Việc làm tốt nhất để tri ân thầy cô là sống nhân ái, yêu thương

- Thứ Sáu, 18/11/2022, 20:37 - Chia sẻ

"Việc chúng em có thể làm tốt nhất để tri ân thầy cô là trở thành những con người sống nhân ái, biết yêu thương, biết dùng sức lực và tài năng của bản thân trở thành những người giáo viên hiểu được tầm quan trọng của giáo dục…"

Giá trị của nghề giáo không phải là vật chất

Phát biểu tại lễ kỷ niệm 40 năm ngày Nhà giáo Việt Nam của trường ĐH Sư phạm Hà Nội ngày 18.11, đại diện cho thế hệ giáo viên tương lai, sinh viên Chử Ngọc Diệp, lớp K70B - Khoa Tâm lý Giáo dục bày tỏ: "Ngày 20-11, là một ngày đặc biệt với thầy cô, các các thế hệ học trò và các bạn sinh viên Trường Đại học Sư phạm Hà Nội. Chúng em mong các thầy cô luôn mạnh khỏe, hạnh phúc và vững tin trong sự nghiệp trồng người của mình.

Việc chúng em có thể làm tốt nhất để tri ân thầy cô là trở thành những con người sống nhân ái, biết yêu thương, biết dùng sức lực và tài năng của bản thân trở thành những người giáo viên hiểu được tầm quan trọng của giáo dục và có thể dẫn dắt với những thế hệ học sinh mai sau như cách chúng em được giảng dạy và khuyến khích dưới mái trường Đại học Sư phạm Hà Nội".

Việc làm tốt nhất để tri ân thầy cô là sống nhân ái, yêu thương -0
Sinh viên Chử Ngọc Diệp, Khoa Tâm lý Giáo dục

Sinh viên Chử Ngọc Diệp tâm sự, trong quá trình rèn luyện và học tập tại mái trường sư phạm, chúng em đều cảm nhận rằng: "Các thầy cô không chỉ cung cấp kiến thức và kỹ năng để làm nghề, mà còn dạy chúng em trở thành những con người nhân ái, biết yêu thương, cống hiến cho đời.

Những sự quan tâm và lo lắng của các thầy cô với sinh viên luôn tận tâm và tỉ mẩn, mặc dù đôi khi chúng em vô tâm, không nhận ra được tình cảm và sự tâm huyết của các thầy cô.

Đó có thể là khi chuông báo hết giờ vang lên, các thầy cô vẫn nán lại để giảng nốt kiến thức, hay có khi là đêm dù đã khuya và còn nhiều việc làm dang dở, các thầy cô vẫn giải đáp kỹ càng những câu hỏi về bài vở của chúng em một cách cặn kẽ qua điện thoại, email.

Và đặc biệt, thầy cô dùng chính cuộc đời của mình để dạy chúng em như thế nào gọi là yêu nghề, giá trị thực sự của nghề. Chúng em hiểu rằng: giá trị của nghề giáo không phải là vật chất mà là việc dẫn dắt các thế hệ con người đến những giá trị Chân-Thiện-Mỹ, là việc dùng đạo đức và tri thức để giúp học trò vượt lên hoàn cảnh của bản thân và đạt được những mục tiêu trong cuộc sống".

“Tình yêu nghề của các thầy cô thấm dần trong chúng em, tạo nên tình yêu nghề của chúng em, là động lực cho chúng em được trở thành những người giáo viên trong tương lai” – Chữ Ngọc Diệp nói.

Việc làm tốt nhất để tri ân thầy cô là sống nhân ái, yêu thương -0
Sinh viên Chử Ngọc Diệp tặng hoa GS.TS Nguyễn Văn Minh, hiệu trưởng Trường ĐH Sư phạm Hà Nội

Hạnh phúc của nghề giáo là gieo tình yêu thương

Phát biểu tại buổi lễ kỷ niệm, GS.TS Nguyễn Văn Minh, hiệu trưởng Trường ĐH Sư phạm Hà Nội cho biết: “Hạnh phúc vô bờ bến của nghề giáo là chúng ta nhìn thấy nụ cười trên môi con trẻ, nhìn thấy những cử chỉ ân cần của các em với mẹ, với cha với ông bà và những người thân thiết; và hơn thế đó là sự đổi thay, sự tử tế sau mỗi buổi đến trường.  

Hạnh phúc vô bờ bến của nghề giáo là chúng ta đang gieo tình yêu thương để yêu thương trỗi dậy trong mỗi con người, vì chỉ có thấu hiểu mới có được yêu thương và yêu thương sẽ xóa đi những nỗi oán hờn.

Vui mừng xiết bao, khi mỗi con trẻ lớn lên cảm nhận niềm vui mỗi khi làm điều tốt với người khác, và biết chùng lòng trước những hoàn cảnh đáng thương. Chúng ta có quyền tự hào về nghề của chúng ta”.

“Ngọn nguồn của giáo dục là sự tử tế, sự chân chính và yêu thương, khi người ta phải đành lòng giã từ những giá trị đó để theo đuổi mục đích khác thì vấn đề rất đáng lưu tâm đối với một xã hội” – GS Minh nhấn mạnh.

Chia sẻ với các giáo viên, Hiệu trưởng trường ĐH Sư phạm Hà Nội cho rằng: "Chúng ta cũng nghiêm túc nhìn lại chúng ta. Khi không tự soi, tự sửa thì khó mà tiến bộ. Có một số chỉ gán cho ngoại cảnh, và còn ai đó bảo thủ, ngại thay đổi, thích làm theo thói quen cố hữu, trong khi thời đại đã chuyển mình. Khi còn tâm lý như thế thì kêu ca và cùng với ngoại cảnh tác động dễ dẫn đến buông xuôi. Khi bản thân chúng ta chưa trân quý công việc của mình, chưa đem hết đam mê vì nó thì khó lòng để người khác tôn trọng việc mình làm.

Chúng ta đang ở giữa sự giằng xé của bổn phận, của tình cảm và khó khăn, trăn trở. Nhưng đừng để sự giằng xé đó lấn át thiện tâm của người thầy. Dù biết rằng, chuyện to, chuyện nhỏ từ nhà trường, đến gia đình, ra xã hội, liên quan đến học sinh, đến phụ huynh; cuối cùng đều qui kết đến giáo dục, đến thầy cô. Dù sao chăng nữa, thì đó là niềm tin vẫn dành cho chúng ta".

Việc làm tốt nhất để tri ân thầy cô là sống nhân ái, yêu thương -0
GS.TS Nguyễn Văn Minh, hiệu trưởng Trường ĐH Sư phạm Hà Nội

GS Minh tâm sự: “Dù còn điều này, điều kia, nhưng mọi vận hành của xã hội đều phải đi đến tiến bộ và giáo dục là cách thức tối ưu để làm cho xã hội văn minh. Trong hành trình đó, người thầy có vai trò đặc biệt quan trọng. Chúng ta có tâm tư, có trăn trở, nhưng hơn cả là giữ bản lĩnh, trau dồi tư cách và giữ trọn tình yêu thương với con trẻ. Đừng để nghèo khó bào mòn tình yêu thương và lòng tự trọng. Giữ vững niềm tin về những điều chân chính, chính là niềm tin tốt đẹp cho tương lai.

Chúng ta hi vọng xã hội, những bậc cha mẹ sẽ nhận ra và cùng đồng hành, vì ai đều cũng mong muốn con cái mình tiến bộ. Hãy để những nhà giáo chân chính làm đúng bổn phận và lương tâm của họ”.

Hiệu trưởng trường ĐH Sư phạm Hà Nội mong muốn và hi vọng, những gia đình, xin đừng phó mặc con cái mình chỉ cho nhà trường, cho thầy cô và rồi chỉ đổ lỗi cho giáo dục.

"Nhà trường chỉ giáo dục những chuẩn mực cốt yếu, còn chính gia đình, chính xã hội là môi trường thực để mỗi học sinh thẩm thấu, chịu tác động nhiều nhất về hành vi và nhận thức của các em. Khi chỉ còn là quy kết, khi chỉ còn là đổ lỗi mà thiếu đi sự đồng hành và trách nhiệm thì khó lòng giáo dục tốt con người" - GS Minh nói. 

Hồng Hạnh
#