Trường ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn tập huấn phòng ngừa vấn đề sức khoẻ tâm thần cho học sinh tỉnh Tuyên Quang

- Thứ Tư, 20/12/2023, 10:55 - Chia sẻ

Ngày 15.12 vừa qua, Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, ĐH Quốc gia Hà Nội đã tổ chức hoạt động tập huấn phòng ngừa các vấn đề sức khỏe tâm thần cho học sinh các trường THCS và THPT tại tỉnh Tuyên Quang.

Đây là một trong những hoạt động nằm trong Dự án Tập huấn phòng ngừa các vấn đề sức khỏe tâm thần cho học sinh do Trường ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn (ĐHKHXH&NV) và Viện Gerda Henkel Stiftung, CHLB Đức phối hợp tổ chức.

Tăng cường hiểu biết, nhận diện và chăm sóc sức khoẻ tinh thần cho học sinh tại Tuyên Quang

Đến với Tuyên Quang, các chuyên gia tâm lý VNU-USSH đã làm việc với gần 350 học sinh và giáo viên của trường THCS Hồng Thái, gần 700 học sinh và giáo viên của trường Phổ thông Dân tộc nội trú ATK Sơn Dương, huyện Sơn Dương, tỉnh Tuyên Quang.

Tại buổi tập huấn, các thầy cô giáo và các chuyên gia đã chia sẻ những tình huống thực tế khi giao tiếp với học sinh khi các em đang ở lứa tuổi dậy thì thay đổi tâm sinh lý, cởi mở chia sẻ những áp lực trong cuộc sống và công việc như áp lực về thành tích ôn luyện thi học sinh giỏi, trọng trách hoàn thành các chỉ tiêu giáo dục.

Cảm thông với tình trạng kiệt sức của giáo viên trong quá trình hoàn thành các nhiệm vụ giảng dạy, các chuyên gia đã chỉ ra các biểu hiện cụ thể về thể chất, cảm xúc, hành vi, nhận thức…để các thầy cô giáo chủ động cải thiện, chăm sóc sức khỏe tâm thần cá nhân.

Gợi mở và chia sẻ cùng các em học sinh của 2 ngôi trường thuộc huyện miền núi Sơn Dương, Tuyên Quang, các chuyên gia đã giúp các em giãi bày những những tâm tư, tình cảm, những tình huống áp lực tâm lý mà các em học sinh gặp phải trong cuộc sống và học tập, như áp lực học tập, áp lực điểm số, những mâu thuẫn trong quan hệ bạn bè xã hội và gia đình.

Theo em Bùi Thu Hà - Lớp 8B Trường THCS Hồng Thái, Sơn Dương, Tuyên Quang, bản thân em và nhiều bạn học sinh khác đôi khi gặp những vấn đề như căng thẳng trong học tập, áp lực trong việc phải đạt điểm số cao, một số bạn học sinh đã tìm đến cách giải quyết như tự làm đau mình, có ý định tự tử hoặc phản ứng tiêu cực với thầy cô bạn bè, gia đình. Ngoài các thầy cô giáo bộ môn và cô giáo chủ nhiệm, các em rất cần có địa chỉ tin cậy của các chuyên gia trong lĩnh vực tâm lý học để chia sẻ những vấn đề về sức khỏe tâm thần.

Theo PGS.TS Nguyễn Thị Minh Hằng - Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu liên ngành các Khoa học xã hội cho biết, với vị thế là trường đại học hàng đầu trong cả nước về lĩnh vực KHXH&NV, giàu kinh nghiệm triển khai hoạt động chăm sóc, hỗ trợ, tư vấn tâm lí cho cộng đồng, trong nhiều năm qua Trường ĐHKHXH&NV, ĐHQGHN đã đề xuất và xây dựng dự án về Tập huấn phòng ngừa các vấn đề sức khoẻ tâm thần (SKT)  cho học sinh.

“Với dự án này, chúng tôi mong muốn sẽ tăng cường hiểu biết và nhận diện các vấn đề SKTT, tăng cường kỹ năng ứng phó với các vấn đề SKTT ở học sinh cho giáo viên, phụ huynh. Từ đó thúc đẩy việc chăm sóc SKTT và các biện pháp phòng ngừa các vấn đề sức SKTT cho học sinh, cung cấp kiến thức và kỹ năng tiếp cận với các dịch vụ trợ giúp SKTT cho học sinh, đặc biệt là học sinh miền núi”.

Đẩy mạnh các hoạt động phục vụ cộng đồng tại nhiều địa phương trong cả nước

Tại tọa đàm khoa học “Chăm sóc sức khỏe tâm thần cộng đồng” được Trường ĐH KHXH&NV tổ chức vào tháng 03/2023, Thứ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội Nguyễn Văn Hồi đánh giá cao sự nỗ lực và quan tâm của Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, của Trung tâm Nghiên cứu Liên ngành các Khoa học Xã hội trong lĩnh vực chăm sóc sức khỏe tâm thần. Ông khẳng định, điều này cũng trùng với sự quan tâm của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội.

Thứ trưởng chia sẻ, sức khỏe tâm thần là lĩnh vực khó, rộng và nhiều chuyên ngành. Hiện nay, trên thế giới trung bình có khoảng 50% dân số gặp những vấn đề sức khỏe tâm thần khác nhau (từ stress, lo âu, trầm cảm, tự kỷ, bệnh tâm thần phân liệt, hoang tưởng…). Nếu không phát hiện và điều trị kịp thời sẽ gây ra nhiều hậu quả cả về mặt sức khỏe lẫn khía cạnh kinh tế, xã hội. Đây cũng là vấn đề được Đảng, Nhà nước rất quan tâm. Và có nhiều chính sách tăng cường công tác bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe nhân dân trong tình hình mới.

Theo GS.TS Hoàng Anh Tuấn - Hiệu trưởng Trường ĐH KHXH&NV, ĐHQGHN cho biết, trong thời gian qua, nhà trường đã giao Trung tâm Nghiên cứu Liên ngành các Khoa học Xã hội - nơi tập hợp của các chuyên gia về tâm lý học, công tác xã hội, xã hội học và rất nhiều lĩnh vực khác mang tính liên ngành, liên thông làm nhiệm vụ xây dựng một đề án về các hoạt động chăm sóc sức khỏe tâm thần cộng đồng. Giáo sư Hoàng Anh Tuấn nhấn mạnh, các hoạt động này của nhà trường không chỉ khuôn hẹp trong hoạt động chuyên môn thuần túy về giảng dạy, nghiên cứu hàn lâm mà tất cả kết quả đó cần được triển khai, ứng dụng và phục vụ cho cộng đồng. 

Dự án Tập huấn phòng ngừa các vấn đề sức khỏe tâm thần cho học sinh đã được Trường ĐH KHXH&NV, ĐHQGHN và Viện Gerda Henkel Stiftung tổ chức ở nhiều trường THCS và THPT tại nhiều tỉnh thành của cả nước, như tại Hòa Bình, Thanh Hóa, Hà Tĩnh, Quảng Ninh, Hà Nội. Các chuyên gia của dự án đã đi đến nhiều trường học ở khu vực miền núi, vùng đồng bào dân tộc thiểu số, nơi còn khó khăn trong việc tiếp cận với những dịch vụ chăm sóc sức khỏe tâm thần.

Ngoài ra, trong năm 2022, Trung tâm Nghiên cứu liên ngành các Khoa học xã hội của Trường ĐH KHXH&NV, ĐHQGHN đã triển khai chương trình tư vấn và trị liệu tâm lí cho gần 1.000 học sinh trường HOPE bị mất cha mẹ và người thân trong dịch Covid-19… Đây là một trong những minh chứng cho chủ trương phục vụ cho cộng đồng của VNU-USSH.

Quốc Việt - Thuỳ Dung
#