Có nhiều yếu tố làm nên sự “khai phóng” trong giáo dục. Nhưng từ thực tế tiếp xúc, tư vấn cho trẻ em trong môi trường học đường với những câu chuyện đầy xót xa, ĐBQH Phạm Thị Minh Hiền (Phú Yên) cho rằng, vấn đề lớn nhất của giáo dục hiện nay chính là chưa bắt nguồn từ con người, ở đây là cả người học và người dạy, mà vẫn theo kiểu áp đặt từ ý chí của các nhà quản lý giáo dục.
Nhận xét của đại biểu Hiền không phải là quá lời. Giáo viên được xác định là trung tâm, là nhân tố quyết định chất lượng giáo dục, quyết định sự thành công hay thất bại của những cải cách, đổi mới trong giáo dục. Nhưng rất nhiều giáo viên đã phải thốt lên rằng, nghề giáo thời nay chứa đựng quá nhiều nguy hiểm. Giáo viên phải chịu mọi áp lực từ cơ chế quản lý nhà nước, trong dạy và học, trong các mối quan hệ từ ngoài xã hội vào trường học… Những “chỉ tiêu khủng khiếp” về bệnh thành tích như 100% lên lớp thẳng, chất lượng bộ môn 99%, duy trì sĩ số 98%, các cuộc hội giảng, các lớp học bồi dưỡng, nâng ngạch, nâng chuẩn, những cải cách được cơ quan quản lý nhà nước đưa ra, yêu cầu thực hiện theo kiểu thí điểm dù chưa được nghiên cứu, chuẩn bị kỹ lưỡng, bài bản, chưa nhận được sự đồng thuận của phụ huynh học sinh và xã hội... đang khiến mỗi ngày đến trường của giáo viên là một ngày đầy áp lực và lo lắng.
Một chuyên gia giáo dục chỉ ra rằng, kể từ khi tiến hành đổi mới đến nay, chúng ta luôn nỗ lực cải cách, đổi mới giáo dục nhưng lĩnh vực ít được cải cách nhất chính là hành chính giáo dục. Vị chuyên gia này cũng cho rằng, nếu không cải cách hành chính giáo dục sẽ dẫn đến bạo hành trường học. Bởi ai từng là giáo viên đều hiểu, áp lực của hành chính giáo dục dồn từ trên xuống và người cuối cùng phải “chịu trận” chính là giáo viên. Giáo viên nào không chuyển hóa được “strees” đó vào đâu thì sẽ chuyển hóa vào học sinh. Một môi trường giáo dục mà ở đó người thầy chưa được tạo điều kiện thuận lợi nhất, thoải mái nhất, yên tâm nhất để làm đúng chức trách và sứ mệnh của một người thầy thì làm sao học sinh có thể có được “mỗi ngày đến trường là một ngày vui”? Và như vậy, làm thế nào để có thể thực sự đạt được mục tiêu cao nhất của giáo dục là khai phóng cho học trò cả về nhận thức, sự biểu biết và nhân cách?
Tất nhiên, nghề nào cũng có áp lực. Cũng không phải cứ áp lực thì ai cũng có thể đi chệch ra khỏi những yêu cầu, chuẩn mực về chuyên môn và đạo đức của nghề nghiệp. Nhưng “sản phẩm” của giáo dục chính là những chủ nhân tương lai của đất nước. Mọi yếu tố khiến cho môi trường giáo dục bị lệch chuẩn, trở nên méo mó đều phải được điều chỉnh và quyết tâm loại bỏ. Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Phùng Xuân Nhạ từng cam kết tại một hội thảo do Đại học Sư phạm Hà Nội tổ chức cuối năm 2018: Những gì không phù hợp, gây áp lực cho giáo viên sẽ cắt bỏ. Đó phải là sự cắt bỏ thực chất trên nền tảng của sự khai phóng thực sự trong tư duy quản lý nhà nước về giáo dục, trong tầm nhìn và phương pháp quản lý của không chỉ người đứng đầu ngành giáo dục mà còn phải là người đứng đầu các sở/phòng giáo dục ở địa phương và từng cơ sở giáo dục.
Trên cơ sở cam kết trên đây của “tư lệnh” ngành giáo dục, và nhất là hiện nay, dự án Luật Giáo dục (sửa đổi) đang trong quá trình lấy ý kiến nhân dân, có thể nói rằng, đây là thời điểm chín muồi để chính các thầy giáo, cô giáo, các cơ quan hoạch định chính sách và các ĐBQH thảo luận thật cởi mở, thẳng thắn để có những đổi mới cơ bản về vấn đề này.