Việt Nam thu hút được 4,57 tỷ USD với tổng số 605 dự án trong lĩnh vực giáo dục

- Thứ Năm, 30/11/2023, 16:53 - Chia sẻ

Theo báo cáo của Bộ GD-ĐT, đến 6.2022, Việt Nam thu hút được 4,57 tỷ USD với tổng số 605 dự án trong lĩnh vực giáo dục. Hiện, cả nước có 400 chương trình đào tạo quốc tế được giảng dạy tại các cơ sở giáo dục Việt Nam và cơ sở giáo dục có vốn đầu tư nước ngoài.

Đó là số liệu được Bộ Giáo dục và Đào tạo công bố tại Hội nghị khu vực châu Á - Thái Bình Dương về ERASMUS+ vừa diễn ra tại Hà Nội. Thứ trưởng Bộ GDĐT Nguyễn Văn Phúc dự và phát biểu tại hội nghị.

Việt Nam đứng đầu danh sách các dự án được phê duyệt

Chương trình ERASMUS+ là chương trình nhằm tăng cường năng lực giáo dục đại học của EU. Chương trình bắt đầu được thực hiện từ năm 1987. Tuy nhiên, đến năm 2015, Chương trình mới chính thức bắt đầu tại Việt Nam với giai đoạn đầu từ năm 2015-2020.

Trong giai đoạn này, thông qua chương trình, có 3.000 sinh viên, giảng viên và cán bộ quản lý giáo dục đại học đã tham dự các khóa học tập dài hạn và ngắn hạn tại Châu Âu. Việt Nam đã nhiều lần lọt top 20 thế giới với hơn 600 sinh viên được trao giải thưởng.

Chương trình ERASMUS+ đã tạo cơ hội thúc đẩy quan hệ hợp tác giữa các cơ sở giáo dục đại học Việt Nam và Châu Âu trong việc nghiên cứu khoa học, phát triển chương trình liên kết đào tạo và các dự án nghiên cứu hợp tác chung đáp ứng các xu thế thời đại. Hiện nay, với 95 dự án trong giai đoạn này, Việt Nam đang đứng đầu danh sách các dự án được phê duyệt có tỷ lệ thành công cao.

Đặc biệt với ngân sách 26 tỷ USD cho giai đoạn 2021-2027, gấp đôi 7 năm trước, tập trung cho các lĩnh vực then chốt như chuyển đổi xanh, chuyển đổi số, biến đổi khí hậu, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, thúc đẩy tỷ lệ có việc làm …. đáp ứng với yêu cầu bức thiết của thị trường lao động, yêu cầu giảm rác thải vì một môi trường xanh, sạch và ứng phó với biến đổi khí hậu… Đây là cơ sở để các bên cùng nhìn về tương lai 50 năm tới, thúc đẩy hợp tác trong đào tạo và nghiên cứu khoa học hiệu quả hơn.

Tính đến thời điểm này, tổng số du học sinh Việt Nam đang học tập tại nước ngoài khoảng 190.000 người.

Đến 6.2022, Việt Nam thu hút được 4,57 tỷ USD với tổng số 605 dự án trong lĩnh vực giáo dục; 400 chương trình đào tạo quốc tế được giảng dạy tại các cơ sở giáo dục Việt Nam và cơ sở giáo dục có vốn đầu tư nước ngoài và 408 chương trình liên kết đào tạo với nước ngoài, trong đó chiếm  hơn 1/2 là các chương trình liên kết đào tạo với các nước khu vực Châu Âu và Châu Á – Thái Bình Dương.

Việt Nam thu hút được 4,57 tỷ USD với tổng số 605 dự án trong lĩnh vực giáo dục
Đại diện các đầu mối của ENFP và EU chụp ảnh lưu niệm. Ảnh: Khôi Nguyên/Moet

Cùng hợp tác để nâng cao chất lượng giáo dục đại học

Hội nghị khu vực ERASMUS+ năm 2023 với sự tham gia của hơn 200 lãnh đạo, chuyên gia của 41 quốc gia, lãnh thổ của Châu Âu, Châu Á - Thái Bình Dương,

Nhấn mạnh mối quan hệ lâu dài giữa Việt Nam - Châu Âu (EU), ngài Julien Guerrier, Đại sứ EU tại Việt Nam, cho biết hai bên đều công nhận giá trị quan trọng của giáo dục vì sự phát triển bền vững của cộng đồng. Với mục tiêu chung này, Chương trình ERASMUS+ được triển khai tại Việt Nam đã góp phần hiện đại hóa các cơ sở giáo dục đại học trên cả nước. Sinh viên, giảng viên Việt Nam có cơ hội học tập, giảng dạy và tích luỹ kinh nghiệm tại các trường đại học Châu Âu.

“Chương trình ERASMUS+ tạo điều kiện hợp tác cho các trường đại học Việt Nam - Châu Âu, giúp phát triển chương trình giảng dạy và nghiên cứu cho các trường đại học Việt Nam. Việt Nam đang dẫn đầu các nước Châu Á tham gia các hoạt động ERASMUS+ trong giáo dục. Bằng cách làm việc cùng nhau, tôi tin rằng chúng ta có thể giải quyết các thách thức chung hiện nay và giáo dục đại học là nền tảng để giải quyết những vấn đề này”, Ngài Julien Guerrier chia sẻ.

Việt Nam thu hút được 4,57 tỷ USD với tổng số 605 dự án trong lĩnh vực giáo dục -0
Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Văn Phúc phát biểu tại hội nghị

Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Việt Nam Nguyễn Văn Phúc cũng nhận định: Đây là cơ hội tốt để các bên cùng thảo luận, chia sẻ những khó khăn, thách thức mà chúng ta đang phải đối mặt, đưa ra các giải pháp tối ưu, linh hoạt cũng như tạo ra cơ hội đối thoại, trao đổi các ý tưởng để cùng hợp tác nâng cao chất lượng giáo dục đại học.

Thông qua các phiên thảo luận trong hai ngày hội nghị, hội nghị mang đến cơ hội cho các bên thảo luận về việc tăng cường hợp tác trong lĩnh vực giáo dục đại học; những thay đổi trong ưu tiên, chính sách và quy định về liên kết đào tạo tại Việt Nam, mở cửa thị trường giáo dục đại học Việt Nam thu hút đầu tư của nước ngoài nói chung và của các nước khu vực Châu Âu - Châu Á Thái Bình Dương nói riêng; chia sẻ về thế mạnh và ưu tiên hợp tác với Việt Nam từ đó hai bên thống nhất các hoạt động ưu tiên hợp tác trong thời gian tới; chia sẻ về tăng cường chuyển dịch giáo dục và đào tạo, đổi mới phương pháp hợp tác trong giáo dục đại học; tăng cường liên kết giữa cơ sở giáo dục đại học, doanh nghiệp và thị trường lao động quốc tế.

Từ ngày 28.11 - 30.11, Cơ quan Điều hành Giáo dục và Văn hóa châu Âu (EACEA) thuộc Uỷ ban châu Âu phối hợp với Phái đoàn EU tại Việt Nam và Bộ GD-ĐT Việt Nam cũng tổ chức Tuần lễ ERASMUS+ khu vực Châu Á - Thái Bình Dương. Sự kiện đã bắt đầu với cuộc gặp thường niên của các Đầu mối Quốc gia của ERASMUS+, Đầu mối Quốc gia (ENFP) từ các quốc gia trong khu vực Châu Á và Thái Bình Dương.

Minh Vân
#