Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Hà Nội nói "bí quyết" tăng cơ hội trúng tuyển vào các ngành hot

- Thứ Bảy, 04/05/2024, 07:29 - Chia sẻ

Trao đổi với Báo Đại biểu Nhân dân, Tiến sĩ Nguyễn Tiến Dũng, Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Hà Nội đã thông tin về những điểm mới trong phương án tuyển sinh của nhà trường năm 2024, đồng thời bật mí nhiều cơ hội trúng tuyển vào các ngành hot của trường. 

Không tuyển sinh các chương trình chất lượng cao, thêm 5 chương trình đào tạo tiên tiến

- Thưa TS Nguyễn Tiến Dũng, ông có thể cho biết năm 2024, phương án tuyển sinh của Trường Đại học Hà Nội có điểm gì mới so với năm trước?

TS Nguyễn Tiến Dũng: Năm 2024, Trường Đại học Hà Nội vẫn giữ ổn định phương thức tuyển sinh như các năm trước. Cụ thể, nhà trường áp dụng 3 phương thức tuyển sinh gồm: Xét tuyển thẳng theo quy định của Bộ GD-ĐT, Xét tuyển kết hợp theo quy định của trường và Xét tuyển điểm thi tốt nghiệp THPT năm 2024.

Tỷ lệ phân bổ chỉ tiêu cho 3 phương thức như sau: 5% dành cho Xét tuyển thẳng và ưu tiên xét tuyển theo quy định của Bộ GD-ĐT, 45% dành cho Xét tuyển kết hợp theo quy định của trường và 50% còn lại dành cho Xét tuyển bằng điểm thi tốt nghiệp THPT năm 2024.

Năm nay, Trường Đại học Hà Nội không tuyển sinh các chương trình chất lượng cao như những năm trước. Nhà trường mở mới ngành Công nghệ tài chính và có thêm 5 chương trình đào tạo tiên tiến của các ngành: Ngôn ngữ Anh, Ngôn ngữ Trung Quốc, Ngôn ngữ Italia, Công nghệ thông tin, Quản trị dịch vụ du lịch và lữ hành.

Đó là một số nét mới trong công tác tuyển sinh năm 2024 của Trường Đại học Hà Nội so với những năm trước.

Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Hà Nội nói bí quyết tăng cơ hội trúng tuyển vào các ngành “hot” -0
TS Nguyễn Tiến Dũng, Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Hà Nội (Ảnh: Văn Tùng)

Thí sinh cần đáp ứng năng lực ngoại ngữ thế nào để đủ điều kiện xét tuyển?

- Nhà trường tuyển sinh theo những tổ hợp nào? Thí sinh cần đáp ứng năng lực ngoại ngữ như thế nào để đủ điều kiện xét tuyển vào trường, thưa ông?

TS Nguyễn Tiến Dũng: Nhiều năm nay, chúng tôi duy trì ổn định 2 tổ hợp xét tuyển.

Thứ nhất là tổ hợp các môn khối A1 (Toán, Vật lý, Tiếng Anh) để xét tuyển một số ngành như Công nghệ thông tin, Truyền thông đa phương tiện.

Thứ hai - cũng là khối xét tuyển phổ biến nhất của nhà trường là khối D (Toán, Ngữ văn, Ngoại ngữ). Môn Ngoại ngữ ở đây bao gồm tất cả ngoại ngữ phổ biến hiện nay, được Bộ GD-ĐT cho phép thực hiện trong công tác tuyển sinh như: tiếng Anh, tiếng Pháp, tiếng Trung Quốc, tiếng Hàn Quốc, tiếng Đức,...

Với đặc thù là trường đại học có truyền thống về đào tạo ngoại ngữ và toàn bộ các ngành đào tạo chuyên ngành đều được thực hiện bằng ngoại ngữ trong giảng dạy, kiểm tra, đánh giá, do đó một trong các yêu cầu đầu vào đối với thí sinh là phải có trình độ ngoại ngữ tốt.

Điểm Ngoại ngữ có thể được thể hiện qua các chứng chỉ năng lực ngoại ngữ quốc tế mà thí sinh có được. Trường Đại học Hà Nội hiện chấp nhận 21 loại chứng chỉ năng lực ngoại ngữ khác nhau cho tất cả thứ tiếng được giảng dạy tại nhà trường, từ những thứ tiếng phổ biến như tiếng Anh, tiếng Pháp, tiếng Trung, tiếng Nhật cho đến tiếng Tây Ban Nha, tiếng Bồ Đào Nha, tiếng Italia, tiếng Đức đều có các chứng chỉ tương ứng. Nhà trường cũng chấp nhận chứng chỉ của kỳ thi năng lực ngoại ngữ trên máy tính theo quy định của Bộ GD-ĐT.

Ngoài ra, thí sinh nếu xét đăng ký xét tuyển bằng điểm thi tốt nghiệp THPT có thể minh chứng cho năng lực ngoại ngữ của mình bằng điểm thi tốt nghiệp môn tiếng Anh. Thông thường, điểm này phải rất cao, bởi lẽ điểm trung bình xét tuyển vào nhà trường theo phương thức xét điểm thi tốt nghiệp THPT dao động trong khoảng 32 - 36 điểm theo thang điểm 40 (điểm Ngoại ngữ nhân hệ số 2). Như vậy, trung bình mỗi môn, thí sinh phải đạt từ 8 - 9 điểm và Ngoại ngữ là môn thí sinh cần rất chú trọng.

- Với phương thức Xét tuyển kết hợp - phương thức chiếm 45% chỉ tiêu tuyển sinh của Trường Đại học Hà Nội năm nay, nguyên tắc xét tuyển là gì, thưa ông?

TS Nguyễn Tiến Dũng: Như tên gọi của phương thức là Xét tuyển kết hợp, nhà trường không sử dụng một công cụ duy nhất để đánh giá xét tuyển, mà thí sinh phải đáp ứng tổng hợp nhiều yếu tố khác nhau.

Ví dụ, thí sinh có chứng chỉ năng lực ngoại ngữ quốc tế, hay là học sinh các trường chuyên, hay đoạt giải cao trong các kỳ thi quốc gia, quốc tế,... đều đi kèm với điều kiện điểm trung bình của 5 học kỳ đầu tiên bậc THPT. Nhà trường sẽ đánh giá dựa trên các tiêu chí cho từng nhóm đối tượng, đi kèm với đó là kết quả học tập của thí sinh trong 5 học kỳ đầu tiên bậc THPT để làm căn cứ xét tuyển.

Với nhóm thí sinh đăng ký xét tuyển theo phương thức này, chúng tôi lưu ý các em một số vấn đề sau.

Thứ nhất, mỗi thí sinh phải xác định cho mình một đối tượng cụ thể như: học sinh có chứng chỉ năng lực ngoại ngữ quốc tế; học sinh trường chuyên; học sinh đã tham gia các cuộc thi quốc tế, quốc gia,... Trên thực tế, có những thí sinh đáp ứng được nhiều hơn một nhóm đối tượng, trong trường hợp này các em phải lựa chọn một nhóm đối tượng duy nhất.

Thứ hai, thí sinh chỉ được lựa chọn tối đa 3 nguyện vọng ở phương thức này. Nếu như với xét tuyển bằng điểm thi tốt nghiệp THPT, thí sinh gần như không có hạn định về số lượng nguyện vọng thì với hình thức này, nhà trường giới hạn thí sinh chỉ có 3 nguyện vọng. Do đó, các em cần cân nhắc rất kỹ để lựa chọn 3 nguyện vọng trong số nhiều ngành mà nhà trường đang đào tạo.

Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Hà Nội nói bí quyết tăng cơ hội trúng tuyển vào các ngành “hot” -0
Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Hà Nội nói bí quyết tăng cơ hội trúng tuyển vào các ngành “hot” -0
Sinh viên Trường Đại học Hà Nội (Ảnh: Nguyễn Liên)

Dự đoán về tỷ lệ chọi những ngành “hot” năm 2024

- Những năm gần đây, ngành học mà Trường Đại học Hà Nội lấy điểm cao nhất, có tỷ lệ chọi cao nhất thường là Ngôn ngữ Hàn Quốc, Ngôn ngữ Trung Quốc, Ngôn ngữ Nhật Bản,... Ông có thể đưa ra dự đoán về tỷ lệ chọi của những ngành này năm nay và theo ông, thí sinh muốn đăng ký xét tuyển vào các ngành “hot” này cần lưu ý điều gì để tăng cơ hội trúng tuyển?

TS Nguyễn Tiến Dũng: Trường Đại học Hà Nội có một số ngành “hot” như Ngôn ngữ Hàn Quốc, Ngôn ngữ Trung Quốc, Ngôn ngữ Nhật Bản, hay một số ngành đào tạo bằng ngoại ngữ như Công nghệ thông tin hoặc Marketing,... Đây đều là những ngành mà xã hội có nhu cầu rất cao, dẫn đến điểm đầu vào thường cao do tỷ lệ chọi cao.

Để đưa ra dự đoán về tỷ lệ chọi năm nay thì thực sự rất khó. Tuy nhiên, chúng tôi nghĩ rằng tỷ lệ chọi có thể vẫn tương đương như mọi năm. Bởi như đã nói, nhu cầu của xã hội đối với những ngành này vẫn cao. Và mặc dù điểm đầu vào của những ngành này trong các năm qua luôn ở mức cao nhưng thí sinh, đặc biệt là thí sinh có năng lực học tập tốt, vẫn đam mê và quyết tâm đăng ký xét tuyển.

Do đó, tôi nghĩ tỷ lệ chọi vẫn sẽ có sự ổn định và tương tự như vậy thì điểm chuẩn đầu vào có lẽ cũng ổn định, nếu kết quả thi tốt nghiệp THPT ở mặt bằng chung không có sự khác biệt.

Để tối đa hóa khả năng trở thành sinh viên theo học những ngành “hot” của nhà trường, tôi nghĩ rằng các em nên có sự nghiên cứu nhất định.

Các em nên tham khảo điểm đầu vào của những ngành này trong 3 năm trở lại đây. Bên cạnh đó, kiểm tra lại năng lực thực tế của mình - được thể hiện qua mức điểm của chứng chỉ ngoại ngữ quốc tế mà em đang sở hữu và dự đoán ngưỡng điểm bài thi tốt nghiệp THPT qua quá trình làm bài thi khảo sát tại các trường cấp ba.

Khi biết được khả năng của mình rơi vào vùng điểm nào, em cần so sánh vùng điểm này với điểm chuẩn đầu vào của nhà trường trong 3 - 5 năm trở lại đây, xác định có trong ngưỡng an toàn hay không. Đây là một số căn cứ thông tin mà các em cần lưu ý.

Với chứng chỉ ngoại ngữ quốc tế, ví dụ, nếu thí sinh đăng ký xét tuyển theo phương thức Xét tuyển kết hợp bằng chứng chỉ IELTS, hiện nay Trường Đại học Hà Nội tiếp nhận hồ sơ với thí sinh có IELTS 6.5 trở lên. Tuy nhiên, các em lưu ý 6.5 là mới ngưỡng đáp ứng được điều kiện nộp hồ sơ, còn rõ ràng để có thể ứng tuyển được vào ngành mình yêu thích, đặc biệt là những ngành “hot” thì mức điểm phải cao hơn mức điểm tối thiểu rất nhiều, như 7.5 hoặc 8.0 IELTS chẳng hạn. Lúc đó, điểm quy đổi sẽ cao hơn và cơ hội để trở thành sinh viên của nhà trường cũng sẽ cao hơn.

Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Hà Nội nói bí quyết tăng cơ hội trúng tuyển vào các ngành “hot” -0
Thí sinh cùng phụ huynh tìm hiểu thông tin tuyển sinh Trường Đại học Hà Nội (Ảnh: Nguyễn Liên)

- Qua thực tế nhiều năm làm công tác tuyển sinh, ông có thể chia sẻ về một số ngành học dù cơ hội việc làm rất cao, nhiều tiềm năng phát triển, nhưng chưa nhiều sinh viên biết đến hay không?

TS Nguyễn Tiến Dũng: Trường Đại học Hà Nội có rất nhiều ngành đào tạo, trong đó chia làm hai nhóm. Chúng tôi có 11 ngành đào tạo ngoại ngữ và 10 ngành đào tạo các chuyên ngành bằng ngoại ngữ.

Trên thực tế, có những ngành thí sinh không quan tâm nhiều lắm, nhưng cơ hội việc làm lại rất tốt. Ví dụ, Ngôn ngữ Bồ Đào Nha là một trong những ngành có điểm chuẩn đầu vào ở mức trung bình của nhà trường, tuy nhiên điều kiện để sinh viên có thể tìm được việc làm sau khi tốt nghiệp rất cao.

Thực tế, nhiều sinh viên Trường Đại học Hà Nội trong quá trình thực tập ở năm thứ tư đại học đã được các đơn vị sử dụng lao động tuyển dụng và đưa đi công tác nước ngoài, tham gia các hội thảo, bởi đánh giá rất cao năng lực sử dụng tiếng Bồ Đào Nha của các em; hay ngành Ngôn ngữ Tây Ban Nha, Ngôn ngữ Italia cũng như vậy - thường không có nhiều sự quan tâm bằng các ngành “hot” khác, nhưng tiềm năng, triển vọng việc làm rất tốt.

Riêng ngành Ngôn ngữ Italia, tại Trường Đại học Hà Nội, sinh viên còn có cơ hội đi học chuyển tiếp, học trao đổi hoặc học lên cao hơn ở các trường đại học Italia. Bởi nhà trường có quan hệ rất tốt với các đơn vị đối tác tại Italia, nên cơ hội học du học sau khi tốt nghiệp hoặc ngay khi còn ngồi trên ghế nhà trường của những sinh viên thuộc ngành này cũng rất cao.

Học phí dao động trung bình từ 27 - 40 triệu đồng/năm học

- Nhiều thí sinh thắc mắc rằng, nếu thí sinh trúng tuyển vào trường nhưng chưa phải ngành học yêu thích nhất, vậy thí sinh có cơ hội nào để được chuyển sang học ngành mình thích hay không? Ông có thể đưa ra giải đáp?

TS Nguyễn Tiến Dũng: Theo quy chế đào tạo, có hai khả năng để thí sinh có thể theo học ngành mình yêu thích, nhưng lại không nhập học vào ngành đó ngay từ ban đầu.

Trường hợp thứ nhất là sau một năm học, nếu thí sinh có kết quả học tập tốt và điểm của em đạt được khi tham dự kỳ thi tốt nghiệp THPT cao hơn điểm chuẩn đầu vào ngành mà em mong muốn học, thí sinh hoàn toàn có thể đăng ký chuyển ngành, với điều kiện là ngành em muốn chuyển đến còn chỉ tiêu đào tạo, chỉ tiêu đó nằm trong năng lực tuyển sinh của nhà trường.

Ví dụ, một ngành nhà trường có năng lực đào tạo và chỉ tiêu đào tạo là 100, nhưng sau năm thứ nhất số lượng sinh viên theo học chỉ còn 95 bạn, như vậy sẽ thừa ra 5 vị trí cho những bạn đáp ứng được các điều kiện cần thiết để có thể chuyển ngành.

Trường hợp thứ hai là thí sinh sau năm thứ nhất với kết quả học tập tốt có thể đăng ký học song ngành, tức là học thêm một ngành nữa.

Ví dụ, thí sinh đỗ vào ngành tiếng Nga nhưng lại có đam mê với ngành ngôn ngữ Anh hoặc ngôn ngữ Hàn Quốc, thì sau năm thứ nhất, sinh viên đó có thể đăng ký học thêm ngành thứ hai. Khi đó, em sẽ có thể tốt nghiệp với hai tấm bằng thuộc hai ngành khác nhau sau 4 năm đào tạo trên ghế nhà trường.

Khi học song ngành như vậy, sinh viên sẽ được công nhận và chuyển đổi toàn bộ học phần trong khối kiến thức giáo dục đại cương và tiết kiệm được tối đa 1 năm học trong toàn bộ chương trình đào tạo của nhà trường.

Tôi nghĩ đây là điều các em có thể tận dụng khi đã trở thành sinh viên của Trường Đại học Hà Nội.

- Ông có thể chia sẻ về mức học phí và các chương trình học bổng năm nay của Trường Đại học Hà Nội?

TS Nguyễn Tiến Dũng: Về học phí, Trường Đại học Hà Nội thực hiện theo Nghị định 81 của Chính phủ. Theo đó, học phí được xây dựng trên cơ sở tính đúng, tính đủ, có tính đến các yếu tố mà nhà trường đã trang bị cho người học để tối đa hóa lợi ích của người học.

Với sinh viên nhập học năm 2024, mức học phí sẽ tùy thuộc vào từng ngành đào tạo, dao động trung bình trong khoảng 27 - 40 triệu đồng/năm học. Trường Đại học Hà Nội hiện có rất nhiều chương trình và hình thức đào tạo khác nhau, như chương trình tiêu chuẩn, chương trình tiên tiến, các ngành đào tạo ngôn ngữ, các ngành đào tạo chuyên ngành bằng ngoại ngữ,... Do đó, mức học phí cũng có sự dao động nhất định.

Thí sinh nên tìm hiểu chi tiết về mức học phí theo tín chỉ, theo các loại hình học phần thông qua việc tham khảo đề án tuyển sinh Trường Đại học Hà Nội đã công bố trên trang thông tin điện tử của trường.

Về học bổng, hàng năm, nhà trường có rất nhiều chương trình học bổng. Bên cạnh học bổng theo quy định của Nhà nước đối với các sinh viên có hoàn cảnh khó khăn, thành tích học tập tốt, chúng tôi cũng có học bổng của các tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân trong nước và nước ngoài dành cho sinh viên.

Bên cạnh đó, Trường Đại học Hà Nội có nhiều đề án với Cộng đồng Liên minh châu Âu và nhận được học bổng Erasmus+ của Liên minh Châu Âu (Erasmus+ International Credit Mobility). Học bổng này dành cho những sinh viên có nguyện vọng và kết quả học tập tốt, cũng như thành tích hoạt động trong quá trình học tập tại trường, tạo điều kiện cho sinh viên đi học trao đổi từ một học kỳ cho đến một năm học tại một trường đại học ở châu Âu.

- Trân trọng cảm ơn TS Nguyễn Tiến Dũng!

Nguyễn Liên
#