Trường học tan hoang, khó vận động trẻ đến trường sau lũ

- Thứ Hai, 14/08/2023, 11:31 - Chia sẻ

Một tuần sau cơn lũ quét xảy ra tại Lai Châu, Yên Bái, các lớp học, sân trường bị ngập bùn đất đã được dọn dẹp phần nào. Tuy nhiên, những thiệt hại về cơ sở vật chất, sách vở, cùng nỗi lo khó vận động trẻ đến lớp khiến các thầy cô không khỏi trăn trở khi năm học mới đang đến gần.

Trường học tan hoang sau lũ

Trường Mầm non xã Tà Mung, nằm cách trung tâm huyện Than Uyên, tỉnh Lai Châu 25 km. Cô giáo Đoàn Thị Phúc, Phó Hiệu trưởng Trường Mầm non Tà Mung cho biết, năm học 2023-2024, Trường Mầm non Tà Mung có 379 trẻ từ 2 đến 5 tuổi, học tại điểm trường chính và 8 điểm trường lẻ. 

Trước thềm năm học mới, cô và trò đã sẵn sàng bước vào năm học mới, thế nhưng, thời tiết xấu, kèm theo mưa lớn kéo dài cách đây 1 tuần đã khiến toàn tỉnh Lai Châu bị ảnh hưởng. Trong đó, Trường Mầm non Tà Mung bị lũ ống tràn vào, gây thiệt hại nặng nề. 

Khó vận động trẻ đến trường sau lũ  -0
Sân Trường Mần non Tà Mung, Lai Châu ngập bùn đất sau lũ

Theo thống kê của nhà trường, tại các điểm trường đường ống nước sinh hoạt từ các khe suối dẫn về các điểm trường đã bị đất đá vùi lấp không thể khắc phục. Các lớp bị mước tràn vào làm hư hỏng thiết bị dạy học, chăn, gối của học sinh. 5/17 lớp tivi bị hư hỏng, một số thiết bị bếp ăn như bếp ga, tủ lạnh, máy lọc nước, đặc biệt, téc nước để dự trữ nước sạch cũng bị trôi theo dòng nước.

Không chỉ ở Lai Châu, mà tại tỉnh Yên Bái, đợt mưa kéo dài vừa qua cũng khiến các trường học bị ảnh hưởng. Theo thầy Nguyễn Cao Cường, giáo viên Trường phổ thông dân tộc Hồ Bốn (Mù Cang Chải, Yên Bái), sau trận lũ quét tối 5.8, trường ngập bùn đất, thiệt hại nặng khiến cổng trường, nhà thư viện, nhà kho bị đổ sập. Phòng tin học với 25 bộ máy tính bị hư hỏng do bùn đất tràn vào. Hệ thống nước sạch, công trình vệ sinh, bàn ghế ở khu vực ăn uống cũng bị trôi theo dòng nước lũ.

"Năm học mới sắp đến, việc phải lo cho hơn 600 học sinh bán trú trong bối cảnh điều kiện thiếu thốn như hiện nay là vô cùng khó khăn.", thầy Cường trăn trở.

Nỗi lo khó vận động trẻ đến trường

Trường Mầm non xã Tà Mung nằm tại một xã vùng cao của huyện Than Uyên, tỉnh Lai Châu với 2 dân tộc sinh sống là dân tộc Mông và dân tộc Thái, đời sống nhân dân khó khăn, thu nhập chủ yếu của gia đình trẻ chủ yếu là làm nương dãy, trồng trọt và chăn nuôi. 

Cô Đoàn Thị Phúc cho biết, trận lũ ống kinh hoàng khiến nhiều nhà cửa của người dân bị vùi lấp, tài sản tích cóp của người dân bao nhiêu năm cuốn theo dòng nước lũ. Mất nhà cửa, ruộng nương, trâu, bò, có trẻ bị vùi lấp trong đất đá, có trẻ mất đi cha mẹ, người thân bị cuốn theo dòng nước lũ.

"Hiện nay, trẻ mầm non ăn trưa tại trường và được nhà nước hỗ trợ 160.000 đồng/một trẻ/tháng, còn lại phụ huynh nộp gạo, củi để góp công nuôi trẻ. Tuy nhiên, năm nay lũ lụt, nhà dân cũng không đủ gạo ăn, việc vận động phụ huynh cho trẻ ra lớp, trước đã khó nay càng thêm khó...", cô Phúc chia sẻ.

Khó vận động trẻ đến trường sau lũ  -0
Để đi đến các điểm trường, các cô giáo Trường Mầm non Tà Mung phải đi bộ 30 phút.

Thiên tai gây ảnh hưởng lớn đến việc đi lại của cả học sinh, giáo viên, nhất là ở các xã vùng cao, vùng sâu, các điểm bản ở xa trung tâm. Cô giáo Nguyễn Thị Hường, Trường Phổ thông dân tộc bán trú Nậm Manh, Than Uyên, Lai Châu cho biết, "như mọi năm, trường sẽ phân công 2 đến 3 giáo viên đến cùng một xã để vận động trẻ đến trường. Phải đi 2-3 giáo viên vì qua những đoạn trơn, bùn lầy khó đi còn đẩy xe cho nhau. Nhưng năm nay, công tác vận động trẻ phải tạm dừng vì các con đường vào một số bản bị sạt lở, nhiều nơi mất hẳn đường vào".

Cô Hường cho biết, nếu gần ngày khai giảng, học sinh chưa ra lớp mà trời vẫn mưa, các đoạn đường sạt lở chưa được khắc phục thì các cô đành phải đi bộ qua các lối mòn để vận động trẻ đến trường.

Minh Vân
#