Nữ sinh quyết tâm trở thành giáo viên dạy Văn “gieo chữ” tới học trò vùng cao

- Chủ Nhật, 14/04/2024, 07:55 - Chia sẻ

Nữ sinh Lê Thị Ngọc Anh đang là sinh viên năm nhất, lớp A1K73, Khoa Ngữ văn, Trường Đại học Sư Phạm Hà Nội luôn cố gắng học tập tốt để trở thành một giáo viên có chuyên môn, nghiệp vụ sư phạm giỏi, thành thạo nhiều kỹ năng mềm để bắt kịp với yêu cầu giáo dục đổi mới.

Bứt phá từ "thất bại” trong đội tuyển học sinh giỏi

Lê Thị Ngọc Anh sinh ra và lớn lên tại miền đất có điều kiện kinh tế, xã hội còn nhiều khó khăn, thuộc xã Hướng Hiệp, huyện Đakrông, tỉnh Quảng Trị.

Chia sẻ về cuộc sống của người dân nơi đây, Ngọc Anh cho biết: “ Xã Hướng Hiệp quê em chủ yếu là người đồng dân tộc Vân Kiều, cuộc sống còn khó khăn, người dân quanh năm vất vả với nương rẫy nên trẻ em trong làng ít có điều kiện để học đến nơi, đến chốn”.

Ngọc Anh là con cả trong gia đình có 2 chị em, có bố làm quân nhân quân đội, mẹ công tác tại địa phương. Cha mẹ luôn bận rộn với công việc nên từ nhỏ, Ngọc Anh đã có ý thức tự giác, nỗ lực hết mình trong học tập, nhiều năm liền là học sinh khá, giỏi.

Nữ sinh vùng cao chia sẻ, bản thân bén duyên với môn Ngữ văn khi đang còn là học sinh cấp THCS. Nghe thầy cô giảng về các tác phẩm Văn học, em rất mê. Từ đó, ngoài các bài giảng trên lớp của các thầy cô, nữ sinh tự tìm các cuốn sách về Văn học để đọc thêm, tìm hiểu thêm những kiến thức liên quan đến tác phẩm.

Với niềm yêu thích, đầu năm lớp 8, nữ sinh đăng kí tham gia đội tuyển Ngữ văn, nhưng lại bất ngờ “trượt ngã” ngay ở kỳ thi lựa chọn thành viên. Ngọc Anh tâm sự, bản thân khi đó đã làm bài khá vội vã, không cẩn thận dẫn đến nhầm lẫn và mất điểm ở những câu đơn giản. Em rút ra rất nhiều bài học để làm tốt hơn trong kỳ thi tiếp theo.

“Thất bại này giúp em nhận ra bản thân cần cố gắng và bình tĩnh hơn. Bởi một khi thời điểm, cơ hội đã qua rồi thì rất khó để làm lại", nữ sinh sư phạm bày tỏ.

Trong những năm học sau đó, Ngọc Anh đều duy trì thành tích học sinh giỏi, điểm trung bình chung học tập của em luôn dao động trong top đầu lớp. Với thành tích nổi bật: lớp 9 đoạt giải Ba môn Ngữ văn cấp tỉnh; lớp 12 đoạt giải Nhì môn Ngữ văn cấp tỉnh.

Cũng theo Ngọc Anh, để đạt điểm cao đối với môn học này, ngoài việc tìm hiểu các kiến thức của các tác phẩm, cũng cần để ý cuộc sống xung quanh để có những góc nhìn đa dạng hơn khi dẫn chứng vấn đề. Đồng thời phải nắm chắc kiến thức cơ bản, rèn luyện kĩ năng xử lý tình huống, không nên “học tủ, học thuộc” vì sẽ dẫn đến việc gò bó cảm xúc, khả năng sáng tạo.

Mong muốn truyền cảm hứng cho các em nhỏ bản làng vùng cao

Khi biết tin trúng tuyển vào khoa Ngữ Văn, Trường Đại học Sư phạm Hà Nội, Ngọc Anh vỡ òa vui sướng. Nói về lựa chọn trở thành sinh viên sư phạm Ngữ văn, Ngọc Anh tâm sự: “ Văn học đã giúp em thay đổi nhận thức, biết yêu ghét giận hờn và trân trọng cuộc sống nhiều hơn. Em hy vọng sẽ trở thành cô giáo dạy văn để vừa dạy chữ vừa gìn giữ bản sắc văn hóa vùng cao”.

Mang theo ước mơ của bản thân, nữ sinh quyết định vượt quãng đường gần 700km ra Hà Nội nhập học. Nữ sinh Quảng Trị nhớ lại: “Ngày đầu nhập học ở trường mới, em mang trong mình tâm trạng hồi hộp và lo lắng về ngôi trường mới. Nhưng nhờ sự quan tâm, hướng dẫn của thầy cô, bạn bè Trường Đại học Sư phạm Hà Nội, em đã nhanh chóng hòa nhập với môi trường nơi đây”.

Bên cạnh đó, Ngọc Anh tích cực tham gia câu lạc bộ dạy học tình nguyện của Trường Đại học Sư phạm Hà Nội (HTC) - đây là hoạt động dạy miễn phí những môn học như Tiếng Việt, Toán, Lý, Hóa;... cùng các cách ứng xử, kỹ năng sống cho trẻ em có hoàn cảnh khó khăn với hi vọng có thể góp một phần sức lực nhỏ bé của mình vào hoạt động ý nghĩa này.

“Sau thời gian học tại trường, em không chỉ được trau dồi kiến thức mà còn rèn luyện được rất nhiều kĩ năng quan trọng và quý giá; được truyền cảm hứng để ngày càng tự hào với nghề mình đã chọn. Em đang cố gắng học tập thật tốt để trở thành một giáo viên có chuyên môn, nghiệp vụ sư phạm giỏi, thành thạo nhiều kỹ năng mềm để bắt kịp với yêu cầu giáo dục đổi mới”, nữ sinh sư phạm hồ hởi cho biết.

Chia sẻ về dự định tương lai, Ngọc Anh cho biết, sau khi tốt nghiệp, em sẽ quay trở về địa phương dạy học. Bằng cách truyền đạt kiến thức thông minh, hy vọng có thể khơi dậy niềm đam mê học hỏi và khám phá ở các em học sinh bản làng vùng cao, giúp trẻ tự tin hơn trong việc học tập.

Bằng sự nỗ lực học tập miệt mài, Ngọc Anh đã đạt học bổng của Khoa Ngữ Văn và trở thành một trong những tấm gương sinh viên vượt khó được trao tặng hỗ trợ từ Quỹ học sinh, sinh viên vùng khó khăn của Trường Đại học Sư phạm Hà Nội.

Theo nữ sinh, học bổng là món quà rất ý nghĩa mà em nhận được, cũng là động lực để em cố gắng hơn. “Với em, đây không chỉ là nguồn hỗ trợ về vật chất mà còn là niềm tin, nguồn an ủi lớn về tinh thần để giúp em vượt qua khó khăn trên sự nghiệp học nghề, nó là tình cảm to lớn mà nhà trường đã tin tưởng và hỗ trợ.

Em xin hứa sẽ cố gắng hết mình vì bản thân, gia đình cũng như không phụ sự kì vọng của các thầy cô. Sau khi tốt nghiệp, em sẽ quay trở lại địa phương để phục vụ cho nền giáo dục, góp một phần sức lực nhỏ bé của mình chắp cánh đến những mầm non tương lai của quê nhà vì một ngày mai tươi sáng hơn”, nữ sinh sư phạm Ngọc Anh bày tỏ.

Quỹ Đồng hành học sinh, sinh viên vùng khó do Trường Đại học Sư phạm Hà Nội thành lập. Quỹ này dành cho các học sinh, sinh viên vươn lên trong học tập, tu dưỡng; cho những học sinh vùng khó khăn không phải bỏ học giữa chừng, nhất là các học sinh muốn trở thành nhà giáo.

Theo GS.TS Nguyễn Văn Minh, Hiệu trưởng Trường Đại học Sư phạm Hà Nội, từ thực tế hoàn cảnh của nhiều học sinh, sinh viên nhà trường thuộc vùng sâu, vùng xa, có hoàn cảnh khó khăn, quỹ được sáng lập nhằm thực hiện các hoạt động khuyến học, khuyến tài, tài trợ học bổng, trao giải thưởng nhằm động viên, khuyến khích học sinh, sinh viên vượt khó, phát huy năng lực của bản thân trong học tập và rèn luyện.

Quỹ tiếp nhận và quản lý nguồn tài chính được tài trợ, hỗ trợ, ủng hộ của các cơ quan, đơn vị, đoàn thể, doanh nghiệp, nhà hảo tâm và cựu sinh viên để thực hiện các hoạt động đúng với tôn chỉ, mục đích của quỹ và quy định của pháp luật.

GS.TS Nguyễn Văn Minh cũng khẳng định, Trường Đại học Sư phạm Hà Nội cam kết đảm bảo tính công khai, minh bạch trong quản lý và sử dụng nguồn quỹ; đảm bảo tính công bằng, dân chủ trong xét, chọn đối tượng học sinh, sinh viên được hỗ trợ.

Xuân Qúy
#