoài nhà nước, đơn vị sự nghiệp ngoài công lập tôi thống nhất như quy định tại Khoản 1 Điều 15 của dự thảo Luật vì thứ nhất loại hình doanh nghiệp ngoài nhà nước, đơn vị sự nghiệp ngoài công lập có số lượng người lao động khá đông, hoạt động ở vùng biên giới, hải đảo hoặc lĩnh vực hoạt động có liên quan đến quốc phòng, an ninh nên việc bồi dưỡng kiến thức quốc phòng, an ninh cho chủ các cơ sở này là phù hợp. Thứ hai, doanh nghiệp ngoài nhà nước, đơn vị sự nghiệp công lập chỉ chiếm tỷ lệ 9 - 10% tổng số doanh nghiệp và đơn vị sự nghiệp ngoài nhà nước hiện có trên cả nước nên có tính khả thi. Từ thực tiễn giáo dục quốc phòng, an ninh thời gian qua để tổ chức thực thi luật hiệu quả theo tôi nên quy định cụ thể là "Chủ doanh nghiệp ngoài nhà nước, chủ đơn vị sự nghiệp ngoài công lập" thay cho cụm từ "người quản lý".
ĐBQH Phạm Thị Trung (Kon Tum): Quy định rõ ràng, thống nhất chức năng, đối tượng được tổ chức giáo dục, bồi dưỡng tại trung tâm giáo dục quốc phòng, an ninh
Tôi đồng tình với nhiều ý kiến về việc cần làm rõ hơn nội hàm của trung tâm giáo dục quốc phòng, an ninh vì các lý do sau. Trước hết, nội dung giữa các điều, khoản về trung tâm giáo dục quốc phòng, an ninh còn chưa thống nhất. Khoản 7, Điều 3 cho thấy trung tâm giáo dục quốc phòng, an ninh là cơ sở thực hiện nhiệm vụ giáo dục, bồi dưỡng kiến thức quốc phòng, an ninh cho các đối tượng được quy định trong luật. Tại Khoản 2, Điều 8 khẳng định quy hoạch các trung tâm giáo dục quốc phòng, an ninh đáp ứng yêu cầu giáo dục quốc phòng, an ninh cho các đối tượng tại Khoản 3, Điều 8 trong lộ trình lại đề cập sau 5 năm kể từ ngày có hiệu lực các trung tâm sẽ đảm bảo tiếp nhận 100% sinh viên học tại trung tâm. Vậy câu hỏi đặt ra là trung tâm làm chức năng giáo dục hay bồi dưỡng, hay cả hai chức năng giáo dục và bồi dưỡng, trung tâm sẽ là đơn vị cơ sở để tổ chức giáo dục bồi dưỡng cho mọi đối tượng hay chỉ cho sinh viên? Vì vậy, tôi kiến nghị trong dự thảo Luật cần quy định rõ ràng và thống nhất về chức năng và đối tượng được tổ chức giáo dục, bồi dưỡng tại Trung tâm giáo dục quốc phòng, an ninh.
Trước ý kiến băn khoăn về tính khả thi của việc thành lập trung tâm, Ban soạn thảo đã giải trình để bảo đảm mục tiêu Chính phủ đã ban hành Quyết định số 638 và Quyết định số 412 phê duyệt quy hoạch hệ thống trung tâm giáo dục quốc phòng, an ninh. Tuy nhiên, mục tiêu và quy mô của các trung tâm trong các quy hoạch về đề án trên mới chỉ hướng đến bảo đảm cho các đối tượng là sinh viên các trường đại học, cao đẳng, dạy nghề, cán bộ thuộc đối tượng 2, 3 theo như trong Nghị định 116. Còn đối tượng 1, đối tượng 4, 5 và các đối tượng mới được bổ sung trong dự luật thì lộ trình nào để bảo đảm?
Hiện nay việc quản lý các Trung tâm giáo dục quốc phòng, an ninh còn chưa thống nhất, ví dụ Trường quân sự quân khu 1, 2, 3, 4, 9 lại thành lập các Trung tâm giáo dục quốc phòng, an ninh thuộc quyền quản lý của Bộ quốc phòng. Trong khi đó tại các Trường quân khu 5, 7 lại thành lập Trung tâm giáo dục quốc phòng, an ninh sinh viên do Bộ GD – ĐT chủ trì. Đồng thời dự thảo Luật lần này quy định còn có Trung tâm giáo dục quốc phòng, an ninh thuộc UBND tỉnh tại Điểm c, Khoản 1, Điều 8. Vậy tại các địa phương chưa có các trung tâm giáo dục quốc phòng đặt tại các trường quân sự tỉnh do Bộ Quốc phòng quản lý hay các cơ sở giáo dục chuyên nghiệp do Bộ GD – ĐT quản lý thì trung tâm trực thuộc tỉnh này sẽ đặt ở đâu? Tại trung tâm chính trị huyện đã thực hiện nhiệm vụ bồi dưỡng theo quy định tại Nghị định 116 hay trường quân sự tỉnh, các trường cao đẳng, trung cấp thuộc quyền quản lý của UBND tỉnh bởi khi luật đi vào cuộc sống mỗi địa phương thực hiện khác nhau thì vấn đề thống nhất quản lý sẽ như thế nào? Tôi đề nghị dự thảo Luật cần điều chỉnh những chồng chéo và thiếu thống nhất trên.
Tôi thống nhất với Ban soạn thảo trong việc đã kịp thời dự kiến tiếp thu, chỉnh lý luật theo hướng không quy định việc bồi dưỡng kiến thức quốc phòng, an ninh là tiêu chí xuyên suốt bổ nhiệm cán bộ quản lý. Vì bên cạnh lý do không thuộc phạm vi điều chỉnh thì việc bỏ đi quy định này đã phần nào gạt đi bóng dáng tâm lý giáo dục ứng thí, đi học chỉ cốt đáp ứng tiêu chuẩn cán bộ, chứ không trọng việc thực học.

Quy định chặt chẽ, bảo đảm tính công khai, minh bạch của Quỹ phòng thủ dân sự
Chiều 14.2, tiếp tục Phiên họp thứ 20, dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch Quốc hội, Thượng tướng Trần Quang Phương, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã cho ý kiến về một số vấn đề lớn còn ý kiến khác nhau của dự án Luật Phòng thủ dân sự.