Một tỉnh hỗ trợ tuyển giáo viên tiếng Anh, Tin học 100 triệu đồng/trường hợp nhưng không tuyển được ai

- Chủ Nhật, 20/08/2023, 14:59 - Chia sẻ

Khó khăn trong tuyển dụng giáo viên do thiếu nguồn tuyển là vấn đề được các địa phương cùng nêu ra tại Hội nghị tổng kết năm học 2022 - 2023, triển khai nhiệm vụ năm học 2023 - 2024 của Bộ GD-ĐT vừa qua.

Nhờ giáo viên tỉnh khác dạy hộ trực tuyến

Bí thư Tỉnh ủy Yên Bái Đỗ Đức Duy cho biết, tình trạng thiếu nhiều giáo viên và khó khăn trong công tác tuyển giáo viên nhất là địa bàn đặc biệt khó khăn, mặc dù có chính sách thu hút và hỗ trợ. Thực trạng chung của các tình miền núi phía Bắc là thiếu giáo viên tiếng Anh, Tin học. Tuy nhiên dù tỉnh Yên Bái  đã ra chính sách tuyển mới giáo viên ở hai môn này với mức hỗ trợ 100 triệu đồng/trường hợp mà không tuyển được ai.

Yên Bái với tổng số giáo viên hiện mới đạt 86,5% so với định mức. Tính từ năm 2021 đến nay, tỉnh đã tổ chức nhiều đợt tuyển dụng, bình quân mỗi năm 2 đợt với tổng số chỉ tiêu tuyển 2532 nhưng số đăng ký chỉ có 1359 chiếm 53,7%, số trúng tuyển 726 chiếm 53,4% số trúng tuyển và chỉ chiếm 28,7% tổng số chỉ tiêu được tuyển.

Năm học 2022-2023, để triển khai chương trình Giáo dục phổ thông 2018, Yên Bái đã phải nhờ Nam Định dạy trực tuyến tiếng Anh cho học sinh tiểu học tại 5/9 huyện của tỉnh.

Để giải quyết tình trạng thiếu giáo viên tiếng Anh trong tương lai gần, Yên Bái phối hợp với Trường Đại học Sư phạm Thái Nguyên đào tạo cử nhân tiếng Anh tại tỉnh dành cho con em đồng bào dân tộc thiểu số. 

Bí thư Tỉnh uỷ Yên Bái Đỗ Đức Duy đã đề xuất chính sách đặc thù cho phép các tỉnh miền núi như Yên Bái tuyển dụng giáo viên tiểu học, THCS theo chuẩn cũ (cử nhân cao đẳng). Đồng thời, có lộ trình học liên thông đại học để đạt chuẩn mới trong thời gian không quá 5 năm.

Theo Bí thư Tỉnh uỷ Yên Bái Đỗ Đức Duy, hiện tỉnh có khoảng 200 giáo viên thuộc diện này, đa số là người dân tộc thiểu số, do tỉnh bỏ kinh phí ra đào tạo, nay không thể tuyển dụng do không đạt chuẩn theo Luật Giáo dục 2019.

Thiếu giáo viên, Kontum kiến nghị không cắt giảm 10% số lượng người làm việc ở địa bàn khó khăn.

Báo cáo tại hội nghị, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Kon Tum Y Ngọc cho biết, năm học 2022-2023, Tỉnh ủy, UBND tỉnh Kon Tum đã ưu tiên các giải pháp chăm lo phát triển giáo dục và đào tạo trên địa bàn và đạt được những kết quả quan trọng. Trong đó, đội ngũ nhà giáo tiếp tục được bổ sung, tăng thêm 319 biên chế.

Bên cạnh những thuận lợi, bà Ngọc cho biết, công tác giáo dục tại Kon Tum còn gặp một số khó khăn, vướng mắc.

Theo đó, do địa bàn rộng, dân cư phân tán, đặc biệt là ở 4 huyện biên giới nên mạng lưới trường lớp nhỏ lẻ, nhiều lớp ghép… Tỉnh Kon Tum còn thiếu 836 giáo viên, đời sống vật chất và tinh thần đối với hầu hết các nhà giáo đang công tác tại các xã ở vùng sâu, vùng xa còn gặp khó khăn.

Bà Y Ngọc kiến nghị, địa phương được ban hành cơ chế chính sách đặc thù đối với đội ngũ giáo viên công tác tại vùng khó khăn, vùng sâu, vùng xa, vùng dân tộc thiểu số. Bên cạnh đó, bổ sung chỉ tiêu số lượng người làm việc còn thiếu cho ngành GDĐT tỉnh Kon Tum và không cắt giảm 10% số lượng người làm việc đối với địa bàn khó khăn.

Cà Mau: Cần có có chương trình kiên cố hoá trường lớp, nhà công vụ để níu chân giáo viên 

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau Nguyễn Minh Luân chỉ ra tình trạng khó khăn hiện nay của giáo dục Cà Mau. Tỉnh Cà Mau là địa phương chịu ảnh hưởng nặng nề bởi biến đổi khí hậu, thiên tai, chính vì vậy, cơ sở vật chất phục vụ giáo dục luôn trong tình trạng xuống cấp, bị đe doạ bởi môi trường. Cụ thể các cơ sở triển khai được lớp bán trú chỉ chiếm 5%; cơ sở thực hiện học 2 buổi/ngày chiếm 62%. Toàn tỉnh có 170 điểm trường nhỏ lẻ, cơ sở vật chất tạm bợ. 

Phó chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau cho biết, địa phương thiếu nhiều giáo viên, đặc biệt là thầy, cô ở các môn môn ngoại ngữ, tin học, âm nhạc, giáo dục quốc phòng và các môn trong chương trình mới.

Năm học 2022-2023 Sở GD-ĐT Cà Mau được giao chỉ tiêu tuyển giáo viên, nhưng gặp khó khăn không thể tuyển đủ. Có thực trạng giáo viên tăng cường từ miền bắc vào Cà Mau 15-20 năm trước, hiện nay có nguyện vọng chuyển khỏi địa phương. Điều này cũng là nguyên nhân dẫn tới tình trạng thiếu giáo viên của tỉnh. 

Thông qua Hội nghị, Phó chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau Nguyễn Minh Luân kiến nghị Chính phủ, Bộ GD-ĐT quan tâm đầu tư chương trình sóng và máy tính cho em vùng khó khăn, biên giới, hải đảo. Bên cạnh đó tháo gỡ khó khăn trong việc đặt hàng đào tạo ngành sư phạm; có các chương trình kiên cố hóa trường lớp, đặc biệt là nhà công vụ cho giáo viên để giáo viên yên tâm, gắn bó dạy học và công tác...

Bộ Nội vụ vào cuộc

Trước những chia sẻ và kiến nghị của các địa phương về tình hình thiếu giáo viên, cơ sở vật chất, hạ tầng giáo dục, Thứ trưởng Bộ Nội vụ Triệu Văn Cường cho biết, năm 2021, ngành giáo dục có hơn 1.375 người hưởng biên chế, trong đó khối trung ương là 50.699. Còn lại ở địa phương là 1.328 016 biên chế. Khối mầm non và THPT có biên chế là 1.131 người.

Năm 2022-2023 đã có 27.850 biên chế được giao bổ sung. Năm học 2023 - 2024, Bộ Nội vụ đang phối hợp với Bộ GD-ĐT xem xét, căn cứ nhu cầu, so sánh định mức để trình Chính phủ cùng các cấp có thẩm quyền để bổ sung biên chế.

Thứ trưởng Bộ Nội vụ cũng nêu một thực tế là ở nhiều nơi đang diễn ra tình trạng thừa, thiếu giáo viên cục bộ tại một số địa phương và thiếu cân đối cơ cấu giáo viên giữa các môn học cùng một cấp học ở các vùng miền có điều kiện kinh tế xã hội khác nhau.  

Thứ trưởng Triệu Văn Cường chỉ ra nguyên nhân do các quy định hiện hành về số học sinh/lớp học không phân biệt vùng miền. Bên cạnh đó, nhiều địa phương không bố trí đủ học sinh, đặc biệt vùng sâu vùng xa. Một số địa phương không tuyển dụng được giáo viên theo số biên chế được giao. Vì vậy, Bộ GD-ĐT có thể xem xét điều chỉnh biên chế theo từng vùng miền.

Thứ trưởng Triệu Văn Cường đề nghị, Bộ GD-ĐT cần khẩn trương hoàn thiện các nội dung liên quan đến thể chế.

Bên cạnh đó, các địa phương đẩy mạnh sắp xếp, tổ chức lại các cơ sở giáo dục mầm non, phổ thông gắn với nâng cao chất lượng giáo dục; hình thành trường phổ thông nhiều cấp; chuyển đổi mô hình các cơ sở giáo dục mầm non, THPT từ công lập sang ngoài công lập ở những nơi có khả năng xã hội hoá.

Các địa phương cũng cần phê duyệt đề án tự chủ của các cơ sở giáo dục thuộc phạm vi quản lý, trong đó xác định rõ lộ trình tự chủ tài chính.

Về việc giữ, tuyển giáo viên, Thứ trưởng cho biết phải thực hiện công tác này từ các địa phương, triển khai theo nghị định 175, nghị định 106. 

Quốc Việt - Xuân Quý
#