Nhiều gia đình ở Nhật Bản phải cắt giảm chi phí sinh hoạt khi con chuyển cấp

- Thứ Hai, 06/05/2024, 08:32 - Chia sẻ

Một cuộc khảo sát ở Nhật Bản cho thấy hơn 60% các bậc cha mẹ gặp khó khăn về tài chính khi con họ chuẩn bị lên cấp 2, cấp 3.

Hơn 62% gia đình phải cắt giảm sinh hoạt phí

Tổ chức phi chính phủ Save the Children Japan vừa thực hiện cuộc khảo sát với 1.255 phụ huynh có con sắp chuyển cấp. 60% các bậc cha mẹ được hỏi, cho biết họ đang gặp khó khăn về tài chính và họ lên kế hoạch tiết kiệm chi phí sinh hoạt gia đình để con được học hành tử tế.

62,5% phụ huynh có con chuẩn bị vào học trung học cơ sở và 62,8% phụ huynh có con dự kiến vào trung học phổ thông cho biết, gia đình họ sẽ phải cắt giảm sinh hoạt phí bằng việc ăn uống ít đi. Nhiều người nói, họ thậm chí phải vay tiền người thân để sắm sửa cho con.

75% các bậc cha mẹ được hỏi cho biết, họ thấy việc mua đồng phục cho con là tốn kém; 47% người được hỏi nói, mua máy tính là đắt đỏ và 31,2% người được hỏi bày tỏ, chi phí đi lại cũng tốn tiền.

Nhiều gia đình ở Nhật phải cắt giảm chi phí sinh hoạt khi con chuyển cấp -0
Học sinh Nhật Bản (Ảnh: Japan)

Tổ chức Save the Children Japan cho biết, các chi phí liên quan đến việc nhập học và tốt nghiệp đặt gánh nặng lên các hộ gia đình. Nhóm kêu gọi mở rộng hỗ trợ, đặc biệt là đối với các bậc cha mẹ có con vào học trung học.

Nhiều giáo viên rơi vào tỉnh cảnh bế tắc

Không chỉ các bậc phụ huynh gặp khó khăn trong việc cho con đi học mà ngay cả các giáo viên ở Nhật cũng rơi vào tình cảnh bế tắc.

Một cuộc khảo sát gần đây của Bộ Giáo dục Nhật Bản cho thấy con số cao kỷ lục là 953 giáo viên tại các trường công đã nghỉ việc vì lý do sức khỏe tâm thần trong năm học 2021, tăng 171 giáo viên so với cuộc khảo sát trước đó vào năm 2018.

Các lãnh đạo của Bộ cho biết, thời gian làm việc kéo dài là một trong những nguyên nhân khiến giáo viên bỏ việc. Các lãnh đạo nói, giải quyết vấn đề sức khỏe tâm thần của giáo viên là vấn đề cấp bách.

Theo khảo sát của Bộ Giáo dục, những người nghỉ việc vì bệnh tâm thần chiếm 8% trong tổng số giáo viên xin nghỉ việc. Con số này là 571 giáo viên ở trường tiểu học, 277 ở trường trung học cơ sở, 105 ở trường trung học phổ thông.

Một cuộc khảo sát của Bộ được công bố vào cuối năm ngoái cũng cho thấy kết quả tương tự, với số lượng giáo viên tại các trường công phải nghỉ học vì vấn đề tâm lý đang đạt mức cao kỷ lục. Cuộc thăm dò cho thấy, ngoài lý do sức khỏe tâm thần, 2.913 giáo viên thôi việc vì lý do gia đình.

Khối lượng công việc của giáo viên tăng lên và thời gian làm việc kéo dài dẫn đến số lượng sinh viên theo học ngành sư phạm đang giảm đi. Lãnh đạo Bộ Giáo dục đang xem xét cải thiện điều kiện làm việc để giải quyết tình trạng thiếu giáo viên.

Khối lượng công việc của giáo viên Nhật Bản khá lớn. Các trường tiểu học ở Nhật Bản có “hệ thống giáo viên chủ nhiệm”. Giáo viên chủ nhiệm dạy bốn môn chính - tiếng Nhật, toán, khoa học và xã hội học, họ cũng có thể sẽ dạy nhiều môn khác như đạo đức, thể dục, thư pháp và ngoại ngữ. Giáo viên ngoài dạy học còn làm việc với học sinh để tổ chức các buổi họp hàng sáng, họp lớp hàng tuần, ăn trưa ở trường và dọn dẹp lớp học.

Ở các trường trung học cơ sở và trung học phổ thông, giáo viên giám sát các hoạt động câu lạc bộ, không chỉ sau giờ học mà còn vào cuối tuần. Nhiều giáo viên làm việc sáu ngày một tuần. 57,8% giáo viên tiểu học và 74,2% giáo viên trung học làm việc hơn 60 giờ mỗi tuần.

Dạy học không còn là công việc mơ ước của giới trẻ. Họ phải nghiên cứu tài liệu giảng dạy, giải quyết vấn đề bắt nạt và giải quyết vấn đề với phụ huynh mà không được trả lương làm thêm giờ. Vì thế, ngày càng có ít bạn trẻ quan tâm đến việc học thật giỏi để trở thành giáo viên.  

Nguyễn Thị Thơm (Theo Japan)
#