Uỷ ban Nhân dân các tỉnh chịu trách nhiệm toàn diện về Kỳ thi tốt nghiệp THPT

- Thứ Tư, 29/11/2023, 20:39 - Chia sẻ

Chiều 29.11, Bộ GD-ĐT tổ chức Họp báo công bố Phương án tổ chức Kỳ thi và xét công nhận tốt nghiệp THPT từ năm 2025.

Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Phạm Ngọc Thưởng và Cục trưởng Cục Quản lý chất lượng Huỳnh Văn Chương chủ trì buổi họp báo.

Phát biểu tại Họp báo, Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Phạm Ngọc Thưởng cho biết, sau thời gian nghiêm túc, khẩn trương, công phu nghiên cứu về phương án thi tốt nghiệp THPT và xét tốt nghiệp THPT từ năm 2025, Bộ GD-ĐT đã lấy ý kiến rộng rãi của xã hội, ý kiến của các nhà khoa học, các chuyên gia, đội ngũ nhà giáo, cán bộ quản lý giáo dục trên toàn quốc. Đặc biệt, Bộ GD-ĐT đã cầu thị tổng hợp, lắng nghe ý kiến phản ánh của các cơ quan báo chí về đề án, phương án thi tốt nghiệp THPT từ năm 2025.

Ngày 28.11, Bộ GD-ĐT đã ban hành Quyết định số 4068/QĐ-BGDĐT về việc phê duyệt “Phương án tổ chức Kỳ thi và xét công nhận tốt nghiệp THPT từ năm 2025”. 

Bộ GD-ĐT nêu 3 nhóm nguyên tắc lớn xây dựng phương án tổ chức thi tốt nghiệp THPT từ năm 2025 -0
Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Phạm Ngọc Thưởng phát biểu tại Họp báo (Ảnh: Xuân Quý)

Tổ chức kỳ thi tốt nghiệp THPT theo hướng gọn nhẹ, giảm áp lực

Theo Cục trưởng Cục Quản lý chất lượng, Bộ GD-ĐT Huỳnh Văn Chương, có 3 nhóm nguyên tắc lớn để xây dựng phương án tổ chức Kỳ thi và xét công nhận tốt nghiệp THPT từ năm 2025.

Nhóm nguyên tắc thứ nhất căn cứ vào các Nghị quyết, chủ trương của Đảng, Quốc hội, Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ. Trong đó, Nghị quyết số 29-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương ngày 4.11.2013 nhấn mạnh đổi mới phương thức thi và công nhận tốt nghiệp THPT theo hướng giảm áp lực và tốn kém cho xã hội mà vẫn bảo đảm độ tin cậy, trung thực, đánh giá đúng năng lực học sinh, làm cơ sở cho việc tuyển sinh giáo dục nghề nghiệp và giáo dục đại học.

Nghị quyết số 88/2014/QH13 ngày 28/11/2014 của Quốc hội yêu cầu đổi mới phương thức thi và công nhận tốt nghiệp THPT theo hướng gọn nhẹ, giảm áp lực và tốn kém cho xã hội mà vẫn bảo đảm độ tin cậy, trung thực, đánh giá đúng năng lực học sinh, cung cấp dữ liệu cho việc tuyển sinh giáo dục nghề nghiệp và giáo dục đại học.

Nghị quyết số 144/NQ-CP ngày 10.9.2023 của Chính phủ nhấn mạnh: “Sớm nghiên cứu, công bố Phương án thi tốt nghiệp THPT từ năm 2025 bảo đảm gọn nhẹ, hiệu quả, thiết thực, giảm áp lực, giảm chi phí và tạo sự đồng thuận của xã hội”.

Ngoài ra, việc xây dựng phương án tổ chức Kỳ thi và xét công nhận tốt nghiệp THPT từ năm 2025 cũng bám sát các quy định liên quan đến thi tốt nghiệp THPT và tuyển sinh của Luật Giáo dục và Luật Giáo dục Đại học hiện hành.

Bộ GD-ĐT nêu 3 nhóm nguyên tắc lớn xây dựng phương án tổ chức thi tốt nghiệp THPT từ năm 2025 -0
Cục trưởng Cục Quản lý chất lượng, Bộ GD-ĐT Huỳnh Văn Chương (Ảnh: Xuân Quý)

Nhóm nguyên tắc thứ hai căn cứ vào cơ sở khoa học, đó là tập trung bám sát mục tiêu của chương trình GDPT 2018.

Chương trình GDPT 2018 quy định: Giáo dục THPT là giai đoạn giáo dục định hướng nghề nghiệp giúp học sinh tiếp tục phát triển những phẩm chất, năng lực cần thiết đối với người lao động, ý thức và nhân cách công dân, khả năng tự học và ý thức học tập suốt đời, bảo đảm học sinh được tiếp cận nghề nghiệp, lựa chọn nghề nghiệp phù hợp với năng lực và sở thích, điều kiện và hoàn cảnh của bản thân để tiếp tục học lên, học nghề hoặc tham gia vào cuộc sống lao động.

Chương trình GDPT 2018 cũng quy định: Bảo đảm tính hệ thống, đồng bộ giữa đổi mới các kỳ thi quốc gia với kiểm tra đánh giá thường xuyên, định kỳ trong quá trình dạy học; đồng bộ với lộ trình tự chủ giáo dục đại học, góp phần nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác tuyển sinh giáo dục đại học, giáo dục nghề nghiệp. 

Nhóm nguyên tắc thứ ba là kế thừa, phát huy những kinh nghiệm quý báu trong tổ chức Kỳ thi và xét công nhận tốt nghiệp THPT nhiều năm vừa qua, đặc biệt là 3 năm gần đây từ 2021-2023 chúng ta đã phân cấp phân quyền, ứng dụng công nghệ thông tin và có nhiều bài học cho kỳ thi.

“Những tích luỹ, kinh nghiệm này là những bài học quý cho việc kế thừa, tiếp tục kỳ thi, kết hợp với việc chủ động tiếp nhận và ứng dụng những thành tựu và kinh nghiệm quốc tế trong đổi mới công tác thi tốt nghiệp THPT”, Cục trưởng Cục Quản lý chất lượng, Bộ GD-ĐT Huỳnh Văn Chương thông tin.

Bộ GD-ĐT nêu 3 nhóm nguyên tắc lớn xây dựng phương án tổ chức thi tốt nghiệp THPT từ năm 2025 -0
Toàn cảnh họp báo (Ảnh: Xuân Quý)

UBND các tỉnh chịu trách nhiệm toàn diện về Kỳ thi tại địa phương

Theo Bộ GD-ĐT, mục đích tổ chức Kỳ thi tốt nghiệp THPT từ năm 2025 là đánh giá đúng kết quả học tập của người học theo mục tiêu và chuẩn cần đạt theo yêu cầu của Chương trình GDPT 2018; lấy kết quả thi để xét công nhận tốt nghiệp THPT và làm một trong các cơ sở để đánh giá chất lượng dạy, học của các cơ sở GDPT và công tác chỉ đạo của các cơ quan quản lý giáo dục; cung cấp dữ liệu đủ độ tin cậy cho các cơ sở giáo dục đại học, giáo dục nghề nghiệp sử dụng trong tuyển sinh theo tinh thần tự chủ.

Đối tượng dự thi là người học đã hoàn thành chương trình THPT, chương trình giáo dục thường xuyên cấp THPT trong năm tổ chức thi hoặc đã hoàn thành chương trình THPT, chương trình giáo dục thường xuyên cấp THPT nhưng chưa thi tốt nghiệp THPT hoặc đã thi nhưng chưa tốt nghiệp THPT và có nguyện vọng dự thi để được công nhận tốt nghiệp THPT. Người học đã có Bằng tốt nghiệp THPT hoặc đã có Bằng tốt nghiệp trung cấp có nguyện vọng dự thi để lấy kết quả làm cơ sở xét tuyển sinh giáo dục đại học, giáo dục nghề nghiệp.

Nội dung thi bám sát nội dung của Chương trình GDPT 2018. Thí sinh thi bắt buộc môn Ngữ văn, môn Toán và 2 môn thí sinh tự chọn trong số các môn còn lại được học ở lớp 12 (Ngoại ngữ, Lịch sử, Vật lí, Hóa học, Sinh học, Địa lí, Giáo dục kinh tế và pháp luật, Tin học, Công nghệ).

Môn Ngữ văn thi theo hình thức tự luận. Các môn còn lại thi theo hình thức trắc nghiệm. Kỳ thi được tổ chức trên toàn quốc theo cách thức chung đề, chung đợt thi, cùng thời gian theo quy định của Bộ GD-ĐT.

Phương thức xét công nhận tốt nghiệp kết hợp giữa kết quả đánh giá quá trình và kết quả thi tốt nghiệp theo tỷ lệ phù hợp với lộ trình triển khai Chương trình GDPT 2018.

Về phân cấp, phân quyền tổ chức kỳ thi, Bộ GD-ĐT sẽ chỉ đạo chung, ban hành các văn bản chỉ đạo, hướng dẫn, kế hoạch tổ chức Kỳ thi; Chủ động phối hợp với các bộ, ngành, địa phương trong việc tổ chức Kỳ thi; Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin phục vụ tổ chức Kỳ thi; Phối hợp với Bộ Công an, các địa phương phòng, chống hiệu quả việc sử dụng công nghệ cao để gian lận trong Kỳ thi; Hướng dẫn, tổ chức công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát Kỳ thi.

UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương có nhiệm vụ chỉ đạo tổ chức thực hiện và chịu trách nhiệm toàn diện về Kỳ thi tại địa phương; Chủ động có phương án và chuẩn bị đầy đủ các điều kiện về nhân lực, vật lực, các điều kiện cần thiết khác để tổ chức Kỳ thi. Đồng thời, tổ chức thanh tra, kiểm tra, giám sát tổ chức thi và xét công nhận tốt nghiệp THPT tại địa phương theo Lịch thi chung và hướng dẫn của Bộ GD-ĐT.

Về lộ trình triển khai thực hiện, phương án thi được thực hiện từ năm 2025. Trong đó: Giai đoạn 2025 - 2030: Giữ ổn định phương thức thi trên giấy. 

Giai đoạn sau 2030: Từng bước thí điểm thi trên máy tính đối với các môn thi trắc nghiệm ở các địa phương có đủ điều kiện (có thể kết hợp giữa thi trên giấy và thi trên máy tính). Khi tất cả các địa phương trên toàn quốc có đủ điều kiện sẽ chuyển sang tổ chức kỳ thi tốt nghiệp THPT trên máy tính đối với các môn thi trắc nghiệm.

Bộ GD-ĐT tiếp tục nghiên cứu theo lộ trình, tiêu chí để xây dựng thư viện/ngân hàng đề thi chung khi đủ điều kiện để thực hiện phân cấp cho các địa phương, các cơ sở giáo dục tổ chức kỳ thi đánh giá chất lượng đầu ra ở cấp THPT thay cho phương thức một kỳ thi quốc gia, trong cùng một thời điểm như hiện nay. Trong quá trình triển khai thực hiện, tùy theo điều kiện thực tế có thể điều chỉnh để bảo đảm phù hợp với bối cảnh kinh tế, xã hội của đất nước.

Nguyễn Liên - Xuân Quý - Quốc Việt
#