Vụ đề Toán vào lớp 10 bị in mờ: Học sinh cần rèn kỹ năng đánh giá, phân tích đề thi

- Thứ Ba, 13/06/2023, 07:49 - Chia sẻ

Theo thầy giáo Trần Mạnh Tùng, sau vụ việc này, học sinh phải rút kinh nghiệm trong việc đọc, đánh giá, nhìn nhận đề thi. Các thầy cô giáo, nhà trường và gia đình cũng phải lưu ý các em về vấn đề này.

Vụ việc đề thi Toán trong kỳ thi tuyển sinh lớp 10 THPT không chuyên năm học 2023 - 2024 của thành phố Hà Nội có một số đề bị in mờ khiến nhiều thí sinh hiểu nhầm và làm bài sai kết quả gây xôn xao dư luận những ngày qua.

Tại ý 1 (giải hệ phương trình, tìm hai ẩn x và y) của câu III, một số đề thi do mực in không rõ nên dấu gạch ngang bị đứt quãng, không liền mạch. Nhiều học sinh lầm tưởng là có dấu âm (-) ở phía trước. Thay vì 2/(x-3), nhiều học sinh đã nhìn nhầm thành -2/(x-3), từ đó giải ra kết quả sai. 

Vụ đề Toán vào lớp 10 bị in mờ: Học sinh cần rèn kỹ năng đánh giá, phân tích đề thi -0
Tại ý 1, câu III của một số đề thi, dấu gạch ngang bị đứt quãng khiến nhiều học sinh hiểu lầm 

Đến tối 12.6, Sở GD-ĐT Hà Nội đã phát thông cáo báo chí, cho biết sau khi rà soát lại toàn bộ quy trình ra đề, in sao của Hội đồng ra đề thi, đối chiếu bản gốc và bản in sao, Hội đồng thi của Sở kết luận: Đề thi không có sai sót về nội dung. Song trong quá trình in sao, trong số hơn 100.000 đề thi, có một số đề, tại ý 1, câu II của đề thi, do mực in không rõ nên dấu gạch ngang bị đứt quãng, không liền mạch, khiến một số học sinh hiểu nhầm là có dấu (-) ở phía trước.

Từ kết quả xác minh, trên tinh thần đảm bảo quyền lợi và sự công bằng tối đa cho thí sinh, Sở GD-ĐT đã chỉ đạo Hội đồng ra đề thi bổ sung thêm đáp án trong trường hợp học sinh hiểu nhầm là có dấu (-) ở phía trước tại ý 1, câu III của đề thi do mực in không rõ. Việc chấm bài sẽ theo đáp án được bổ sung đối với những bài có sự hiểu nhầm ở ý 1, câu III của đề thi do mực in không rõ.

Như vậy, những thí sinh có sự hiểu lầm đề, đưa ra đáp án theo kết quả đề có dấu (-) ở phía trước vẫn được tính điểm.

Thầy Trần Mạnh Tùng, giáo viên dạy Toán ở Hà Nội cho rằng, việc Sở GD-ĐT tổ chức chấm theo hai phương án cả dấu cộng và trừ, thí sinh đưa ra được đáp án đúng vẫn sẽ chấm như bình thường giúp những thí sinh có đề bị in mờ tránh thiệt thòi, cũng không làm mất công bằng cho thí sinh khác.

Bởi kỹ năng để giải hệ phương trình đó không thay đổi (vẫn đặt ẩn phụ rồi dùng phương pháp cộng hoặc thế) và số thí sinh gặp lỗi này cũng không nhiều (vài chục em trên tổng số gần 120.000 em). Đây là giải pháp hài hòa, hợp lý ở thời điểm này.

Vụ đề Toán vào lớp 10 bị in mờ: Học sinh cần rèn kỹ năng đánh giá, phân tích đề thi -0
Thầy Trần Mạnh Tùng, giáo viên dạy Toán ở Hà Nội

Tuy nhiên, theo thầy Tùng, sau vụ việc này, học sinh phải rút kinh nghiệm trong việc đọc, đánh giá, nhìn nhận đề thi. Các thầy cô giáo, nhà trường, thậm chí cả gia đình cũng phải lưu ý các em về vấn đề này.

Thầy Tùng nhấn mạnh, học sinh được phát đề sớm 5 phút, đã có thời gian thoải mái đọc đề. Do đó, trong vụ việc “đề thi bị in mờ” nói trên, lỗi chủ yếu là của học sinh, là do kỹ năng đọc, phân tích đề bài của các em còn kém.

“Nếu có dấu trừ ở đằng trước thì phần sau sẽ là một phân số, mà theo quy tắc đánh máy, tử số với mẫu số phải căn vào chính giữa dấu gạch ngang. Nhưng trường hợp này nếu có dấu trừ ở phần đầu thì tử số và mẫu số không vào giữa. Cách hiểu đó rõ ràng là không hợp lý. Như vậy, dù vẫn có phần lỗi ở việc in ấn, nhưng tôi cho rằng lỗi chủ yếu vẫn thuộc về kỹ năng phân tích đề của học sinh”, thầy Tùng nhận định.

Theo giáo viên này, đây là kỹ năng quan trọng mà học sinh cần phải rèn luyện thêm để tránh các sai sót trong học tập và cả trong đời sống.

Bên cạnh đó, các bộ phận có liên quan trong việc tổ chức thi cũng phải rút kinh nghiệm, cần sự kiểm tra kỹ lưỡng về đề thi để loại bỏ các vấn đề gây hiểu lầm.

Vụ đề Toán vào lớp 10 bị in mờ: Học sinh cần rèn kỹ năng đánh giá, phân tích đề thi -0
Giám thị phát tờ giấy thi tại một phòng thi vào lớp 10 THPT công lập ở Hà Nội (Ảnh: Quốc Việt)

Thầy Tùng cũng nhấn mạnh tới việc, các đơn vị liên quan cần đặc biệt rút kinh nghiệm trong vấn đề tuân thủ quy chế thi. Theo đó, một số phụ huynh chia sẻ có thí sinh khi thấy điểm bất thường trong đề đã hỏi giám thị trong phòng thi và nhận được khẳng định là dấu trừ.

“Trong quy chế thi đã quy định rõ là giám thị coi thi không giải thích gì thêm về đề thi. Thí sinh nếu có thắc mắc, đáng ra giám thị phải chuyển lên Chủ tịch Hội đồng thi để xem xét. Giám thị không được giải thích, ngay cả trong trường hợp biết chắn chắn”, thầy Tùng nêu ý kiến.

Được biết, ngay sau khi kết thúc buổi thi cuối cùng của kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10 THPT thành phố Hà Nội năm học 2023 - 2024, chiều 12.6, Sở GD-ĐT Hà Nội đã làm việc với Hội đồng ra đề thi và các bộ phận liên quan, sau đó đưa ra thông báo chấp nhận chấm bài của những thí sinh có đề thi bị lỗi in ấn dẫn tới hiểu nhầm đề.

Sở GD-ĐT Hà Nội khẳng định đã kịp thời chỉ đạo và triển khai thực hiện sau khi lắng nghe phản ánh từ cha mẹ học sinh và các cơ quan báo, đài và sẽ rút kinh nghiệm trong việc tổ chức in sao đề thi tại các kỳ thi tiếp theo đảm bảo hiệu quả, đúng quy định.

Nguyễn Liên
#