Tăng hiệu quả sử dụng ngân sách cho giáo dục đặt ra “bức thiết hơn bao giờ hết”

- Thứ Năm, 18/01/2024, 07:36 - Chia sẻ

Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Phạm Ngọc Thưởng khẳng định tầm quan trọng của việc thực hiện dự toán ngân sách nhà nước, đặc biệt trong bối cảnh nguồn ngân sách chi thường xuyên có xu hướng giảm nhưng nhu cầu ngày càng lớn. Do đó, việc tăng hiệu quả sử dụng ngân sách đặt ra bức thiết hơn bao giờ hết.

Bộ GD-ĐT vừa tổ chức Hội nghị đánh giá tình hình thực hiện dự toán ngân sách nhà nước năm 2023 và triển khai nhiệm vụ năm 2024. Thứ trưởng Phạm Ngọc Thưởng chủ trì hội nghị.

Dự toán chi thường xuyên năm 2024 tăng hơn so với năm trước

Bộ GD-ĐT cho biết năm 2023, phương án phân bổ, điều chỉnh dự toán ngân sách nhà nước của Bộ GD-ĐT được thực hiện theo đúng Luật Ngân sách Nhà nước và các quy định pháp luật có liên quan.

Trong điều kiện kinh phí giảm mạnh so với năm 2022 nhưng Bộ đã cố gắng tiết kiệm, cơ bản phân bổ, quản lý, điều hành đảm bảo các khoản chi chế độ chính sách lương, cũng như đáp ứng các nhiệm vụ quan trọng khác trong năm của Bộ GD-ĐT. Đồng thời, rà soát để tiết giảm được một số khoản chi chưa thật sự cần thiết, đề xuất phương án điều chỉnh kinh phí để tránh lãng phí, bổ sung chi chế độ chính sách cho người học, các nhiệm vụ cần thiết, cấp bách.

Bên cạnh các kết quả đạt được, việc thực hiện dự toán ngân sách nhà nước của Bộ GD-ĐT trong năm 2023 còn một số tồn tại, hạn chế.

Tăng hiệu quả sử dụng ngân sách cho giáo dục đào tạo là việc “bức thiết hơn bao giờ hết” -0
Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Phạm Ngọc Thưởng phát biểu

Tại Hội nghị, đại diện các đơn vị thuộc, trực thuộc Bộ GD-ĐT đã thảo luận, chia sẻ kinh nghiệm trong thực hiện dự toán ngân sách nhà nước, nêu những khó khăn, vướng mắc, nguyên nhân và giải pháp để thực hiện tốt hơn công tác này trong năm 2024.

Dự toán chi thường xuyên năm 2024 được Thủ tướng Chính phủ giao cho Bộ GD-ĐT có tăng so với năm 2023, nhưng chủ yếu là tăng kinh phí đào tạo sinh viên sư phạm theo Nghị định 116/2020/NĐ-CP.

Để việc triển khai thực hiện dự toán ngân sách năm 2024 đạt hiệu quả, Bộ GD-ĐT đề nghị các đơn vị thuộc, trực thuộc khắc phục, chấm dứt tồn tại, hạn chế, đáp ứng yêu cầu quản lý tiết kiệm chi, thực hiện nghiêm các chủ trương của Đảng, quy định của pháp luật, chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí, góp phần nâng cao hơn nữa hiệu quả sử dụng ngân sách nhà nước.

Phát biểu tại Hội nghị, Thứ trưởng Phạm Ngọc Thưởng khẳng định tầm quan trọng của việc thực hiện dự toán ngân sách nhà nước, đặc biệt trong bối cảnh nguồn ngân sách chi thường xuyên có xu hướng giảm nhưng nhu cầu ngày càng lớn. Do đó, việc tăng hiệu quả sử dụng ngân sách đặt ra bức thiết hơn bao giờ hết.

Nhìn nhận những ưu điểm và hạn chế trong công tác thực hiện dự toán ngân sách nhà nước của Bộ GD-ĐT những năm qua, Thứ trưởng lưu ý Thủ trưởng các đơn vị thuộc, trực thuộc Bộ tiếp tục quan tâm chỉ đạo tổ chức thực hiện đúng các quy định về ngân sách, các văn bản chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, hướng dẫn của Bộ Tài chính, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, thực hiện kỷ cương về tài chính. Trong đó, cân nhắc kỹ lưỡng về hiệu quả đầu tư, đầu tư có trọng tâm, trọng điểm; rà soát cắt giảm các nhiệm vụ không hiệu quả.

Đồng thời, thường xuyên, kịp thời rà soát ban hành quy chế chi tiêu nội bộ phù hợp, xây dựng kế hoạch tập trung chỉ đạo giải ngân vốn đầu tư công, tích cực chuẩn bị xây dựng kế hoạch nhiệm vụ đầu tư công giai đoạn tiếp theo…

Tăng hiệu quả sử dụng ngân sách cho giáo dục đào tạo là việc “bức thiết hơn bao giờ hết” -0
Toàn cảnh Hội nghị

Tăng chi ngân sách nhà nước cho giáo dục đại học

Trước đó, phát biểu tại Hội nghị tổng kết 10 năm thực hiện Nghị quyết số 29-NQ/TW tổ chức cuối năm 2023 vừa qua, Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Văn Phúc đại diện Ban cán sự đảng Bộ GD-ĐT đề xuất Bộ Chính trị ban hành Kết luận của Bộ Chính trị về việc tiếp tục thực hiện Nghị quyết 29, trong đó yêu cầu các cấp ủy, tổ chức đảng, cơ quan, đơn vị cần tiếp tục quán triệt sâu sắc và triển khai thực hiện quyết liệt hơn, hiệu lực, hiệu quả hơn nữa các quan điểm, mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp đã nêu trong Nghị quyết 29.

Một trong những nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm được Ban cán sự đảng Bộ GD-ĐT nhấn mạnh là đảm bảo ngân sách nhà nước chi cho giáo dục, đào tạo tối thiểu 20% tổng chi ngân sách nhà nước. Nhà nước đảm bảo kinh phí cho giáo dục bắt buộc, giáo dục phổ cập, miễn học phí cho trẻ em mẫu giáo 5 tuổi và thực hiện các nhiệm vụ trọng điểm trong lĩnh vực giáo dục; ưu tiên đầu tư cho giáo dục, đào tạo vùng đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi, biên giới, hải đảo.

Bên cạnh đó, nghiên cứu thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia về phát triển giáo dục và đào tạo giai đoạn 2026 - 2030 để đầu tư kiên cố hóa trường, lớp học, xóa phòng học tạm, xây dựng trường chuẩn quốc gia và mua sắm, sửa chữa trang thiết bị dạy học tối thiểu. Có cơ chế, chính sách đột phá thúc đẩy, khuyến khích xã hội hóa, huy động các nguồn lực đầu tư cho giáo dục và đào tạo. Hoàn thiện chính sách hỗ trợ người học theo các ngành Nhà nước cần ưu tiên phát triển thông qua việc hỗ trợ học bổng, cho vay tín dụng.

Ban cán sự đảng Bộ GD-ĐT cũng đề xuất tập trung đầu tư cho giáo dục đại học để tạo đột phá trong đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao phục vụ quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước. Tăng chi ngân sách nhà nước cho giáo dục đại học đạt tỷ trọng trên GDP bằng mức trung bình của các nước tiên tiến trong khu vực.

Xây dựng cơ chế, chính sách đột phá và đầu tư nguồn lực để phát triển các đại học quốc gia, đại học vùng, các trường đại học xuất sắc theo hiệp định hợp tác với chính phủ các nước, các cơ sở giáo dục đại học trọng điểm và các trường đại học sư phạm ngang tầm các nước tiên tiến, có đủ năng lực, điều kiện để giữ vai trò nòng cốt trong đào tạo, nghiên cứu khoa học.

Nguyễn Liên
#