Trường Đại học Kinh tế quốc dân ra Quy chế tuyển sinh riêng năm 2023

- Thứ Tư, 02/11/2022, 10:04 - Chia sẻ

Ngày 1.11, Trường đại học Kinh tế quốc dân ban hành quy chế tuyển sinh đại học áp dụng từ năm 2023. Đây là trường đầu tiên trên cả nước công bố quy chế tuyển sinh đại học riêng của trường.

Quy chế tuyển sinh này được trường ĐH Kinh tế quốc dân áp dụng với các khóa tuyển sinh từ ngày 1.1.2023.

Quy chế ban hành căn cứ trên Luật giáo dục đại học, nghị định 99, đề án tự chủ của trường và theo quy định tại thông tư 08 ban hành quy chế tuyển sinh đại học; tuyển sinh cao đẳng ngành giáo dục mầm non được Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành năm 2022.

Quy chế tuyển sinh đại học áp dụng từ năm 2023 của Trường đại học Kinh tế quốc dân, không áp dụng đối với công tác tuyển sinh liên kết do các cơ sở đào tạo nước ngoài cấp bằng. 

Sinh viên trường ĐH Kinh tế quốc dân

Theo đó, về phương thức tuyển sinh, Quy chế tuyển sinh của trường ĐH Kinh tế quốc dân nêu rõ:  Hàng năm trong Đề án tuyển sinh, Trường công bố quyết định một hoặc một số phương thức tuyển sinh (thi tuyển, xét tuyển/xét tuyển kết hợp hoặc kết hợp giữa thi tuyển với xét tuyển), áp dụng chung cho cả Trường hoặc áp dụng riêng cho một số chương trình, ngành, lĩnh vực và hình thức đào tạo. Một chương trình, ngành đào tạo có thể sử dụng đồng thời một số phương thức tuyển sinh.

Mỗi phương thức tuyển sinh Trường quy định rõ các tiêu chí đánh giá, xét tuyển và cách thức sử dụng kết hợp các tiêu chí để phân loại, xếp hạng và xác định điều kiện trúng tuyển đối với thí sinh theo yêu cầu của chương trình, ngành đào tạo. Tiêu chí đánh giá, xét tuyển phải dựa trên yêu cầu về kiến thức nền tảng và năng lực cốt lõi mà thí sinh cần có để theo học chương trình, ngành đào tạo.

Đối với phương thức tuyển sinh dựa trên kết quả học tập, kết quả thi theo từng môn (bao gồm điểm tổng kết các môn học cấp THPT, điểm thi các môn tốt nghiệp THPT và các kết quả đánh giá khác), cụ thể:

-  Tổ hợp môn dùng để xét tuyển bao gồm ít nhất 3 môn phù hợp với đặc điểm, yêu cầu của chương trình đào tạo (có thể tính hệ số cho từng môn), trong đó có môn toán hoặc ngữ văn;

-  Một ngành, một chương trình đào tạo có thể sử dụng đồng thời một số tổ hợp môn, trong đó có thể quy định điểm chênh lệch giữa các tổ hợp khi xác định điều kiện trúng tuyển;

-  Không sử dụng quá 4 tổ hợp xét tuyển cho một ngành, một chương trình đào tạo (trừ trường hợp các tổ hợp môn chỉ khác nhau ở môn ngoại ngữ).

Đối với một ngành, chương trình đào tạo có chỉ tiêu riêng cho từng phương thức xét tuyển hoặc tổ hợp xét tuyển như sau:

- Việc phân bổ chỉ tiêu giữa các phương thức, tổ hợp xét tuyển phải có căn cứ hợp lý; không gây mất công bằng cho các thí sinh chọn phương thức, tổ hợp xét tuyển khác nhau;

-  Việc thay đổi, bổ sung phương thức hoặc tổ hợp xét tuyển phải có căn cứ và lộ trình hợp lý; không làm tỉ lệ phân bổ chỉ tiêu của một phương thức, tổ hợp đã sử dụng trong năm trước giảm quá 30% (trong cơ cấu chỉ tiêu của ngành, chương trình đào tạo) trừ trường hợp việc thay đổi, bổ sung đó đã được công bố trước thời điểm mở đăng ký dự tuyển ít nhất 1 năm.

Trường hợp Trường tổ chức thi tuyển sinh thì cần thông báo trước ít nhất 1 năm trước khi cho thí sinh đăng ký dự tuyển và tuân thủ tổ chức thi theo các quy định của Bộ GD-ĐT.

Trường chịu trách nhiệm giải trình về căn cứ khoa học và thực tiễn trong xác định phương thức tuyển sinh, phương thức xét tuyển, tổ hợp xét tuyển và phân bổ chỉ tiêu tuyển sinh; trong đó có dựa trên phân tích, đánh giá và đối sánh kết quả học tập của sinh viên trúng tuyển hàng năm.      

Về Chính sách ưu tiên trong tuyển sinh, nhà trường áp dụng, mức điểm ưu tiên áp dụng cho khu vực 1 (KV1) là 0,75 điểm, khu vực 2 nông thôn (KV2-NT) là 0,5 điểm, khu vực 2 (KV2) là 0,25 điểm; khu vực 3 (KV3) không được tính điểm ưu tiên.

Khu vực tuyển sinh của mỗi thí sinh được xác định theo địa điểm trường mà thí sinh đã học lâu nhất trong thời gian học cấp THPT (hoặc trung cấp); nếu thời gian học (dài nhất) tại các khu vực tương đương nhau thì xác định theo khu vực của trường mà thí sinh theo học sau cùng.

Hồng Hạnh
#