Sau nhiễm Adenovirus, trẻ 2 tuổi bị viêm não, liệt mềm toàn thân

- Thứ Hai, 05/12/2022, 08:46 - Chia sẻ

Bệnh viện Sản Nhi tỉnh Phú Thọ vừa ghi nhận một trường hợp trẻ 2 tuổi gặp biến chứng sau nhiễm Adenovirus

Bé Đ.V.T., 2 tuổi, được chuyển từ Bệnh viện Nhi Trung ương về điều trị tại Bệnh viện Sản Nhi tỉnh Phú Thọ từ cuối tháng 11, với chẩn đoán nhiễm trùng huyết, nhiễm nấm Candidas tiết niệu, di chứng viêm não sau nhiễm Adenovirus (liệt mềm toàn thân), suy hô hấp độ III.

Theo thông tin từ gia đình, trước đó trẻ hoàn toàn khỏe mạnh. Bệnh khởi phát với cơn sốt cao kéo dài kèm theo các triệu chứng đường hô hấp nổi bật gồm: đi ngoài phân lỏng (9-10 lần/ngày), nôn nhiều (2-3 lần/ngày). Trẻ được gia đình đưa đi khám và được chẩn đoán bị tiêu chảy cấp đồng thời theo dõi tình trạng nhiễm trùng huyết.

Trước khi được chẩn đoán dương tính với Adenovirus, trẻ đã xuất hiện triệu chứng co giật kín đáo, không rõ cơn giật điển hình hay tím tái. Tuy nhiên khi được chọc dịch não tủy xét nghiệm theo dõi viêm não/màng não, kết quả thu được lại hoàn toàn bình thường, phù hợp với lứa tuổi.

Sau nhiễm Adenovirus, trẻ 2 tuổi bị viêm não, liệt mềm toàn thân -0
Trẻ hiện được chăm sóc, điều trị tại Bệnh viện Sản Nhi tỉnh Phú Thọ (Ảnh: BVCC).

Sau đó vài ngày, khi bệnh nhi được xét nghiệm Adenovirus bằng phương pháp Realtime PCR tại Bệnh viện Nhi trung ương mới cho kết quả dương tính, các triệu chứng co giật rõ rệt hơn, các cơn co giật xuất hiện với tần suất nhiều hơn và kéo dài (trong khoảng 10 phút). Sau co giật trẻ không tỉnh lại, giảm ý thức và bắt đầu có tình trạng yếu liệt chân tay 2 bên.

Bệnh nhi được điều trị an thần, thở máy kết hợp với kháng sinh liều cao, điều trị tình trạng viêm não, màng não, chống phù não, tăng áp lực nội sọ.

Sau một thời gian điều trị, tình trạng của trẻ đã ổn định hơn, tình trạng sốt cao đã được cải thiện. Tuy nhiên di chứng của viêm màng não sau nhiễm Adenovirus khiến bé bị liệt mềm toàn thân, cần rất nhiều thời gian để cải thiện.

Hiện tại, trẻ đang tiếp tục được điều trị tại Bệnh viện Sản Nhi tỉnh Phú Thọ với phác đồ an thần thở máy, truyền albumin, truyền máu kết hợp sử dụng các thuốc kháng sinh.

Adenovirus là một nhóm virus có thể gây ra tình trạng nhiễm trùng. Nhiễm trùng Adenovirus có thể xảy ra ở mọi lứa tuổi, tuy nhiên chủng virus phổ biến hơn ở trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ.

Theo BS Dương Thị Hồng Ngọc – Khoa Hồi sức tích cực chống độc, Bệnh viện Sản Nhi tỉnh Phú Thọ, trong trường hợp trẻ được chẩn đoán nhiễm Adenovirus ở mức độ nhẹ với các biểu hiện như: sốt cao, ho ít hoặc kèm theo một số biểu hiện của đường hô hấp trên, gia đình hoàn toàn có thể theo dõi và điều trị theo hướng dẫn của bác sĩ tại nhà.

Tuy nhiên, nếu trẻ đã từng tiếp xúc với người nhiễm Adenovirus được khẳng định trước đó, hoặc có xuất hiện một số triệu chứng nặng như: sốt cao nhiều ngày không đáp ứng với thuốc hạ sốt; bị viêm kết mạc mắt, đau mắt hoặc có vấn đề về thị lực; bị nôn mửa, tiêu chảy hoặc có dấu hiệu mất nước như: miệng khô, mệt mỏi, đi tiểu ít,… gia đình cần sớm đưa trẻ đến các cơ sở y tế để được thăm khám và điều trị kịp thời, tránh để bệnh diễn biến nặng gây ra những biến chứng ảnh hưởng xấu đến sức khỏe của trẻ.

Để phòng bệnh cho trẻ trong giai đoạn rét đậm này, các chuyên gia khuyến cáo:

- Trước hết, cần nâng cao thể trạng của trẻ thông qua chế độ ăn uống và bổ sung vitamin theo lứa tuổi.

- Chú ý đến khâu vệ sinh, nhất là vệ sinh cá nhân của trẻ. Người lớn cần hướng dẫn trẻ rửa tay và thậm chí là rửa đồ chơi của trẻ, không cho trẻ ngậm đồ chơi.

- Tránh đưa trẻ đến nơi đông người. Nếu trẻ bị ốm thì nên cho trẻ nghỉ học, cách ly tại nhà. Việc này sẽ giúp chăm sóc trẻ tốt hơn và tránh lây lan cho người khác.

- Các virus gây bệnh đường hô hấp lây lan qua giọt bắn. Vì vậy, cần cho trẻ đeo khẩu trang khi ở nơi đông người. Hạn chế tối đa việc người lớn hôn má trẻ vì có thể lây bệnh.

Minh Tiến
#