Góp ý sửa đổi, bổ sung Quyết định số 37/2018/QĐ-TTg, Quyết định số 25/2020/QĐ-TTg:

Quy định 37 về xét giáo sư, phó giáo sư: Có nhiều kẽ hở, nảy sinh tiêu cực, cần sửa đổi !

- Thứ Hai, 18/12/2023, 16:39 - Chia sẻ

Thành công nhất của Quyết định 37/2018/QĐ-TTg, Quyết định số 25/2020/QĐ-TTg về tiêu chuẩn xét giáo sư, phó giáo sư là nâng cao chất lượng GS, PGS đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của phát triển nguồn nhân lực cho đất nước và hội nhập quốc tế. Tuy nhiên, trong quy định này khi triển khai đã nảy sinh nhiều bất cập, kẽ hở, tiêu cực, cần sửa đổi cho phù hợp với thực tế.

Năm 2023 là năm thứ 5 chính thức áp dụng Quyết định số 37/2018/QĐ-TTg ngày 31/8/2018 của Thủ tướng Chính phủ ban hành quy định tiêu chuẩn, thủ tục xét công nhận đạt tiêu chuẩn và bổ nhiệm chức danh giáo sư, phó giáo sư; thủ tục xét hủy bỏ công nhận chức danh và miễn nhiệm chức danh giáo sư, phó giáo sư (Quyết định 37); và là năm thứ tư thực hiện Quyết định số 25/2020/QĐ-TTg (Quyết định 25) sửa đổi, bổ sung một số điều của Quyết định 37.

Quyết định 37 thay thế Thông tư 174/2008/QĐ-TTg ngày 31 tháng 12 năm 2008 với nhiều điểm mới, được đánh giá là khắt khe và yêu cầu cao hơn so với trước đây.

Tuy nhiên, đến thời điểm này, nhiều ý kiến cho rằng, cần phải sửa đổi, bổ sung Quyết định số 37/2018 và Quyết định 25/2020/QĐ-TTg vì gây ra nhiều vấn đề không công bằng, ví dụ như: Quy định đủ số lượng công bố khoa học là đạt, bất kể những công bố ấy có đủ chất lượng hay không; đủ số giờ giảng dạy là đạt, bất kể hiệu quả của những buổi giảng dạy ấy có thực chất hay không, hay chỉ giảng cho xong bài vở, cho đủ giờ; đủ số học viên bảo vệ thành công luận văn/luận án là đạt, bất kể sau đó chất lượng nghiên cứu, hoạt động chuyên môn của những học viên này có còn được đảm bảo...?

Quy định 37 về xét giáo sư, phó giáo sư: Có nhiều kẽ hở, nảy sinh tiêu cực, cần sửa đổi ! -0
Quyết định 37 có nhiều điểm mới, được đánh giá khắt khe và yêu cầu cao hơn so với trước đây khiến số giáo sư, phó giáo sư xét duyệt qua các năm có sự sụt giảm mạnh so với giai đoạn trước (Ảnh: minh hoạ Internet)

Trao đổi với Báo Đại biểu Nhân dân, GS.TS Trần Văn Chứ, Thư ký Hội đồng Giáo sư liên ngành Nông – Lâm nghiệp cho biết, Hội đồng Giáo sư liên ngành Nông -  Lâm nghiệp đã có văn bản góp ý rất nhiều nội dung, những quy định chung, những vấn đề cụ thể về tiêu chuẩn chức danh GS, PGS và một số kiến nghị khác liên quan đến Ngành Nông - Lâm nghiệp.

Quyết định 37/2018/QĐ-TTg với nhiều điểm mới, khắt khe và yêu cầu cao hơn so với Quyết định số 174/2008/QĐ-TTg. Phải nói rằng thành công nhất của Quyết định 37/2018/QĐ-TTg, Quyết định số 25/2020/QĐ-TTg là yêu cầu về các bài báo uy tín quốc tế, đã góp phần quan trọng trong việc nâng cao chất lượng GS, PGS đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao cho đất nước và hội nhập quốc tế.

Nhờ những quy định này giúp các cơ sở giáo dục đại học, các viện nghiên cứu đã có những chính sách mạnh mẽ để tăng các công bố quốc tế qua đầu tư các nhóm nghiên cứu mạnh, các đề tài, dự án, các hợp tác quốc tế và đặc biệt là tăng xếp hạng đại học, tăng chất lượng từ hướng dẫn nghiên cứu sinh. Đây là điểm sáng nhất và cần tiếp tục kiên định và duy trì kể cả khối khoa học xã hội nhân văn.

Quyết định 37/2018/QĐ-TTg gây nhiều tranh cãi

- Thưa GS, nhiều ứng viên giáo sư (GS), phó giáo sư (PGS) cho rằng Quyết định 37/2018/QĐ-TTg còn không hợp lý ở chỗ vẫn dựa vào việc đếm, quy mọi thứ ra điểm, không tạo ra được cơ chế khoa học để đánh giá năng lực, ngược lại, tạo ra kẽ hở với những quy định quá chung chung về "công bố quốc tế" khuyến khích người ta gian lận. Tiêu chuẩn xét theo Quyết định 37/2018/QĐ-TTg là thiên về lượng, nhẹ về chất. Ý kiến GS về vấn đề này như thế nào?

GS.TS Trần Văn Chứ: Tôi cho rằng trong giai đoạn hiện nay và 10 năm nữa, Quyết định 37/2018/QĐ-TTg, là rõ ràng, công khai minh bạch tiêu chuẩn, công khai thông tin các thành viên Hội đồng các cấp và ứng viên đã giúp có thêm cánh tay phản biện nối dài.

Ở các cấp hội đồng lượng là thước đo, còn chất phải do các phản biện và các chuyên gia. Quyết định 37 cũng đã nêu khi chọn 03 phản biện phải là người đúng ngành, lĩnh vực. Cần tăng thêm liêm chính học thuật bằng cách đề xuất Bộ GD-ĐT và các cơ sở giáo dục đại học, viện nghiên cứu tăng cường nhận thức và ban hành các quy định liêm chính học thuật, việc này trước hết là ứng cử viên và cơ sở giáo dục phải chịu trách nhiệm.

Tuy nhiên, Quyết định 37/2018/QĐ-TTg có lẽ quá nhân văn và gây nhiều tranh cãi là vận dụng các điều kiện khác để bù cho các điều kiện còn thiếu. Một tồn tại gây tranh cãi trong nhiều năm là triển khai của các hội đồng chưa đồng đều, vận dụng chưa khoa học Quyết định 37/2018/QĐ-TTg và đặc biệt kẽ hở trong bài báo quốc tế uy tín.

Vì vậy việc góp ý, sửa đổi Quyết định 37/2018/QĐ-TTg cần dựa vào những tồn tại của nó trong quá trình triển khai vừa qua.

Cần quy định rõ tiêu chuẩn thành viên Hội đồng giáo sư các cấp

- Theo GS thì việc sửa đổi Quyết định 37/2018/QĐ-TTg bắt đầu từ đâu? Có nên chăng từ cơ cấu hội đồng GS các cấp?

GS.TS Trần Văn Chứ: Theo tôi, vẫn giữ nguyên như cơ cấu, tổ chức; quyền hạn, trách nhiệm và nhiệm vụ như hiện nay của các hội đồng mà chưa thể xóa bỏ Hội đồng ngành, liên ngành.

Hội đồng ngành, liên ngành là cơ quan chuyên môn quan trọng đánh giá các ứng viên. Vì vậy, giai đoạn hiện tại cần giữ nguyên các hội đồng này, nhưng cần quy định rõ hơn cách tiếp cần và chất vấn ứng cử viên chuyên sâu nhất là kinh nghiệm giảng dạy chuyên môn sâu, kinh nghiệm xây dựng và đóng góp phát triển, phản biện, đánh giá CTĐT mang tính người dẫn dắt, kết quả nghiên cứu và công bố cần trao đổi sâu hơn giữa hội đồng và ứng cử viên.

Thành viên Hội đồng cần quy định rõ và giám sát thực hiện kết quả nghiên cứu được công bố trên các tạp chí có uy tín hoặc NXB có uy tín trong 5 năm liền kề với thời điểm được bổ nhiệm thành viên Hội đồng.

Theo Điều 14, Thông tư 04/2014, về cơ cấu tổ chức thì mỗi đơn vị không quá 2 thành viên trong Hội đồng ngành, liên ngành thay vì 3 người như hiện nay để tạo điều kiện các thành viên hội đồng ngành, liên ngành nên thuộc nhiều đơn vị trong cả nước và có tính đầu ngành của mỗi chuyên ngành hẹp, trong đào tạo và NCKH. Trong trường hợp đặc biệt có thể xin phép Chủ tịch Hội đồng GSNN quyết định.

Về độ tuổi của thành viên Hội đồng cơ sở; ngành, liên ngành và Hội đồng GSNN cũng cần có quy định không quá 72 tuổi. Hiện nay tuổi nghỉ hưu của cán bộ, viên chức là 60+2 = 62 tuổi. Nghị định số 50/2022/NĐ-CP quy định các trường hợp có trình độ chuyên môn kỹ thuật cao bảo đảm đáp ứng yêu cầu sử dụng đội ngũ viên chức có trình độ chuyên môn cao nhất hiện nay là kéo dài lần thứ nhất 5 năm. Trong một số trường hợp đơn vị và cá nhân có yêu cầu thì kéo thêm 5 năm nữa. Như vậy tổng số là 72 tuổi.

Không nên thay đổi chức danh Phó Chủ Tịch và Thư Ký Hội đồng giáo sư ngành và liên ngành từng năm trong nhiệm kỳ mà nên theo nhiệm kỳ chủ tịch (qua theo dõi các chức danh này hầu như không thay đổi của cả nhiệm kỳ 5 năm trừ khi thay đổi nhiều nhân sự thành viên hội đồng).

Cần quy định rõ tiêu chuẩn thành viên Hội đồng GS cơ sở, Hội đồng GS ngành, liên ngành. Hội đồng GSNN phải là những người đang công tác trong các cơ sở giáo dục đại học, học viện, viện nghiên cứu có đào tạo từ trình độ đại học trở lên.

Trong trường hợp đặc biệt một số ngành, liên ngành không đủ số lượng GS, PGS vào thành lập Hội đồng theo quy định, lúc đó có thể do Chủ tịch Hội đồng GSNN, Bộ trưởng Bộ GD-ĐT chỉ định riêng.

Quy định 37 về xét giáo sư, phó giáo sư: Có nhiều kẽ hở, nảy sinh tiêu cực, cần sửa đổi ! -0
GS.TS Trần Văn Chứ

Cần làm đúng trách nhiệm với bài báo quốc tế 

- Về tiêu chuẩn xét công nhận GS, PGS, nhiều ý kiến cho rằng không nên hạ thấp tiêu chuẩn mà cần nâng cao nhằm tạo ra một thế hệ trí thức có khả năng hội nhập quốc tế cao. Tuy nhiên, hiện nay những quy định về tiêu chí về bài báo, về sách chuyên khảo, giờ dạy, đề tài nghiên cứu...đã nảy sinh tiêu cực và gây nhiều tranh cãi. Theo GS những vấn đề trên cần sửa đổi như thế nào?

GS.TS Trần Văn Chứ: Cần nhất quán các bài báo quốc tế có uy tín cần phải được giữ nguyên về số lượng và nâng cao chất lượng các bải báo này, kể cả khối khoa học Xã hội nhân văn.

Vẫn thống nhất quan điểm các bài báo quốc tế có uy tín là những tạp chí thuộc cơ sở dữ liệu lớn như Web of Science và Scopus, của các nhà xuất bản có uy tín trên thế giới như Elsevier, Springer, Sage.

Tuy nhiên những năm qua, rất nhiều tạp chí vẫn nằm trong Web of Science và Scopus những chỉ số IF rất thấp, Q3, Q4. Nên từ 2024 trở đi, nên lượng hóa tạp chí quốc tế uy tín được đánh giá bằng chỉ số IF (impact factor). Nếu như gọi là uy tín thì ít nhất phải có giá trị từ 1,0 trở lên (tương đương với Q2).

Việc đánh giá chất lượng các bài báo quốc tế có uy tín đã có nhiều công cụ để kiểm tra và phụ thuộc chủ yếu vào hội đồng cơ sở, liên ngành (liên ngành với tư cách là bộ phận chuyên môn của Hội đồng GSNN) đặc biệt là 03 phản biện các cấp.

Tôi cho rằng nếu làm đúng trách nhiệm thì chất lượng bài báo quốc tế chúng ta hoàn toàn được đánh giá đúng. Hiện nay, rất nhiều đơn vị, tổ chức đã ban hành các quy định về liêm chính học thuật và các công cụ hỗ trợ hiệu quả như: Research ID, ORCID Id, Google Scholar.

Năm 2024, trong trường hợp bài báo có tác giả đứng đầu và tác giả liên hệ là hai người khác nhau thì chỉ tính cho mỗi tác giả một nửa và không tính cho hai người như hiện nay. Nếu có nhiều tác giả liên hệ trong bài báo thì bài đó chỉ tính cho tác giả chính và không tính cho tác giả liên hệ. Từ năm 2025 tác giả của bài báo đăng trên tạp chí quốc tế có uy tín chỉ tính cho tác giả đứng đầu.

Làm được điều này sẽ không tiêu cực và không thực chất đều đến từ quy định này và dẫn đến người viết thuê, người giúp đỡ lẫn nhau,…làm tác giả liên hệ cho bài báo đó.

Vấn đề sách chuyên khảo hiện nay đang là vấn đề bàn luận với nhiều ý kiến của các nhà khoa học, các hội đồng. Vì vậy Bộ cần có quy định cụ thể, rõ hơn nữa về sách chuyên khảo. Hiện nay rất nhiều sách trên bìa ghi chuyên khảo nhưng qua thẩm định đó chỉ là tham khảo vì không phải là kết quả nghiên cứu chuyên sâu và tương đối toàn diện về một vấn đề khoa học chuyên ngành.

Đối với GS, PGS việc giảng dạy, hướng dẫn cao học, NCS, viết báo quốc tế và trong nước, NCKH (các đề tài cơ sở; cấp bộ, ngành, nhà nước; các dự án trong nước và quốc tế) là nhiệm vụ bắt buộc và bổ trợ lẫn nhau. Không nên quy đổi (bù) các CTKH cho việc thiếu năm thâm niên, thiếu hướng dẫn cao học, NCS hoặc thiếu đề tài hoặc hạn chế thấp nhất việc bù công trình. Việc bù này trong nhiều năm qua gây tranh cãi.

Vấn đề các đề tài nghiên cứu cũng cần đưa các quy định. Với ứng viên GS bắt buộc phải có đề tài cấp bộ và tương đương và không bù điều kiện gì cho đề tài cấp bộ (ví dụ 2 đề tài cấp cơ sở thay cho 1 đề tài cấp bộ). Với ứng viên PGS cần phải có 2 đề tài cấp cơ sở.

Cần có quy định cụ thể hơn về đề tài cấp cơ sở. Trong những năm qua nhiều ứng viên thực hiện đề tài cấp cơ sở với số lượng kinh phí quá ít, nhiều đề tài quá nhỏ và ít kinh phí không đúng là đề tài và chỉ là một nhiệm vụ khoa học. Nên quy định đề tài cấp cơ sở nên có kinh phí từ 20 triệu trở lên.

- Trân trọng cảm ơn GS.TS Trần Văn Chứ!                               

Hồng Hạnh
#