Trường Đại học Kinh tế Quốc dân công bố Ấn phẩm Đánh giá Kinh tế Việt Nam thường niên 2023

- Thứ Tư, 17/04/2024, 14:36 - Chia sẻ

Ngày 17.4, Trường Đại học Kinh tế Quốc dân chủ trì, phối hợp với Ban Kinh tế Trung ương và Ủy Ban Kinh tế của Quốc hội tổ chức Hội thảo khoa học quốc gia “Kinh tế Việt Nam năm 2023 và triển vọng năm 2024: Thúc đẩy tổng cầu để tăng trưởng kinh tế trong bối cảnh mới”, đồng thời công bố Ấn phẩm Đánh giá Kinh tế Việt Nam thường niên 2023.

Tham dự Hội thảo có Phó Trưởng Ban Kinh tế Trung ương Nguyễn Đức Hiển, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Nguyễn Minh Sơn, Ủy viên thường trực Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Phạm Thị Hồng Yến, Ủy viên thường trực Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Phan Đức Hiếu.

Hội thảo cũng có sự tham dự của đại diện các tổ chức quốc tế, lãnh đạo các vụ chức năng Ban Kinh tế Trung ương, đại diện Văn phòng Chính phủ, các Ủy ban của Quốc hội và đại diện các viện, trường, các hiệp hội xúc tiến thương mại, các tập đoàn, doanh nghiệp.

Trường Đại học Kinh tế Quốc dân công bố Ấn phẩm Đánh giá Kinh tế Việt Nam thường niên 2023 -0
GS.TS Phạm Hồng Chương, Hiệu trưởng Trường Đại học Kinh tế Quốc dân phát biểu khai mạc Hội thảo (Ảnh: Tuấn Anh)

Cơ sở quan trọng để đưa ra các khuyến nghị đối với tăng trưởng kinh tế trong bối cảnh mới

Phát biểu khai mạc Hội thảo, GS.TS Phạm Hồng Chương, Hiệu trưởng Trường Đại học Kinh tế Quốc dân chia sẻ, Trường Đại học Kinh tế Quốc dân với truyền thống là một trong những trung tâm nghiên cứu và tư vấn hàng đầu về chiến lược và chính sách phát triển kinh tế xã hội cho Đảng và Nhà nước, đã có nhiều nỗ lực nhằm góp phần giải quyết những vấn đề trọng yếu của nền kinh tế đất nước.

Hội thảo quốc gia thường niên phối hợp giữa Trường Đại học Kinh tế Quốc dân với Ban Kinh tế Trung ương, Ủy ban Kinh tế của Quốc hội là một trong những sự kiện khoa học quan trọng nhất của nhà trường nhằm đánh giá tổng quan nền kinh tế và nhận định những triển vọng của kinh tế đất nước trong những năm tiếp theo.

Theo GS.TS Phạm Hồng Chương, năm 2023 được coi là một trong những năm khó khăn nhất của nền kinh tế Việt Nam trong nhiều năm trở lại đây, khi phải đối mặt với nhiều rủi ro và bất ổn từ bối cảnh quốc tế như tăng trưởng toàn cầu suy yếu, lạm phát toàn cầu ở mức cao, chính sách thắt chặt tiền tệ ở nhiều nước và đặc biệt là căng thẳng địa chính trị gia tăng ở nhiều nơi trên thế giới.

Tốc độ tăng trưởng của Việt Nam năm 2023 vẫn còn xa so với giai đoạn trước Covid-19, trong đó, nổi bật nhất là sự suy yếu của tổng cầu và các thành tố quan trọng của tổng cầu như tiêu dùng, đầu tư, đặc biệt là chất lượng tăng trưởng chưa được cải thiện.

“Tổng cầu đóng vai trò quan trọng trong xác định mức độ hoạt động kinh tế và việc làm trong nền kinh tế. Tổng cầu giảm cho thấy nền kinh tế có nguy cơ suy thoái. Điều này ảnh hưởng nghiêm trọng đến mức tăng trưởng chung của nền kinh tế, gây ra các hậu quả như sản xuất sụt giảm, thất nghiệp tăng cao, giảm thu nhập và chi tiêu của người dân…

Vì vậy, phục hồi tổng cầu là một nhiệm vụ quan trọng đối với Việt Nam, đòi hỏi Chính phủ và các Bộ, Ban, Ngành có liên quan cần khẩn trương có những biện pháp thích hợp, kịp thời, đúng mức để củng cố các động lực tăng trưởng từ phía tổng cầu, từ đó phục hồi tổng cầu, phát triển kinh tế trong bối cảnh mới”, GS.TS Phạm Hồng Chương nhấn mạnh.

GS.TS Phạm Hồng Chương cho rằng, ổn định kinh tế vĩ mô, chủ động phục hồi và thúc đẩy tổng cầu bền vững không chỉ góp phần xây dựng nền tảng vững chắc hơn cho một nền kinh tế tự chủ, mà quan trọng là tăng cường được khả năng chống chọi với các “cú sốc” từ bên ngoài, có ý nghĩa sống còn trong bối cảnh phức tạp như hiện nay.

Hội thảo khoa học quốc gia “Kinh tế Việt Nam năm 2023 và triển vọng năm 2024: Thúc đẩy tổng cầu để tăng trưởng kinh tế trong bối cảnh mới”, bên cạnh đánh giá tổng quan chung về nền kinh tế, sẽ tập trung thảo luận về các thành tố từ phía tổng cầu với mục tiêu phục hồi tổng cầu và tăng trưởng kinh tế. Kết quả của Hội thảo sẽ là cơ sở quan trọng để đưa ra các khuyến nghị đối với tăng trưởng kinh tế trong bối cảnh mới.

“Chúng tôi tin rằng thông qua báo cáo tham luận của các chuyên gia kinh tế, cũng như sự tham gia ý kiến, phân tích, đánh giá của các nhà khoa học, đại diện các Bộ Ban Ngành, các hiệp hội và doanh nghiệp, Hội thảo sẽ thành công tốt đẹp và mang lại nhiều giá trị thiết thực. Nhiều kiến nghị sẽ được chắt lọc để gửi đến Quốc hội và Chính phủ về định hướng chính sách và giải pháp để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế bền vững trong bối cảnh mới”, GS.TS Phạm Hồng Chương cho hay.

120 bài viết gửi về Hội thảo, 68 bài viết được chọn lọc đăng tải trong kỷ yếu

Phát biểu tại Hội thảo, Phó Trưởng Ban Kinh tế Trung ương Nguyễn Đức Hiển cho biết, năm 2023, kinh tế thế giới vẫn gặp nhiều biến động: lạm phát toàn cầu vẫn ở mức cao, các ngân hàng Trung ương tiếp tục theo đuổi chính sách tiền tệ thắt chặt, nhiều nền kinh tế lớn đã tăng trưởng chậm lại và các yếu tố chính trị trên thế giới vẫn còn diễn biến rất phức tạp, tranh chấp thương mại tiếp tục gây rủi ro cho thương mại, ổn định kinh tế toàn cầu. Bên cạnh đó, tác động của biến động khí hậu làm gián đoạn sản xuất nông nghiệp, gây thiệt hại về hạ tầng và ảnh hưởng đến hoạt động kinh tế.

Trường Đại học Kinh tế Quốc dân công bố Ấn phẩm Đánh giá Kinh tế Việt Nam thường niên 2023 -0
Phó Trưởng Ban Kinh tế Trung ương Nguyễn Đức Hiển (Ảnh: Nguyễn Liên)

Trong tháng 1 vừa qua, Hội nghị Chính phủ với chính quyền các địa phương tổng kết công tác năm 2023 cũng như báo cáo của nhiều tổ chức quốc tế gần đây đều thống nhất đánh giá nền kinh tế Việt Nam đã có nhiều điểm sáng như tăng trưởng GDP đạt 5,05% - thuộc nhóm các nước tăng trưởng cao của khu vực và thế giới. Lạm phát được kiểm soát hợp lý ở mức 3,25%, lãi suất có xu hướng giảm và tỷ giá được điều chỉnh linh hoạt. Tuy nhiên, tốc độ tăng trưởng GDP của Việt Nam năm 2023 thấp hơn nhiều so với mục tiêu đề ra là 6,5%.

Theo Phó Trưởng Ban Kinh tế Trung ương Nguyễn Đức Hiển, với tăng trưởng kinh tế như hiện nay, nếu không có sự bứt phá, Việt Nam khó đạt được mục tiêu trở thành nước phát triển vào năm 2045 như chiến lược phát triển kinh tế xã hội 2021-2030, tầm nhìn 2045 đã đề ra.

“Đứng trước những vấn đề trên, như báo cáo của Trường Đại học Kinh tế Quốc dân đã chỉ ra, chúng ta cần tiếp tục đẩy nhanh phục hồi tổng cầu. Đây là chủ đề Trường Đại học Kinh tế Quốc dân nhấn mạnh trong Ấn phẩm Đánh giá Kinh tế Việt Nam thường niên 2023”, Phó Trưởng Ban Kinh tế Trung ương Nguyễn Đức Hiển cho hay.

Phó Trưởng Ban Kinh tế Trung ương Nguyễn Đức Hiển nhấn mạnh, Hội thảo khoa học quốc gia “Kinh tế Việt Nam năm 2023 và triển vọng năm 2024: Thúc đẩy tổng cầu để tăng trưởng kinh tế trong bối cảnh mới” đã “rất trúng” định hướng chung của Chính phủ trong điều hành năm 2024.

Hội thảo được tổ chức nhằm mục tiêu tổng kết toàn diện kinh tế Việt Nam năm 2023 (thành tựu và những tồn tại, đánh giá nguyên nhân, phân tích cơ hội và thách thức). Báo cáo cũng đánh giá thực trạng tổng cầu và các thành tố từ phía tổng cầu; những kết quả đạt được, những hạn chế tồn tại và nguyên nhân; đánh giá đóng góp của các thành tố tổng cầu đến tăng trưởng kinh tế.

Từ đó, đề xuất phương hướng, khuyến nghị chính sách trong điều hành kinh tế năm 2024 và những năm tiếp theo cũng như các khuyến nghị chính sách nhằm thúc đẩy tổng cầu, hướng tới tăng trưởng kinh tế bền vững trong bối cảnh mới.

Hội thảo đã nhận được sự quan tâm lớn của các cơ quan ban ngành và các chuyên gia kinh tế với hơn 120 bài viết gửi về, sau khi phản biện đã có 68 bài viết được đăng tải trong kỷ yếu.

Đầu vào tư liệu quan trọng cho các cơ quan hữu quan nghiên cứu

Tại Hội thảo, GS.TS Tô Trung Thành, Trường Đại học Kinh tế Quốc dân đã đại diện trình bày nội dung Ấn phẩm Đánh giá Kinh tế Việt Nam thường niên 2023: Thúc đẩy tổng cầu để tăng trưởng kinh tế trong bối cảnh mới.

Trường Đại học Kinh tế Quốc dân công bố Ấn phẩm Đánh giá Kinh tế Việt Nam thường niên 2023 -0
Trường Đại học Kinh tế Quốc dân công bố Ấn phẩm Đánh giá Kinh tế Việt Nam thường niên 2023 (Ảnh: Tuấn Anh)

Báo cáo được cấu trúc thành ba phần. Trong đó, Phần I (Kinh tế Việt Nam năm 2023) nghiên cứu về tổng quan kinh tế Việt Nam năm 2023. Phần này bao gồm các nội dung: diễn biến kinh tế thế giới năm 2023; tổng quan kinh tế Việt Nam năm 2023 thông qua các khu vực của nền kinh tế (khu vực kinh tế thực, khu vực tài chính tiền tệ, khu vực tài chính ngân sách).

Phần II (Thực trạng tổng cầu và vai trò của tổng cầu trong tăng trưởng) có mục tiêu đánh giá thực trạng tổng cầu và các thành tố của tổng cầu cũng như tác động của các thành tố tổng cầu đến tăng trưởng. Phần này bao gồm: tổng quan tổng cầu Việt Nam; thực trạng và vai trò của thành tố đầu tư; thực trạng và vai trò của thành tố tiêu dùng; thực trạng và vai trò của thành tố chênh lệch xuất nhập khẩu.

Phần III (Triển vọng Kinh tế năm 2024 và Khuyến nghị chính sách) trình bày triển vọng kinh tế thế giới và Việt Nam năm 2024; đồng thời dựa trên các kết quả nghiên cứu ở Phần I và Phần II, đưa ra các khuyến nghị chính sách vĩ mô nói chung và các chính sách thúc đẩy các thành tố của tổng cầu để tăng trưởng kinh tế trong bối cảnh mới.

Tại Hội thảo cũng đã diễn ra phiên thảo luận bàn tròn với sự tham dự của các diễn giả là đại diện Ban, Bộ, Ngành Trung ương, chuyên gia kinh tế quốc tế, chuyên gia kinh tế trong nước, đại diện doanh nghiệp.

Phiên thảo luận bàn tròn diễn ra sôi nổi, tích cực, cung cấp toàn cảnh bức tranh kinh tế Việt Nam từ góc nhìn vĩ mô và vi mô với lượng thông tin phong phú, đa dạng, nhiều chiều, hàm lượng khoa học cao.

Trường Đại học Kinh tế Quốc dân công bố Ấn phẩm Đánh giá Kinh tế Việt Nam thường niên 2023 -0
Phiên thảo luận bàn tròn với sự tham dự của các diễn giả là đại diện Ban, Bộ, Ngành Trung ương, chuyên gia kinh tế quốc tế, chuyên gia kinh tế trong nước, đại diện doanh nghiệp (Ảnh: Tuấn Anh)
Trường Đại học Kinh tế Quốc dân công bố Ấn phẩm Đánh giá Kinh tế Việt Nam thường niên 2023 -0
Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Nguyễn Minh Sơn phát biểu bế mạc Hội thảo (Ảnh: Nguyễn Liên)

Phát biểu bế mạc Hội thảo, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Nguyễn Minh Sơn khẳng định, những thông tin hữu ích từ Hội thảo với những giải pháp, kiến nghị rõ ràng, cụ thể sẽ là đầu vào tư liệu quan trọng cho các cơ quan hữu quan nghiên cứu trong quá trình hoạch định chính sách và quản lý Nhà nước.

Nguyễn Liên
#