Tự chủ đại học: Cần quan tâm đến “nguy cơ” sau khi “cởi trói”

- Thứ Năm, 28/09/2023, 08:07 - Chia sẻ

GS.TS Nguyễn Hữu Đức – Đại học Quốc gia Hà Nội cho biết, các cơ sở giáo dục đại học (CSGDĐH) công lập nói chung là thuộc sở hữu toàn dân, tránh việc chỉ giao đại diện chủ sở hữu cho một hội đồng hoặc cá nhân mà không giao sứ mạng và các định hướng, chỉ số phát triển. Hiện nay đang có tình trạng ấy.

GS.TS Nguyễn Hữu Đức – Đại học Quốc gia Hà Nội nhấn mạnh, tự chủ đại học là một chủ trương đúng đắn và là xu thế tất yếu, đang tạo cơ hội phát triển cho đại học nước nhà. Tuy nhiên, cùng với việc “cởi trói”, cần quan tâm đến các nguy cơ sau đây và triển khai thật căn bản và bền vững.

Tự chủ đại học: Cần quan tâm đến “nguy cơ” sau khi “cởi trói” -0
GS.TS Nguyễn Hữu Đức – Đại học Quốc gia Hà Nội

Đại học thuộc sở hữu toàn dân

- Vì sao GS lại cho rằng, các cơ sở giáo dục đại học công lập nói chung là thuộc sở hữu toàn dân?

GS.TS Nguyễn Hữu Đức: Hiện nay, các cơ sở giáo dục đại học (CSGDĐH) công lập nói chung là thuộc sở hữu toàn dân, tránh việc chỉ giao đại diện chủ sở hữu cho một hội đồng hoặc cá nhân mà không giao sứ mạng và các định hướng, chỉ số phát triển. Hiện nay đang có tình trạng ấy.

Với lý do nhà nước không giao nguồn lực, không giao chỉ số phát triển nên một số Hội đồng trường và Hiệu trưởng chưa quan tâm đầy đủ sứ mạng, tập trung lo các mối lo học phí trước mắt, chưa quyết tâm thúc đẩy nghiên cứu và đổi mới sáng tạo (ĐMST).

Thu nhập của giảng viên đã tăng, nhưng các các chỉ số về nghiên cứu sáng tạo (NCKH), ĐMST và phục vụ cộng đồng vẫn đang bị chững lại. Sau một giai đoạn hội nhập khá dài, giáo dục đại học (GDĐH) và Khoa học công nghệ (KHCN) nước ta vẫn nằm ở vị trí top 5 ASEAN.

Cán cân giữa Đào tạo – NCKH -PVCĐ càng ngày càng chênh lệch. Xu thế này có thể phá vỡ tính hệ thống và thành quả xây dựng mạng lưới các trường đại học định hướng nghiên cứu và ĐMST trong thời gian vừa qua.

Khi giao tự chủ cho các trường đại học phải giao sứ mạng, mục tiêu và KPIs. Không những năng lực quản trị của Hội đồng trường phải cao, mà trách nhiệm giám sát của thành viên đại diện cơ quan quản lý trực tiếp trong Hội đồng trường phải cụ thể.

Đặc biệt, đồng thời, việc giao sứ mạng, Nhà nước cũng cần giao kèm với nguồn lực, đảm bảo phát triển quy hoạch hệ thống.

Tự chủ đại học - Quản trị được khái niệm và mô hình

-Theo giáo sư, khi giao quyền tự chủ cho các trường đại học thì yêu cầu điều kiện gì? và đâu là điểm mấu chốt để đại học phát triển bền vững?

GS.TS Nguyễn Hữu Đức: Tự chủ được trao để “làm” đại học, nhưng có nơi cũng đang “làm đại” – làm theo kinh nghiệm, chủ quan và “sờ voi”.

Các khái niệm thuộc phạm trù, tiếp cận phát triển chương trình đào tạo, ngay cả mô hình đại học nghiên cứu, đại học ứng dụng cũng còn đang được hiểu khác nhau. Đại học có phải nghiên cứu không? Mô hình đại học khởi nghiệp ĐMST là gì? Làm sao để phân biệt, đo lường đánh giá được chất lượng giáo dục khác nhau giữa các trình độ bậc 5 (cao đẳng) và bậc 6 (đại học)?…

Trong câu chuyện đó, chuyên gia này thì trích dẫn phân loại của Hoa Kỳ, chuyên gia khác lại nói hệ thống đại học của Đức và Hà Lan… sau khi chỉ mới lướt qua thông tin trên mạng đã nhiệt tình đưa ra các vấn đề nhận định rất khó triển khai cụ thể.

Sắp tới, có thể một số chuyên gia lại tiếp tục đề xuất tiếp các khái niệm đại học quốc gia, đại học trọng điểm. Khi không mường tượng được khái niệm và mô hình, con đường phát triển của giáo dục sẽ rất mông lung.

Trong trường hợp này, việc ban hành được một bộ tiêu chuẩn cơ sở giáo dục đại học Việt Nam có triết lý, quan điểm phát triển, mô hình và các khái niệm thật tường minh sẽ giúp định hình một hệ thống giáo dục đại học của quốc gia, thay vì chỉ có một số chỉ số phục vụ kiểm đếm.

Đây là điểm mấu chốt để đổi mới giáo dục phát triển bền vững, không làm mất công các thế hệ sau phải đổi mới lại. Quản trị bằng các nguyên tắc và quy định có thể giải quyết được bài toán trước mắt, nhưng chỉ có quản trị bằng nguyên lý và khoa học mới tiếp cận được được bài toán dài hạn.

Sử dụng công cụ kiểm định chất lượng giáo dục thực chất

- Theo như GS đã nói kiểm định chất lượng giáo dục là điều kiện đề trao tự chủ. Tuy nhiên, hiện nay việc thực hiện kiểm định của một số trường đại học mang tính hình thức, đối phó, như vậy chất lượng khó đảm bảo?

GS.TS Nguyễn Hữu Đức: Kiểm định chất lượng giáo dục là điều kiện đề trao tự chủ là đúng, là điều kiện bắt buộc. Ở các quốc gia có nền đại học chất lượng nhất, kiểm định chất lượng cũng là bắt buộc.

Một số trường đại học trong khối khoa học sức khoẻ, không thực hiện kiểm định chất lượng thì sinh viên tốt nghiệp không được cấp giấy phép hành nghề.

Ở nước ta, kiểm định chất lượng đã được áp dụng, văn hoá chất lượng bắt đầu được tạo dựng. Tuy nhiên, với cách làm như hiện nay, rất dễ gây nên bệnh hình thức và lạm dụng việc kiểm định chất lượng để cung cấp thông tin không đầy đủ đến các bên liên quan.

Nhiều cơ sở giáo dục tham gia kiểm định chất lượng còn mang tính đối phó, phong trào; một số kiểm định viên còn lý thuyết, cứng nhắc, chưa có nhiều kinh nghiệm. Nhưng về thực chất mà nói, hiện nay bộ tiêu chuẩn kiểm định chất lượng giáo dục nước ta đang tiếp cận theo tiêu chuẩn đánh giá việc đảm bảo chất lượng (quality assurance assessment) chứ chưa phải là kiểm định chất lượng (quality accreditation/audit). Đành rằng vẫn hy vọng có quy trình và điều kiện đảm bảo tốt sẽ có chất lượng tốt, nhưng thực chất 2 thông tin này khác nhau, còn có khoảng cách.

Vậy nên, các giấy chứng nhận của Việt Nam và AUN hiện nay là chứng nhận đạt các tiêu chuẩn đảm bảo chất lượng, như là điều kiện tối thiểu để các trường được hoạt động. Còn chất lượng và đặc biệt là mức độ chất lượng giữa các trường chưa được phân biệt rõ. Các CSGDĐH tuyên bố đạt chuẩn chất lượng (quốc gia) là chưa phù hợp, dễ gây hiểu lầm cho nhiều phía.

Sau một giai đoạn tiếp cận với quy trình, nguyên lý, đã đến lúc Việt Nam không nên tránh né nữa, cần có bộ tiêu chuẩn kiểm định chất lượng đúng nghĩa. Kiểm định và phân loại, làm cơ sở đầu tư nguồn lực. Thêm vào đó, cần nghiên cứu giải pháp để nâng cao hơn nữa năng lực đánh giá và tư vấn cho đội ngũ kiểm định viên, không chạy theo số lượng.

Tiếp cận Đổi mới sáng tạo

- Hiện nay, các trường đại học đóng vai trò như một trụ cột trong hệ thống đổi mới sáng tạo của các quốc gia, thông qua các sứ mệnh như cung cấp nguồn nhân lực, thúc đẩy tiến bộ khoa học - kỹ thuật, chuyển giao kiến thức, cung cấp kỹ năng khởi nghiệp và đổi mới sáng tạo... nhưng thực tế hiện nay, vai trò của trường đại học trong hệ sinh thái khởi nghiệp vẫn còn mờ nhạt thì việc đổi mới sáng tạo sẽ chậm?

GS.TS Nguyễn Hữu Đức: Có dịp tiếp cận hoạt động của nhiều CSGDĐH, có thể thấy đã có sự năng động khá phổ biến trong việc mở các ngành học mới đáp ứng nhu cầu xã hội và chính sách thưởng, khuyến khích công bố quốc tế, đăng ký sở hữu trí tuệ…

Tuy nhiên, đâu đó vẫn còn nặng nỗ lực “vì chính mình” (for itself) còn trách nhiệm vì cộng đồng (for others) và sự phát triển bền vững chưa rõ nét. Các chương trình đào tạo được nói cập nhật liên tục, nhưng còn vụn vặt và ít thay đổi căn bản. Trong kỷ nguyên số mà môn học Tin học cơ sở thời nào vẫn còn, chưa trường nào tăng cường năng lực số, năng lực khởi nghiệp một cách căn cốt.

Thế giới đang có xu thế mở các chương trình đào tạo cử nhân định hướng đổi mới sáng tạo (bachelor of innovation) thay thế dần cho các chương trình cử nhân truyền thống (bachelor of sciences và bachelor of arts), nhưng vấn đề đó vẫn còn lạ lẫm ở nước ta. Ở đâu cũng nói chuyển đổi số, nhưng nội hàm là gì và đã đầu tư cho nhiệm vụ này được bao nhiêu kinh phí thì còn là nghịch lý.

Phát triển mà không có gia tăng, không có sản phẩm mới thì nguy cơ rất cao. Cả nước ta đang nỗ lực thay đổi căn bản, toàn diện giáo dục. Mục tiêu này nếu chỉ nhằm để có sự phát triển tịnh tiến từ theo kiểu năm trước đã đạt được một, năm sau sẽ tiến lên hai, ba, thậm chí đến 100 cũng đã là tốt, nhưng vẫn chưa đạt kỳ vọng.

Để vươn tới khát vọng Việt Nam 2045, GDĐH phải tiếp cận đổi mới sáng tạo, tạo ra sự gia tăng kiểu từ 0 đến 1, từ A đến B là các phiên bản mới theo cơ chế, cách thức mới về bản chất, chứ không phải từ A1 đến A2, A3 là các phiên bản mới của cách thức cũ.

Muốn vậy, như đã lần lượt trình bày ở trên, giáo dục đại học cần phát huy trách nhiệm đại diện chủ sở hữu toàn dân của mình; hiểu cho đúng khái niệm, mô hình phát triển; thực sự đổi mới và thực sự trình làng được chất lượng của mình.

- Trân trọng cảm ơn GS!

Bình Minh
#