Nhu cầu nhân lực chất lượng cao lĩnh vực bán dẫn đang tăng rất mạnh

- Thứ Bảy, 03/02/2024, 07:56 - Chia sẻ

PGS.TS Nguyễn Đức Minh - Trưởng khoa Điện tử, Trường Điện - Điện tử, Đại học Bách khoa Hà Nội cho biết khoa Điện tử thường xuyên nhận được sự quan tâm của các doanh nghiệp mong muốn hợp tác trong đào tạo tuyển dụng kỹ sư vi mạch với số lượng lên đến hàng trăm nhân sự mỗi năm.

Sôi động thị trường vi mạch

Với định hướng phát triển của Chính phủ và sự đầu tư của nhiều công ty công nghệ lớn trong lĩnh vực bán dẫn vào Việt Nam như Samsung, Intel, Applied Micro, Vector Fabrication..., nhu cầu nhân lực chất lượng cao trong lĩnh vực này gia tăng rất mạnh.

“Chúng tôi thường xuyên nhận được sự quan tâm của các doanh nghiệp mong muốn hợp tác trong đào tạo tuyển dụng kỹ sư vi mạch với số lượng lên đến hàng trăm nhân sự mỗi năm,” PGS.TS Nguyễn Đức Minh - Trưởng khoa Điện tử, Trường Điện - Điện tử, Đại học Bách khoa Hà Nội chia sẻ về sự sôi động của thị trường vi mạch cũng như mức độ “khát” nhân lực trong lĩnh vực này.

Theo PGS.TS Nguyễn Đức Minh, hiện Đại học Bách khoa Hà Nội có 2 chuyên ngành đào tạo trực tiếp và 7 ngành đào tạo gần về thiết kế, sản xuất, đóng gói và kiểm thử, hỗ trợ ứng dụng chip bán dẫn, gồm: Điện tử Viễn thông; Thiết kế vi mạch (ĐTVT); Hệ thống nhúng (ĐTVT); Điện/Tự động hóa; Cơ điện tử; Kỹ thuật máy tính/Khoa học máy tính; Vật lý kỹ thuật; Vật liệu/Vật liệu điện tử; Công nghệ Vi điện tử và nano với tổng số hơn 3.300 sinh viên.

Lộ trình đào tạo các cử nhân, kỹ sư làm việc trong lĩnh vực chip bán dẫn tại Đại học Bách khoa Hà Nội đã rút ngắn đào tạo tại doanh nghiệp từ 6-9 tháng xuống 3-6 tháng.

Nhu cầu nhân lực chất lượng cao lĩnh vực bán dẫn tăng rất mạnh -0
Chương trình Kỹ thuật vi điện tử và công nghệ nano ra đời tập trung vào lĩnh vực chế tạo sản xuất

Tại Hội nghị cấp cao về Bán dẫn Việt Nam (tổ chức tháng 10.2023) do Bộ KH&CN tổ chức, PGS.TS Huỳnh Đăng Chính, Phó Giám đốc Đại học Bách khoa Hà Nội  phân tích 3 ưu điểm của Đại học Bách khoa Hà Nội, khẳng định vai trò của nhà trường trong việc phát triển ngành công nghệ bán dẫn tại Việt Nam.

Theo đó, về độ phủ - số lượng, Đại học Bách khoa Hà Nội là đại học kỹ thuật đa ngành hàng đầu có thể đào tạo nguồn nhân lực cho tất cả các vị trí công việc của ngành bán dẫn.

Về kinh nghiệm - chất lượng, Đại học Bách khoa Hà Nội có phòng thí nghiệm nghiên cứu bán dẫn và làm chip từ năm 1978 với sự giúp đỡ của Hà Lan, đã có truyền thống đào tạo kỹ sư thiết kế vi mạch và kỹ sư vật liệu điện tử bán dẫn từ trước năm 2000 trong các ngành/đơn vị như Vật lý Kỹ thuật, Điện tử Viễn thông và Khoa học vật liệu/ITIMS.

Bên cạnh đó, cựu sinh viên Bách khoa Hà Nội hiện đang làm việc tại các công ty và viện nghiên cứu chip bán dẫn hàng đầu trong và ngoài nước như ASML Hà Lan, Philips Hà Lan, IMEC Bỉ, Qorvo, Synopsys, Infineon, Toshiba,...

PGS.TS Huỳnh Đăng Chính nhấn mạnh, trong chiến lược Đại học Bách khoa Hà Nội giai đoạn 2017 - 2025 về đại học nghiên cứu đa ngành đa lĩnh vực, phát triển về vật liệu bán dẫn cho cảm biến, quang điện và thiết kế chip trong đào tạo và nghiên cứu, Đại học Bách khoa Hà Nội sẽ tiếp tục phát triển và hoạt động cho 3 Mạng lưới: Mạng lưới các trường công nghệ kỹ thuật Việt Nam, Mạng lưới các Doanh nghiệp FDI & Doanh nghiệp Việt Nam và Mạng lưới quốc tế.

Nhu cầu nhân lực chất lượng cao lĩnh vực bán dẫn tăng rất mạnh -0
Vi mạch thu phát không dây do Đại học Bách khoa Hà Nội nghiên cứu thiết kế

"Nâng chất, tăng lượng" nguồn nhân lực ngành bán dẫn

Trước đó, đáp ứng nhu cầu ngày càng tăng của ngành bán dẫn, năm 2023, Đại học Bách khoa Hà Nội mở chuyên ngành Thiết kế vi mạch trong ngành đào tạo Kỹ thuật Điện tử Viễn thông và ngành Kỹ thuật vi điện tử và Công nghệ nano.

Các chương trình này tập trung vào cung cấp nhân lực chất lượng cao, chuyên gia, trong lĩnh vực thiết kế vi mạch và sản xuất - đóng gói - kiểm tra vi mạch.

Bên cạnh đó, nhà trường còn có các hoạt động nhằm tăng số lượng, nâng chất lượng của nguồn nhân lực chip bán dẫn như tổ chức các khóa học ngắn hạn, đào tạo chuyển đổi kỹ sư ngành gần, phối hợp với doanh nghiệp trong hoạt động xây dựng chương trình, đào tạo dựa trên dự án.

PGS.TS Nguyễn Văn Quy, Trưởng khoa Vật liệu điện tử và linh kiện, Trường Vật liệu, Đại học Bách khoa Hà Nội chia sẻ, mục tiêu của trường hướng tới việc đảm bảo những kỹ sư Vi điện tử tốt nghiệp Đại học Bách khoa Hà Nội có thể tham gia vào công việc thiết kế, chế tạo và nghiên cứu phát triển trong lĩnh vực Vi điện tử và Bán dẫn, góp phần vào sự phát triển và cạnh tranh của Việt Nam trong lĩnh vực công nghệ cao này.

Theo PGS.TS Nguyễn Văn Quy, chương trình Kỹ thuật vi điện tử và công nghệ nano ra đời tập trung vào lĩnh vực chế tạo sản xuất. Đây là chương trình đào tạo đầu tiên trang bị cho người học đầy đủ kiến thức và kỹ năng của cả quy trình sản xuất vi điện tử từ thiết kế, chế tạo, đóng gói đến kiểm chuẩn cũng như phát triển các thiết bị điện tử sử dụng công nghệ nano.

Chuyên ngành Thiết kế vi mạch thuộc ngành Kỹ thuật Điện tử - Viễn thông trang bị toàn diện cho sinh viên, cả về chuyên môn và kỹ năng mềm để có thể thiết kế, chế tạo vi mạch, đáp ứng được yêu cầu về tính năng động và sáng tạo của nghề nghiệp này.

Được biết, mới đây, nhóm sinh viên Trường Điện - Điện tử, Đại học Bách khoa Hà Nội do PGS.TS Phạm Nguyễn Thanh Loan hướng dẫn đã thắng giải cuộc thi thiết kế vi mạch do một số công ty trong Liên minh thiết kế vi mạch Việt Nam phối hợp cùng Trường Điện - Điện tử, Đại học Bách khoa Hà Nội; Đại học Công Nghệ, Đại học Quốc gia Hà Nội và Viện Tích hợp hệ thống tổ chức.

Thiết kế của nhóm sinh viên không những hoàn thiện mạch điện theo yêu cầu mà còn nghiên cứu đề xuất bổ sung để có thể sử dụng trong các trường hợp tín hiệu đầu vào yếu. Đề xuất này được Hội đồng kỹ thuật đánh giá có tính thực tiễn cao.

Hiện hàng năm có khoảng 300 sinh viên Đại học Bách khoa Hà Nội tốt nghiệp theo định hướng Điện tử có thể làm thiết kế sản xuất vi mạch. Nhiều sinh viên sau tốt nghiệp được tuyển dụng trong các công ty vi mạch lớn tại Hà Nội, Đà Nẵng, Hồ Chí Minh và ở Đài Loan, Singapore, Hàn Quốc, Nhật Bản.

Nhiều cựu sinh viên Bách khoa Hà Nội đang giữ các vị trí chủ chốt trong các công ty vi mạch hoặc theo đuổi định hướng nghiên cứu tại các đại học ở Hoa Kỳ, Hàn Quốc, Đài Loan, Pháp.

Trước đó, phát biểu tại Hội thảo Phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao ngành công nghiệp chip bán dẫn từ các cơ sở giáo dục đại học Việt Nam, tổ chức tháng 10.2023, Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Hoàng Minh Sơn cho biết, công nghiệp bán dẫn, vi mạch là một ngành có tiềm năng rất lớn trong tương lai về nhu cầu nhân lực trình độ cao, chất lượng cao.

Cũng như nhiều ngành công nghệ cao khác, ngành công nghiệp bán dẫn đòi hỏi mức đầu tư cao và đặt ra yêu cầu về nguồn nhân lực sẵn có.

Thực hiện chủ trương của Chính phủ, sự chỉ đạo trực tiếp của Thủ tướng Chính phủ, Bộ GD-ĐT đang xây dựng Kế hoạch hành động trong toàn ngành để thúc đẩy triển khai đào tạo, gia tăng nhanh số lượng và chất lượng nguồn nhân lực chất lượng cao trong lĩnh vực công nghệ bán dẫn, nhất là kỹ sư thiết kế vi mạch.

Để thực hiện nhiệm vụ rất quan trọng này, các cơ sở giáo dục đại học đóng vai trò chủ yếu. Theo số liệu thống kê của Bộ GD-ĐT, hiện nay có khoảng 35 cơ sở giáo dục đại học có khả năng tham gia, tuy nhiên số lượng cơ sở đào tạo có kinh nghiệm, có truyền thống còn rất ít.

Nguyễn Liên
#