Những sự kiện giáo dục nổi bật tuần qua: Xôn xao nhất là một phó giáo sư xin rời Hội đồng khoa học ngành Toán

- Chủ Nhật, 12/11/2023, 16:24 - Chia sẻ

Hội đồng Giáo sư Nhà nước công bố danh sách ứng viên đạt tiêu chuẩn công nhận chức danh Giáo sư, Phó Giáo sư năm 2023; PGS.TS Đinh Công Hướng rời Hội đồng khoa học ngành Toán; Xôn xao vụ việc giáo viên “gợi ý” phụ huynh mua cước điện thoại cho cô sử dụng;... là những thông tin giáo dục nhận được nhiều sự quan tâm trong tuần qua.

630 ứng viên đủ tiêu chuẩn công nhận chức danh GS, PGS năm 2023

Ngày 6.11. Hội đồng Giáo sư Nhà nước công bố danh sách ứng viên đạt tiêu chuẩn công nhận chức danh Giáo sư, Phó Giáo sư (GS, PGS) năm 2023. 

Theo kết quả bỏ phiếu tại phiên họp lần thứ XII nhiệm kì 2018 - 2023 của Hội đồng Giáo sư Nhà nước (diễn ra từ ngày 4 - 5.11), có 630 ứng viên đủ tiêu chuẩn công nhận chức danh GS, PGS năm 2023. Trong đó, có 58 ứng viên đạt tiêu chuẩn công nhận chức danh GS, 572 ứng viên đạt tiêu chuẩn công nhận chức danh PGS.

Những sự kiện giáo dục nổi bật tuần qua -0
Phiên họp lần thứ XII nhiệm kì 2018 - 2023 của Hội đồng Giáo sư Nhà nước, diễn ra từ ngày 4 - 5.11.2023

Như vậy, so với danh sách 648 ứng viên được các Hội đồng Giáo sư ngành, liên ngành đưa lên Hội đồng Giáo sư Nhà nước đề nghị xét công nhận đạt tiêu chuẩn chức danh GS, PGS, đã có 18 ứng viên (gồm 2 ứng viên GS và 16 ứng viên PGS) không đạt tiêu chuẩn.

3 GS trẻ nhất năm nay cùng sinh năm 1984 (39 tuổi), trong khi đó 2 PGS trẻ nhất cùng sinh năm 1990 (33 tuổi). Ngành Kinh tế có đông ứng viên được công nhận chức danh GS và PGS nhất năm nay, với 92 người, trong đó có 6 GS; sau đó là ngành Y học với 63 người, trong đó có 6 GS.

PGS.TS Đinh Công Hướng rời Hội đồng khoa học ngành Toán

Ngày 8.11, Quỹ Nafosted (Quỹ phát triển Khoa học và Công nghệ Quốc gia) đã có thông tin về việc PGS.TS Đinh Công Hướng xin rút khỏi Hội đồng khoa học ngành Toán. 

Theo đó, ngày 31.10, Giám đốc cơ quan điều hành Quỹ Nafosted và Hội đồng khoa học ngành Toán nhiệm kỳ 2022 - 2024 đã nhận được đề nghị của PGS.TS Đinh Công Hướng - thành viên, xin được rút khỏi hội đồng với lý do có hợp tác nghiên cứu khoa học với Trường ĐH Tôn Đức Thắng và Trường ĐH Thủ Dầu Một, gây ảnh hưởng đến uy tín của Hội đồng.

Theo đề nghị của giám đốc cơ quan điều hành Quỹ, ngày 7.11, Hội đồng khoa học đã tổ chức họp để xem xét đề nghị của PGS.TS Đinh Công Hướng. Sau khi thảo luận về đề nghị của PGS.TS Đinh Công Hướng, đối chiếu với quy định về thực hiện nhiệm vụ khoa học công nghệ do Quỹ Nafosted hỗ trợ ban hành, các thành viên hội đồng khoa học thống nhất để PGS.TS Đinh Công Hướng thôi không tham gia Hội đồng.

Trước đó, dư luận xôn xao việc PGS.TS Đinh Công Hướng, công tác tại Trường ĐH Công nghiệp TP. Hồ Chí Minh, thành viên Hội đồng ngành Toán, Quỹ Nafosted nộp đơn xin rút khỏi Hội đồng này. PGS.TS Đinh Công Hướng xin rút là do có phản ánh ông vi phạm liêm chính khoa học. Cụ thể, khi còn là giảng viên cơ hữu của Trường ĐH Quy Nhơn, ông có 42 công trình nghiên cứu khoa học, trong đó, 13 công trình đứng tên Trường ĐH Tôn Đức Thắng, 4 công trình đứng tên Trường ĐH Thủ Dầu Một.

Bộ trưởng Bộ GD-ĐT: Kỳ thi tốt nghiệp THPT vẫn tiếp tục được tổ chức trong những năm tới

Tại chương trình làm việc Kỳ họp thứ 6, ngày 7.11, trả lời chất vấn của Đại biểu Quốc hội về việc “có cần thay đổi lại việc tổ chức kỳ thi tốt nghiệp THCS kết hợp với xét tuyển vào lớp 10 và xét tốt nghiệp THPT không?", Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Kim Sơn cho biết theo thiết kế chương trình, bậc THCS là bậc giáo dục cơ bản nền tảng tích hợp để trang bị những kiến thức cơ bản nhất của giáo dục phổ thông.

Trong chương trình bậc THPT sẽ tăng cường yếu tố phân luồng hướng nghiệp, tăng sự chủ động lựa chọn cho học sinh. Việc tổ chức dạy học tích hợp cũng như trang bị kiến thức ở THCS đảm bảo cơ bản và nền tảng cũng đã được triển khai thực hiện trong thời gian vừa qua.

Theo Bộ trưởng, nếu trong 12 năm phổ thông có quá nhiều kỳ thi thì sẽ quá nặng cho học sinh. Dư luận xã hội, phụ huynh và ngành giáo dục đều nhận thức sự cần thiết phải giảm các kỳ thi khi kết thúc THCS để chuyển sang THPT.

Những sự kiện giáo dục nổi bật tuần qua -0
Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Kim Sơn

"Kết thúc THPT, dẫu đã là giai đoạn phân luồng hướng nghiệp, tuy nhiên vẫn trong phạm vi giáo dục phổ thông, và để kết thúc 12 năm giáo dục phổ thông, cần thiết có một kỳ thi tốt nghiệp, điều này đã được quy định rõ trong Luật Giáo dục 2019. Kỳ thi này vừa để đánh giá kết quả học tập, là căn cứ để các cơ sở xét tuyển vào đại học. Vì những mục đích như vậy, kỳ thi tốt nghiệp THPT vẫn tiếp tục được tổ chức trong những năm tới", Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn khẳng định.

Xôn xao vụ việc giáo viên “gợi ý” phụ huynh mua cước điện thoại cho cô sử dụng

Mạng xã hội những ngày gần đây xôn xao trước thông tin một giáo viên Trường Tiểu học Đồng Kỵ 2, phường Đồng Kỵ, TP Từ Sơn, tỉnh Bắc Ninh muốn phụ huynh đăng ký gói điện thoại 240.000 đồng/tháng cho cô sử dụng.

Những sự kiện giáo dục nổi bật tuần qua -0
Trường Tiểu học Đồng Kỵ 2, phường Đồng Kỵ, TP Từ Sơn, tỉnh Bắc Ninh

Theo bài đăng chia sẻ trên mạng xã hội, phụ huynh phản ánh, cô A. - giáo viên chủ nhiệm lớp 2D đã có hành vi bạo lực với học sinh. Bên cạnh đó, nữ giáo viên còn muốn phụ huynh đăng ký gói cước 240.000 đồng/tháng và trả trước 1 năm cho cô giáo, trong khi mỗi năm học chỉ có 9 tháng. Ông Nguyễn Hữu Hải, Chủ tịch UBND phường Đồng Kỵ cho biết trước phản ánh trên, UBND phường đã mời phụ huynh lên làm việc và cũng đã có buổi trao đổi riêng với nhà trường.

Về vấn đề liên quan bạo lực học đường đã xảy ra từ năm 2022 và phụ huynh này chỉ nghe kể qua người khác, là thông tin không đúng sự thật. Về vấn đề cô giáo yêu cầu phụ huynh đóng tiền cước internet để sử dụng là có thật. Mục đích việc này là để phục vụ cô giáo giao bài tập về nhà và các nội dung liên quan đến tình hình học tập của học sinh. “Tuy nhiên phụ huynh không đồng ý, cô giáo cũng không đòi hỏi thêm”, ông Hải thông tin.

8 học sinh nghi ngộ độc thực phẩm sau bữa ăn sáng tại trường

Sau bữa ăn sáng tại trường vào ngày 10.11, 8 học sinh Trường Tiểu học, THCS và THPT Victory, thành phố Buôn Ma Thuột, tỉnh Đắk Lắk có biểu hiện đau bụng, được nhà trường đưa vào Bệnh viện Đại học Y Dược Buôn Ma Thuột kiểm tra.

Theo lãnh đạo nhà trường, bữa sáng có khoảng 1.700 học sinh các khối, lớp cùng ăn chung thức ăn nhưng chỉ có 8 em bị đau bụng. Hiện nhà trường đang phối hợp với Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm tỉnh kiểm tra các mẫu thức ăn. Sức khỏe của cả 8 em đã ổn định và được xuất viện.

Liên quan đến vụ việc, theo thông tin từ Bệnh viện Đại học Y Dược Buôn Ma Thuột, khoảng 11 giờ 15 phút ngày 10.11, bệnh viện tiếp nhận 8 học sinh có biểu hiện buồn nôn, chóng mặt, đau bụng. Qua thăm khám, bác sĩ chẩn đoán các bệnh nhi bị rối loạn tiêu hóa và đã cho các em xuất viện.

Giám đốc Sở GD-ĐT tỉnh Đắk Lắk Phạm Đăng Khoa cho biết, Sở đã nắm được thông tin liên quan đến vụ nghi ngộ độc thực phẩm xảy ra tại Trường Tiểu học, THCS và THPT Victory. Đồng thời, đề nghị nhà trường báo cáo vụ việc để xử lý theo quy định.

Nguyễn Liên (tổng hợp)
#