Theo đại diện Nhà trường, PGS, TS Vũ Thị Hiền – Trưởng phòng Quản lý đào tạo, việc đưa vào tuyển sinh và đào tạo chương trình này thực hiện theo chủ trương đa dạng hóa ngành nghề đào tạo và tập trung vào các chương trình đào tạo có tính liên ngành, xuyên ngành, cung cấp nguồn nhân lực chất lượng cao, đáp ứng nhu cầu xã hội.
Cử nhân ngành Kinh tế Chính trị có thể phát triển thành các chuyên gia tư vấn, phản biện, hoạch định chính sách kinh tế- xã hội, đặc biệt là có cơ hội phát triển thành cán bộ nguồn để đảm nhiệm được các vị trí lãnh đạo, quản lý trong tương lai. Tổng chỉ tiêu cho tất cả các phương thức xét tuyển là 50 chỉ tiêu.
Sinh viên có thể chủ động lựa chọn các khối kiến thức chuyên sâu về lãnh đạo và quản lý
Qua khảo sát của Nhà trường, hiện nay, các cơ quan từ trung ương đến địa phương, các doanh nghiệp thuộc mọi thành phần kinh tế đang có nhu cầu rất cao đối với đội ngũ nhân lực phụ trách thu thập và phân tích dữ liệu kinh tế - chính trị quốc tế, phân tích chính sách cũng như quan hệ đối ngoại và từ đó đề xuất xây dựng các chiến lược cho doanh nghiệp, chính sách cho các cơ quan quản lý nhà nước phù hợp với sự thay đổi không ngừng của tình hình thế giới.
TS Thân Thị Hạnh, Trưởng Khoa Lý luận chính trị, đơn vị quản lý trực triếp ngành Kinh tế chính trị cho biết, Chương trình Kinh tế chính trị quốc tế của Trường Đại học Ngoại thương được xây dựng một cách khác biệt theo hướng liên ngành kinh tế - chính trị - quan hệ quốc tế với nhiều môn học đặc thù như: Kinh tế học thể chế, Chính trị học so sánh, Đàm phán quốc tế, Lý thuyết trò chơi, Luật chơi trong quan hệ quốc tế, Tâm lý học chính trị, Quản lý toàn cầu, Lãnh đạo toàn cầu,…mang cách tiếp cận đa chiều về sự vận hành của hệ thống kinh tế trong một quốc gia cũng như toàn cầu, cách thức quản lý hệ thống thông qua hệ thống chính trị.
Các nội dung trên dựa trên các thành phần cốt lõi như luật pháp, thể chế, mối quan hệ thị trường và chính phủ trong bối cảnh quan hệ quốc tế phức tạp và có tính bất định cao.
Sinh viên có thể chủ động lựa chọn các khối kiến thức chuyên sâu về lãnh đạo và quản lý, chính trị và quan hệ quốc tế hoặc kinh tế chính trị về phát triển, phù hợp với nhu cầu và thế mạnh cá nhân.
Đặc biệt, với phương pháp đào tạo linh hoạt, hiện đại, sinh viên được tham gia vào chuỗi học phần đặc thù gắn lý thuyết với thực tiễn thông qua các hoạt động thực hành, thực tập tại các cơ quan quản lý nhà nước, hoạch định chính sách và các doanh nghiệp từ trung ương đến địa phương trong suốt 4 năm học.
Qua đó từng bước rèn luyện kỹ năng cần thiết cho sinh viên như kỹ năng quản lý thời gian, lập kế hoạch, làm việc nhóm, tư duy phản biện, tầm nhìn chiến lược, tổng thể… giúp người học khám phá và phát triển tiềm năng của bản thân, phát triển sở thích nghề nghiệp, vận dụng kiến thức đã học vào nhận diện và giải quyết các vấn đề kinh tế, chính trị và quan hệ quốc tế.
Tuyển sinh đặc thù theo nguồn thí sinh được các UBND cấp Tỉnh/Thành phố giới thiệu
Về phương thức tuyển sinh, theo PGS, TS Vũ Thị Hiền, ngoài các phương thức tuyển sinh truyền thống, với đối tượng là thí sinh đáp ứng điều kiện của từng phương thức và có chứng chỉ tiếng Anh quốc tế tương đương với 6.5 IELTS trở lên.
Chương trình bổ sung thêm một hình thức tuyển sinh đặc thù từ nguồn thí sinh được các UBND cấp Tỉnh/Thành phố giới thiệu. Hình thức tuyển sinh đặc thù này sẽ giúp tạo nguồn nhân lực phù hợp, phục vụ sự phát triển của các địa phương.
Chương trình thực hiện tuyển sinh trên phạm vi toàn quốc. Đây là một cơ hội lớn cho thí sinh đam mê và yêu thích đọc, nghiên cứu các vấn đề kinh tế, chính trị, xã hội trong và ngoài nước.
"Chương trình kỳ vọng đào tạo nên những nhân lực có khả năng làm việc độc lập, chịu được áp lực cao trong công việc, có bản lĩnh, thích nghi nhanh với những sự thay đổi và có tinh thần hợp tác cũng như có ý thức phục vụ cộng đồng" - bà Hiền nhấn mạnh.